Ngân hàng không mặn mà với UPCoM

(ĐTCK-online) Thay vì chuẩn bị lên sàn UPCoM như kế hoạch ban đầu, nhiều ngân hàng, thậm chí cả những đơn vị đã được cấp giấy phép giao dịch trên UPCoM, bắt đầu chuyển hướng sang sàn chứng khoán tập trung. Sàn UPCoM không hấp dẫn các ngân hàng kể cả khi đầu tháng 10 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành văn bản hướng cho phép các NHTM được tự quyết định việc đưa cổ phiếu lên giao dịch trên sàn này.

UPCoM: Lo thanh khoản...

Thời gian trước đây, khi UPCoM - gọi đầy đủ là thị trường đăng ký giao dịch chứng khoán công ty đại chúng chưa niêm yết, chính thức được vận hành, các ngân hàng chưa niêm yết đều cho biết, sẽ tiến hành thủ tục để đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UPCoM, nhằm nâng cao tính thanh khoản. SCB, DaiA Bank… là những ngân hàng đã tiến hành làm thủ tục giao dịch cổ phiếu trên sàn UPCoM. Kế đến là OCB và một số nhà băng khác cũng có ý định theo hướng này.

Song vừa qua SCB đã từ bỏ ý định khi chưa được chính thức cấp phép đưa cổ phiếu lên sàn UPCoM. Còn DaiA Bank đã được Sở GDCK Hà Nội chấp thuận đăng ký giao dịch cổ phiếu trên UPCoM với mã DAB. Số lượng đăng ký giao dịch cổ phiếu DAB trên UPCoM cũng được công bố là 100 triệu cổ phiếu với mệnh giá 10.000 đồng/CP.

Với sự kiện này, DaiA Bank được kỳ vọng là ngân hàng đầu tiên lên sàn UPCoM. Và theo quy định, vào trung tuần tháng 11/2009, cổ phiếu DAB phải tổ chức giao dịch chính thức trên UPCoM. Thế nhưng, sau khi xem xét lại, HĐQT DaiA Bank đã có văn bản đề nghị cổ đông xem xét về việc chuyển niêm yết cổ phiếu DAB lên sàn HOSE.

HĐQT DaiA Bank cho rằng, mặc dù trước đó Ngân hàng đã có lộ trình đưa cổ phiếu DAB lên giao dịch trên UpCoM, nhưng quy mô giao dịch của sàn này thấp và số lượng cổ phiếu giao dịch trên thị trường UPCoM chưa nhiều. Điều này sẽ tác động đến thị giá cổ phiếu DAB. Vì vậy, HĐQT DaiA Bank đề nghị các cổ đông xem xét chuyển niêm yết cổ phiếu DAB trên HOSE khi được cấp phép. Và mới đây ngày 9/11, DaiA Bank đã có quyết nghị về việc hủy giao dịch cổ phiếu DAB trên sàn UPCoM, hủy lưu ký tập trung tại Trung tâm Lưu ký chứng khoán và tổ chức niêm yết cổ phiếu tại sàn HOSE.

Sau khi hoàn tất việc lấy ý kiến cổ đông về kế hoạch phát hành cổ phiếu đợt 2, tăng vốn điều lệ từ hơn 2.304 tỷ đồng lên trên 2.568 tỷ đồng như phương án đề ra năm 2009 đã được điều chỉnh (tỷ lệ phân phối 11,44% tính trên vốn cổ phần sở hữu cho cổ đông hiện hữu), mới đây, Southern Bank còn cho biết, sẽ lập phương án trình Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và thực hiện các thủ tục pháp lý cần thiết để niêm yết cổ phiếu trên TTCK tập trung.

HOSE cho biết, cơ quan này vừa chấp nhận hồ sơ đăng ký niêm yết lần đầu của Western Bank vào cuối tháng 10. Theo đó, Western Bank đăng ký niêm yết 100 triệu cổ phiếu phổ thông trên sàn HOSE. Western Bank đang xúc tiến kế hoạch này để sớm có được giấy phép niêm yết. NHNN vừa đồng ý cho Western Bank tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng. Theo báo cáo tài chính của Western Bank, tính đến ngày 30/9/2009, lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt 68,41 tỷ đồng, tổng tài sản đạt trên 5.000 tỷ đồng.

HĐQT DongA Bank cho hay, với phương án phát hành cổ phiếu tăng vốn thông qua ĐHCĐ hồi đầu năm từ 3.400 tỷ đồng lên 4.500 tỷ đồng thì Ngân hàng muốn bán cho cổ đông chiến lược nước ngoài. Tuy nhiên, trước bối cảnh khủng hoảng toàn cầu chưa chấm dứt, DongA Bank cho rằng, việc bán cổ phần cho đối tác nước ngoài sẽ không mang lại quyền lợi như mong muốn cho cổ đông. Trong khi đó, dự kiến trong năm 2010, DongA Bank sẽ niêm yết cổ phiếu trên HOSE.

Vì vậy, Ngân hàng đã quyết định dành 1.100 tỷ đồng trong đợt phát hành thêm cổ phiếu tăng vốn lên 4.500 tỷ đồng lần này cho cổ đông hiện hữu, với giá 10.000 đồng/CP. Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho biết, Ngân hàng sẽ chọn thời điểm thích hợp để niêm yết cổ phiếu vào đầu năm 2010.

MXBank cũng cho hay, đang khẩn trương xúc tiến các thủ tục niêm yết cổ phiếu trên sàn giao dịch chứng khoán tập trung trong thời gian sớm nhất, nhằm tạo thanh khoản và gia tăng giá trị cổ phiếu của MXBank.

Tương tự, LienViet Bank, Maritime Bank… cũng thông tin về việc sẽ sớm hoàn tất các thủ tục để trình NHNN xin niêm yết cổ phiếu trên TTCK tập trung vào đầu năm tới, sau khi được các cơ quan liên quan cấp phép. 

 

Sàn niêm yết: Sợ "bội thực" cung

Việc nhiều ngân hàng chuyển hướng thực hiện kế hoạch niêm yết trên TTCK tập trung sẽ làm tăng thêm sự lựa chọn của nhà đầu tư đối với nhóm cổ phiếu ngành tài chính - ngân hàng. Tính đến nay, cả 2 sàn HOSE và HNX đã có 6 mã cổ phiếu ngân hàng (STB, ACB, VCB, CTG, EIB, SHB) đang niêm yết. Giá các cổ phiếu này hiện cũng không biến động nhiều so với tháng trước và con "sóng" cổ phiếu ngân hàng được nhiều người kỳ vọng đến thời điểm này vẫn chưa diễn ra.

Kết thúc phiên giao dịch cuối tuần qua, trên HOSE, cổ phiếu CTG đạt gần 32.000 đồng/CP; VCB còn 49.800 đồng/CP; STB đạt 27.800 đồng/CP; EIB chỉ còn 26.500 đồng/CP, giảm 1.500 đồng/CP so với giá chào sàn ngày 27/10 (28.000 đồng/CP). Cổ phiếu ACB trên sàn HNX đạt hơn 41.000 đồng/CP và SHB là 27.300 đồng/CP.

Hoạt động của ngân hàng vẫn được đánh giá là ngành có mức lợi nhuận cao, kể cả trong bối cảnh thị trường phải đối mặt với những khó khăn trước dư âm của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Thực tế, so với các năm trước, chỉ tiêu lợi nhuận được ngân hàng đưa ra cho năm nay tuy có phần khiêm tốn hơn, nhưng chỉ sau 3 quý đầu năm, nhiều nhà băng đã công bố vượt chỉ tiêu lợi nhuận so với kế hoạch của cả năm. Chẳng hạn như Maritime Bank, với lợi nhuận trước thuế 10 tháng đạt 780 tỷ đồng, cao hơn 180 tỷ đồng so với chỉ tiêu đưa ra cho cả năm nay. Còn DongA Bank cho biết,  ngân hàng này đủ khả năng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận đưa ra cả năm là 750 tỷ đồng.  

Tuy nhiên, tình hình của các ngân hàng quy mô vừa và nhỏ không được khả quan như vậy. Trước bối cảnh thị trường còn những khó khăn nhất định như hiện nay, việc điều chỉnh kế hoạch lợi nhuận đối với các đơn vị này là điều khó tránh. Đơn cử như DaiA Bank, kế hoạch được thông qua trong ĐHCĐ đầu năm nay, dự kiến Ngân hàng sẽ thu về 170 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế cả năm 2009. Nhưng sau 9 tháng hoạt động, trong điều kiện có nhiều khó khăn từ chủ trương kiểm soát lạm phát, giảm lãi suất cơ bản và chủ trương kiểm soát chặt tăng trưởng tín dụng, đã ảnh hưởng đến tăng trưởng huy động vốn cũng như mở rộng quy mô tín dụng. Những yếu tố này dẫn đến thu nhập trong hoạt động của Ngân hàng giảm.

Chính vì vậy, 9 tháng đầu năm nay, DaiA Bank chỉ đạt 38,62 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, bằng 22,7% kế hoạch năm (kế hoạch ban đầu). Do đó, sau khi xin ý kiến cổ đông, Ngân hàng vừa có quyết nghị điều chỉnh chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế cả năm giảm còn 60 tỷ đồng, bằng 35,29% so với kế hoạch xây dựng đã được thông qua ĐHCĐ hồi đầu năm. 

Một chuyên gia chứng khoán cho rằng, ngân hàng vẫn được xem là ngành có tiềm năng phát triển khi kinh tế phục hồi, bởi đây chính là huyết mạch của nền kinh tế. Tiềm năng phát triển của ngành cũng còn rất lớn, vì hiện chỉ có 8% dân số cả nước sử dụng tài khoản ngân hàng và sản phẩm tài chính - bán lẻ mới bắt đầu được quan tâm. Còn theo đánh giá của đại diện Quỹ Vietnam Equity Holding (VEH) dưới sự quản lý của Công ty Quản lý quỹ Saigon Asset Management (SAM), tiềm năng của ngành tài chính - ngân hàng Việt Nam là rất cao, vì người dân còn thói quen sử dụng tiền mặt nhiều, số người có tài khoản ngân hàng và thẻ tín dụng lại rất ít.

Vị đại diện này cho rằng, khó tránh khỏi việc sáp nhập giữa các ngân hàng nhỏ, nhưng điều đó sẽ giúp cho hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động tốt và hiệu quả hơn, nếu có khung pháp lý.

Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa cổ phiếu ngân hàng sẽ tái tăng giá mạnh và lấy lại vị thế như cách đây 2 năm. Đặc biệt là khi thị trường có thêm nhiều hàng hóa để lựa chọn, nên cổ phiếu ngân hàng có quy mô, kết quả kinh doanh tốt và có tiềm năng phát triển mới có thể thu hút nhà đầu tư. Đồng thời, với số lượng cổ phiếu lớn đang chuẩn bị được các ngân hàng phát hành ra thị trường để "chạy nước rút" hoàn thành kế hoạch tăng vốn điều lệ đáp ứng lộ trình quy định tại Nghị định 141/2006/NĐ-CP của Chính phủ sẽ khiến nguồn cung cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh.

Trong khi đó, với đa số nhà đầu tư lúc này, cổ phiếu ngân hàng vẫn chưa phải là loại hàng hóa được ưu tiên lựa chọn trong danh mục đầu tư. Do đó, để cổ phiếu ngân hàng lấy lại vị thế "cổ phiếu vua" có lẽ không phải là chuyện ngày một, ngày hai.