Đợt phát hành thành công 21,5% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng tiềm lực tài chính cho HDBank

Đợt phát hành thành công 21,5% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài đã gia tăng tiềm lực tài chính cho HDBank

Ngân hàng không đặt nặng việc tìm nhà đầu tư chiến lược

Việc hút vốn ngoại vẫn là mục tiêu của nhiều ngân hàng, song diễn biến có phần khác trước khi nhiều ngân hàng không còn đặt nặng vấn đề tìm nhà đầu tư chiến lược.

Cổ phiếu ngân hàng hút vốn ngoại

Sức nóng của cổ phiếu ngân hàng cùng làn sóng lên sàn của các nhà băng đã thu hút lượng lớn vốn ngoại tham gia lĩnh vực này. Cụ thể, HDBank (mã HDB) đã bán 21,5% vốn cho 76 nhà đầu tưnước ngoài, thay vì lựa chọn một vài đối tác ngoại như công bố trước đó. Các quỹ đầu tư và ngân hàng nước ngoài tham gia mua cổ phần của HDBank gồm các định chế tài chính lớn đang đầu tư vào thị trường chứng khoán Việt Nam. Họ đã chi 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng) trong đợt chào bán riêng lẻ 14,26 triệu cổ phiếu này, mỗi nhà đầu tư được sở hữu không quá 3%.

Theo ông Lê Thành Trung, Phó tổng giám đốc HDBank, việc các định chế tài chính uy tín mua cổ phiếu HDB cho thấy sự quan tâm của giới đầu tư tài chính tới HDBank. Đợt phát hành thành công 21,5% vốn cho các nhà đầu tư nước ngoài trước thềm niêm yết đã gia tăng tiềm lực tài chính cho HDBank. Đây sẽ là tiền đề quan trọng để HDBank đạt được bước tăng trưởng đột phá trong những năm tới.

Trong khi đó, Techcombank (mã TCB) bán cổ phần cho 2 nhà đầu tư gồm Vesta VN Investments B.V. và COG Investments B.V, đều đến từ Amsterdam (Hà Lan).

Trước đó, Warburg Pincus đầu tư 370 triệu USD để mua cổ phần Techcombank thông qua 2 đơn vị thành viên. Đây là công ty quản lý quỹ đầu tư vào vốn cổ phần tư nhân (private equity) đầu tư vào Việt Nam từ năm 2013 với thương vụ rót vốn vào Vincom Retail của Vingroup. Nhiều khả năng hai nhà đầu tư mua cổ phần của Techcombank chính là đơn vị thành viên thuộc Warburg Pincus. 

Với giá bán chốt ở mức 128.000 đồng/cổ phiếu, đợt chào bán đã giúp Techcombank huy động được khoảng 21.000 tỷ đồng (xấp xỉ 922 triệu USD), tương đương mức vốn hóa thị trường đạt 6,5 tỷ USD. Chủ tịch HĐQT Techcombank, ông Hồ Hùng Anh cho biết, các nhà đầu tư đã bị thuyết phục bởi mô hình kinh doanh hiệu quả của Ngân hàng, nhưng điều quan trọng là họ rất lạc quan về triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ của tầng lớp trung lưu của Việt Nam. Thêm vào đó, tỷ lệ tiếp cận tài chính ở Việt Nam còn thấp, khiến ngân hàng trở thành một hướng đầu tư hấp dẫn.

Không còn là khoản vốn chiến lược

Kế hoạch hút vốn ngoại của ngân hàng Việt đang dần được đẩy mạnh, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và tăng vốn, nhất là trước áp lực tăng vốn theo chuẩn Basel II đang cận kề. Thế nhưng, diễn biến có phần khác trước khi các ngân hàng không còn đặt nặng vấn đề tìm nhà đầu tư chiến lược. 

Trong khi đó, các nhà đầu tư ngoại đầu tư vào ngành ngân hàng Việt Nam gần đây chủ yếu là các quỹ đầu tư. Các quỹ này không tham gia điều hành, mà đơn giản là đầu tư để tìm kiếm lợi nhuận, nhất là khi cổ phiếu ngân hàng có triển vọng tốt. 

Mới đây, nhóm Alp Asia Finance Limited trở thành cổ đông lớn, sở hữu gần 10% vốn của ACB. Theo đó, quỹ ngoại Whistler Investments Limited cùng với Quỹ Sather Gate Investments Limited (thuộc sở hữu hoàn toàn của Alp Asia Finance Vietnam Limited) đang nắm giữ tổng cộng 102,2 triệu cổ phần ACB, tương ứng tỷ lệ 9,95% vốn cổ phần tại Ngân hàng. Mỗi quỹ ngoại này nắm giữ hơn 51,1 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ 4,97% vốn cổ phần. Ngày trở thành cổ đông lớn của nhóm cổ đông này là 7/5/2018. 

Số cổ phiếu mà 2 quỹ trên nắm giữ là nhận từ đợt chuyển nhượng 164 triệu cổ phần ACB của Standard Chartered APR Limited và Standard Chartered Bank (Hồng Kông) Limited từ hồi tháng 1/2018. Cùng với 2 quỹ của Alp Finance Limited, còn có 3 quỹ nữa nhận chuyển nhượng từ Standard Chartered là Estes Investments Limited (nhận 38,5 triệu cổ phiếu ACB), Boardwalk South Limited (nhận 154.100 cổ phiếu ACB) và Estes Investmnets Limited (nhận 12,7 triệu cổ phiếu ACB). 

Trước đó, hồi tháng 3/2018, Dragon Capital Markets Limted đã thực hiện thoái toàn bộ gần 7 triệu cổ phiếu ACB, tương ứng tỷ lệ vốn 0,71%. Cùng lúc, Dragon Financial Holdings Limited mua vào số cổ phần tương tự, qua đó nâng lượng nắm giữ lên gần 70 triệu cổ phần, tương ứng lệ 7,1% vốn của ngân hàng. Room ngoại tại ACB hiện đã đạt mức tối đa 30%, khối ngoại chỉ có thể gia tăng sở hữu thông qua các giao dịch nội khối.

Đầu năm 2018, cổ đông ngoại BNP Paribas thoái toàn bộ 18,68% vốn khỏi OCB. Trong khi đó, Quỹ Vietnam Opportunity Fund (VOF) của VinaCapital vừa đầu tư khoảng 11 triệu USD vào OCB, qua đó sở hữu gần 5% cổ phần tại ngân hàng này. Ngoài ra, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB còn cho biết, Ngân hàng đang đàm phán với nhà đầu tư chiến lược nước ngoài để thu hút vốn ngoại trước khi đưa cổ phiếu niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào quý IV/2018.

Tin bài liên quan