Ngân hàng gặp vướng mắc khi phát mại tài sản đảm bảo do trên đất có nhiều hộ gia đình cùng sinh sống và góp sức xây dựng

Ngân hàng gặp vướng mắc khi phát mại tài sản đảm bảo do trên đất có nhiều hộ gia đình cùng sinh sống và góp sức xây dựng

Ngân hàng gặp rắc rối với tài sản đảm bảo

(ĐTCK) Quyền sử dụng đất là tài sản đảm bảo rất phổ biến tại các ngân hàng. Thế nhưng, khi phát sinh nợ xấu, ngân hàng lại gặp nhiều rắc rối trong xử lý loại hình tài sản đảm bảo này.

Ngày 8/8 vừa qua, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã xét xử phúc thẩm một vụ tranh chấp liên quan đến tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất giữa CTCP Hoàng Cúc và một ngân hàng. Theo hồ sơ vụ việc, năm 2009, Chi nhánh Đông Đô của ngân hàng này đã ký kết hợp đồng tín dụng với Công ty Hoàng Cúc, khi đó người đại diện theo pháp luật của Công ty là bà Nguyễn Thị Cúc.

Lần thứ nhất, Ngân hàng cấp hạn mức tín dụng số tiền hơn 9,1 tỷ đồng, mục đích bổ sung vốn kinh doanh, thời hạn vay 12 tháng, lãi suất tùy theo giấy nhận nợ. Khi đó, tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất địa chỉ tại Khu đô thị Nam Thăng Long, quận Tây Hồ, trị giá 19,5 tỷ đồng. Đến tháng 3/2010, Công ty bổ sung thêm tài sản là chiếc ô tô hiệu Porsche trị giá hơn 2,3 tỷ đồng.

Trong phiên tòa phúc thẩm, Hội đồng xét xử cho rằng, việc tính lãi phạt của Ngân hàng thực chất là lãi chồng lãi, vi phạm Điều 91, Luật Các tổ chức tín dụng và các thông tư của Ngân hàng Nhà nước về điều chỉnh hạn mức cho vay.

Ngày 26/7/2010, hai bên tiếp tục ký thỏa thuận sửa đổi hợp đồng tín dụng, bổ sung thêm tài sản đảm bảo là chiếc ô tô hiệu Huyndai – Santafe trị giá 800 triệu đồng và quyền sử dụng đất thuộc sở hữu gia đình ông Nguyễn Thế Nhân (ở xóm Hòa Bình, thôn Na Nội, xã Dương Nội, quận Hà Đông) trị giá 6,7 tỷ đồng.

Lần tái cấp vốn thứ ba, Ngân hàng định giá lại tài sản đảm bảo là quyền sử dụng đất của hộ gia đình ông Nguyễn Thế Nhân là hơn 9,8 tỷ đồng. Năm 2011, các bên ký tiếp hợp đồng sửa đổi bổ sung; thay đổi hạn mức sử dụng ngay là 9,7 tỷ đồng; tài sản đảm bảo là bất động sản của ông Nguyễn Thế Nhân. Thời điểm này, Ngân hàng định giá lại tài sản này tăng thêm hơn 13 tỷ đồng. Ba tài sản còn lại đã được giải chấp trước khi xảy ra tranh chấp tại tòa.

Đến năm 2012, Công ty Hoàng Cúc không có khả năng thanh toán nợ gốc và lãi. Năm 2015, Ngân hàng đệ đơn ra Tòa án Nhân dân quận Hà Đông đề nghị buộc bị đơn phải thanh toán nợ gốc là hơn 9,1 tỷ đồng; lãi trong hạn là 419 triệu đồng; lãi quá hạn là 7 tỷ đồng; lãi phạt hơn 3,5 tỷ đồng. Cộng khoản nợ lên tới hơn 20,1 tỷ đồng. Cấp sơ thẩm đã chấp thuận đơn khởi kiện của Ngân hàng. Bị đơn tiếp tục phải chịu lãi sau thời điểm này. Nếu không thanh toán, Ngân hàng có quyền đề nghị phát mại tài sản thu hồi nợ.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bị đơn và những người có quyền lợi liên quan kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Ngân hàng gặp vướng mắc phát mại tài sản đảm bảo do trên đất có nhiều hộ gia đình cùng sinh sống và góp sức xây dựng. Trên thửa đất thể hiện có 2 ngôi nhà do cha mẹ ông Nguyễn Thế Nhân xây dựng năm 1982 và nhà vợ chồng anh Nguyễn Thế Quyết (con ông Nhân) xây dựng năm 2003 do UBND phường Dương Nội xác nhận.

Những người liên quan cho rằng, họ bị mất quyền lợi do không biết, không được tham gia ký kết hợp đồng thế chấp. Mặt khác, năm 2011, sau khi ký hợp đồng thế chấp, vợ ông Nhân qua đời nên cần xem xét việc chia thừa kế. Theo những người có quyền lợi liên quan, cần tuyên hợp đồng thế chấp vô hiệu. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phiên tòa phúc thẩm cho rằng, cần xác định hàng thừa kế thứ nhất.

Ngoài ra, năm 2015, Tòa án Nhân dân quận Hà Đông cũng ra thông báo về việc bà Nguyễn Thị Cúc, đại diện theo pháp luật của Công ty bị mất năng lực hành vi dân sự. Năm 2015, Viện Giám định pháp y kết luận bà Cúc khởi bệnh từ 5 - 6 năm về trước, không có mốc cụ thể và liệu có giấy tờ chứng minh bà Cúc đã đi khám tại thời điểm 2009 hay không. Về mặt pháp lý, một người mất năng lực hành vi kể từ thời điểm Tòa tuyên là năm 2015. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử Tòa phúc thẩm nhận định đây không phải là căn cứ tuyên hợp đồng tín dụng giữa Ngân hàng  với Công ty Hoàng Cúc vô hiệu.

Quá trình xem xét tại tòa cũng cho thấy, việc hoán đổi các tài sản đảm bảo không có văn bản thỏa thuận rút tài sản, chỉ thể hiện việc tăng, giảm giá trị tài sản. Theo quan điểm của Viện Kiểm sát Nhân dân TP. Hà Nội, cấp sơ thẩm chưa làm rõ việc thế chấp, bảo lãnh, xử lý các tài sản đã giải chấp, không đưa chủ sở hữu các tài sản trên tham gia tố tụng là thiếu sót. Sau khi nghị án, Tòa án Nhân dân TP. Hà Nội đã tuyên hủy bản án sơ thẩm để xét xử lại từ đầu.                       

Tin bài liên quan