Ngân hàng "đứng" cho vay, "cúi người" đòi nợ

Ngân hàng "đứng" cho vay, "cúi người" đòi nợ

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Chủ tịch HĐTV Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) cho biết, hiện có hơn 50 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu của Việt Nam, song VAMC chưa dám trả lời.

Tiền không thiếu, nhưng không có quyền

Than phiền với phóng viên Báo Đầu tư, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho hay, ngân hàng này đang vô cùng bức xúc với một doanh nghiệp khách hàng. Mặc dù nợ quá hạn hơn 200 tỷ đồng và ngân hàng đòi nợ nhiều lần, song doanh nghiệp này không chịu trả, trong khi liên tục đổi đời ô tô. Ngân hàng có cầm tài sản thế chấp của doanh nghiệp, song không làm gì được.

Chia sẻ tình trạng này, ông Nguyễn Quốc Hùng cũng nêu ví dụ về một khách hàng ở TP.HCM vay gần 1.000 tỷ đồng, thế chấp bằng nhà, nhưng nhất định không trả nợ cho ngân hàng, dù mỗi năm thu về mấy trăm tỷ đồng tiền thuê nhà. Tuy vậy, cả VAMC và ngân hàng đều không làm được gì đối với khách hàng này. Ông Hùng chán nản: “Nếu kiện thì 50 năm sau có khi vẫn chưa đòi được nợ”.

Chia sẻ về tình trạng trên, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia ngân hàng nhận xét rằng, ngân hàng đang biến thành “tù binh” của con nợ. Hàng loạt vướng mắc về thủ tục pháp lý khi xử lý tài sản đảm bảo đang khiến ngân hàng bó tay trước con nợ chây ỳ.

Chính vì vậy, từ khi thành lập đến nay, VAMC đã mua về khoảng 160.000 tỷ đồng nợ xấu, song mới thu nợ và phát mại tài sản được 8.600 tỷ đồng.

Trước đây, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, hai vướng mắc lớn nhất trong xử lý nợ xấu tại Việt Nam là thiếu tiền và thiếu thị trường mua bán nợ. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, khách hàng mua nợ không phải là không có, tiền cũng không lo thiếu, nhưng cái khó là vấn đề xử lý “quyền” với các khoản nợ.

“Có 50 - 60 nhà đầu tư nước ngoài quan tâm tới các khoản nợ xấu, nhưng khi hỏi quyền của họ thế nào, mua ra sao thì VAMC không trả lời được. Giờ VAMC mua rồi chẳng nhẽ để đấy, còn nếu bán thì phải có thị trường, có người mua”, ông Hùng nói.

Quá chậm trao quyền cho VAMC

Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, nếu không được trao toàn quyền sở hữu với khoản nợ, VAMC sẽ không thể xử lý được nợ. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần phải ban hành đạo luật riêng về xử lý nợ xấu, hoặc phải sửa đổi hàng loạt luật liên quan.

Tương tự, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, để VAMC xử lý được nợ, cần phải trao cho VAMC một số quyền, như quyền thu giữ tài sản đảm bảo, quyền như thi hành án, quyền đề nghị khởi tố nếu khách hàng không trả nợ, quyền đấu giá tài sản đảm bảo không cần người vay đồng ý. Tuy nhiên, điều này lại trái với hầu hết các luật dân sự hiện hành.

Hiện có gần 70% nợ xấu liên quan đến bất động sản và hầu hết được đảm bảo bằng bất động sản. Muốn xử lý được tài sản đảm bảo, ngân hàng trước hết phải giữ được tài sản đảm bảo, song việc này rất khó, bởi con nợ thường bất hợp tác. Ngân hàng nếu mạnh tay sẽ bị mang tai tiếng. Cũng chưa có quy định nào cho phép ngân hàng tự ý xử lý tài sản đảm bảo trong trường hợp con nợ bất hợp tác, không chịu chuyển nhượng tài sản gắn liền trên đất cho ngân hàng. Nhiều trường hợp, thậm chí tòa đã có phán quyết, nhưng thực thi rất chậm, khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian, tốn kém chi phí, mà vẫn không hiệu quả.

Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico cho rằng, với các quy định hiện hành, ngày càng nhiều doanh nghiệp chây ỳ bởi càng chây ỳ càng có lợi. “Pháp luật phải bảo vệ người yếu thế và người bị hại, nhưng ở nước ta đang có thực tế bất cập là, người vay không trả được nợ thì họ không sao cả, thậm chí càng chây ỳ càng có lợi. Ngân hàng đến thu giữ tài sản đảm bảo theo quy định thì họ bị con nợ cản trở, chống đối và đôi khi lại được dư luận bênh vực”.

Theo TS. Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hà Nội, để xử lý được tài sản đảm bảo, cần có những sửa đổi, bổ sung, hướng dẫn đồng bộ các quy định trong Luật Đất đai, Bộ luật Dân sự, các quyết định, nghị định về bảo đảm tiền vay theo hướng cho phép tổ chức tín dụng được quyền chủ động cưỡng chế, thu giữ, phát mại tài sản đảm bảo của các khoản nợ xấu để thu nợ mà không phụ thuộc vào sự chấp thuận hoặc ủy quyền của chủ tài sản.

Nhiều chuyên gia cho rằng, đã đến lúc, Quốc hội cần nhanh chóng có kế hoạch ban hành một bộ luật để xử lý nợ xấu hoặc ít nhất là một nghị quyết về tháo gỡ những vướng mắc pháp lý trong xử lý nợ xấu. Nếu không, cuối năm nay, sau khi VAMC đã hoàn tất công tác “thu gom”, khối nợ xấu sẽ vẫn tiếp tục nằm trong kho và sẽ được đẩy từ nhiệm kỳ này sang nhiệm kỳ khác.

Tin bài liên quan