ACB dự kiến vượt chỉ tiêu lãi trước thuế 1.314 tỷ đồng trong năm 2015

ACB dự kiến vượt chỉ tiêu lãi trước thuế 1.314 tỷ đồng trong năm 2015

Ngân hàng khó kỳ vọng lãi “khủng” như trước

(ĐTCK) Mặc dù chưa chính thức công bố kết quả kinh doanh 2015, song đến thời điểm này, có khá nhiều ngân hàng đã hoàn thành kế hoạch đề ra. 

Bởi vậy, với dự báo tình hình tín dụng sẽ tiếp tục cải thiện trong năm tới, khi bất động sản ấm dần lên và quá trình xử lý nợ xấu được cải thiện, các ngân hàng đã lạc quan hơn với kế hoạch lợi nhuận 2016.

Tổng giám đốc VietBank, ông Nguyễn Thanh Nhung cho rằng, trong những tháng cuối năm 2015, hoạt động cho vay được cải thiện dần, không chỉ với doanh nghiệp (DN) mà tín dụng cá nhân (vay mua nhà, xe ô tô, tiêu dùng…) tăng đáng kể.

Đây là lý do vì sao các ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh vốn cho vay mua nhà dịp cuối năm. Theo ông Nhung, nếu tình hình thị trường bất động sản ấm dần lên trong năm tới, khả năng tín dụng mua nhà sẽ tiếp tục được cải thiện.

Trong 11 tháng đầu năm 2015, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống ngân hàng đạt 13,98%, tăng đáng kể so với mức 10% cùng kỳ năm 2014. Ông Nguyễn Đức Long, Phó vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, tăng trưởng tín dụng 2015 có thể đạt 18%. Còn theo dự báo của TS. Nguyễn Văn Thuận, Trưởng Khoa Tài chính ngân hàng Trường Đại học mở TP. HCM, khả năng tín dụng năm sau cao hơn mức đạt của năm nay.

Thực tế cho thấy, lợi nhuận của ngân hàng hiện nay chủ yếu đến từ tín dụng, chiếm hơn 80% ở ngân hàng lớn và trên dưới 90% đối với ngân hàng nhỏ. Trong nửa cuối năm 2015, lợi nhuận nhiều ngân hàng (sau trích lập dự phòng) đạt mức khả quan được cho là nhờ tín dụng cải thiện tích cực (đã được cập nhật trên ĐTCK số 149 ra ngày 14/12/2015). Vì vậy, dù phải trích lập dự phòng rủi ro cao trong 2 quý cuối năm 2015 khi các ngân hàng đẩy mạnh bán nợ xấu cho VAMC, song lợi nhuận vẫn khả quan.

Trả lời ĐTCK, một lãnh đạo cấp cao của ACB cho hay, hoạt động trong năm tới sẽ được cải thiện so với nay. Một phần, bất động sản ấm sẽ tác động tích cực đến tín dụng, đồng thời tạo điều kiện để phát mãi tài sản thu hồi nợ xấu. Từ đó, dự phòng sẽ được hoàn nhập vào lợi nhuận.

Theo đó, vị lãnh đạo ACB cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận dự kiến cho năm 2016 tăng hơn 20% so với kết quả đạt được của năm nay. 9 tháng đầu năm 2015, ACB đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế (sau trích lập dự phòng) và dự kiến vượt chỉ tiêu đề ra là hơn 1.314 tỷ đồng trong thời gian còn lại của năm.

11 tháng đầu năm, Eximbank đã trích lập dự phòng rủi ro lên đến 1.172 tỷ đồng, nên lợi nhuận trước thuế còn lại 552 tỷ đồng, hoàn thành 52% kế hoạch năm (1.000 tỷ đồng) và dự báo khó có thể đạt được chỉ tiêu trên.

Eximbank hiện đang nỗ lực tái cơ cấu, trong đó vấn đề chính vẫn là giải quyết nợ xấu và cải thiện chất lượng tài sản. Tỷ lệ nợ xấu giảm xuống 1,82% và cho vay khách hàng giảm 3% so với cuối năm 2014.

Theo đánh giá của CTCK Bản Việt (VCSC), các khía cạnh tích cực của Eximbank bao gồm: thay đổi chiến lược tín dụng bằng cách hạn chế các khoản vay nhiều rủi ro và chuyển sang sang các khách hàng ít rủi ro; mở rộng vào mảng ngân hàng bán lẻ; giảm phụ thuộc vào thị trường liên ngân hàng; vấn đề sở hữu chéo đã và đang được giải quyết tích cực.

Tuy nhiên, VCSC cũng cho rằng, nợ xấu và khoản thu nhập 831,83 tỷ đồng còn chưa giải quyết của Eximbank sẽ có ảnh hưởng đến lợi nhuận ngân hàng này trong một vài năm tới đây.

Triển vọng 3 năm tới, lợi nhuận trước thuế của Eximbank được CTCK HSC nhận định, sẽ có mức tăng trưởng gộp là 56,35% với giả thiết rằng, tín dụng sẽ có tốc độ tăng trưởng gộp là 16% và huy động khách hàng có mức tăng trưởng gộp là 16,49% trong cùng kỳ.

Nguyên Chủ tịch của một ngân hàng cũng cho hay, 2016 là cơ hội trở lại của ngành NH. Bởi theo vị này, chặng đường tái cơ cấu ngành cũng đang vào giai đoạn cuối và những ngân hàng yếu kém đã bộc lộ.

Thị trường không còn kiểu cạnh tranh thiếu lành mạnh như trước đây, hoạt động ngành tài chính minh bạch hơn trước sẽ là cơ hội cho những ngân hàng khỏe, kể cả với những ngân hàng đã được cải tổ mạnh sau một thời gian sáp nhập và hợp nhất. 

Đơn cử như SCB, 2 quý đầu năm nay, SCB đã hoàn thành 50% kế hoạch lợi nhuận đưa ra cho cả năm 2015 và dự kiến đạt chỉ tiêu cả năm là 131 tỷ đồng trước thuế (sau trích lập dự phòng). Tuy nhiên, do SCB đang trong quá trình tái cơ cấu, phải trích lập khoản dự phòng lớn sau khi bán nợ xấu cho VAMC nên không kỳ vọng lợi nhuận cao cho cả những năm tới.

Theo TS. Trần Du Lịch, Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính, tiền tệ Quốc gia, với mức chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra hiện nay, hoạt động tín dụng vẫn có lãi, nhưng không cao như trước đây.

TS. Lịch cho rằng, sức hấp thu vốn của nên kinh tế trong năm tới sẽ cải thiện khi hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp bớt dần khó khăn và bất động sản hồi phục. Tuy nhiên, ngân hàng khó kỳ vọng lãi “khủng” như trước, vì hoạt động tín dụng cải thiện nhưng phải cạnh tranh, lãi suất giảm.     

Tin bài liên quan