Mới đây, một ngân hàng TMCP có vốn nhà nước đã trở thành tâm điểm của mạng xã hội, bị nhiều khách hàng chỉ trích bởi thông tin một khách hàng “bỗng dưng” bốc hơi gần 800 triệu đồng trong sổ tiết kiệm.
Cụ thể, một khách hàng cao tuổi ở Phú Thọ cho biết, do đã già yếu nên gọi nhân viên ngân hàng V. thuộc Chi nhánh Đền Hùng, Phú Thọ (có mối quan hệ thân quen với gia đình) để nhận tiền và làm sổ tiết kiệm tại nhà, với tổng số tiền gửi 800 triệu đồng. Tuy nhiên, mấy tháng sau, khi đi rút tiền, khách hàng này tá hỏa khi biết tài khoản đã “bốc hơi” 790 triệu đồng.
Hiện tại, vụ việc đang được công an điều tra, song theo thông tin ban đầu, đây là trường hợp nhân viên trên đã lợi dụng kẽ hở để chiếm đoạt số tiền này. Đương nhiên, lỗi phần lớn là do ngân hàng làm sai quy trình, để nhân viên lợi dụng, song với trường hợp trên, lỗi một phần thuộc về khách hàng vì đã dễ dãi khi giao dịch, giao tiền cho nhân viên ngân hàng ngoài phòng giao dịch.
Tương tự trường hợp trên, một khách gửi tiền mới đây cũng “dọa” một ngân hàng khác tại Hà Nội là sẽ đưa vụ việc lên truyền thông, mạng xã hội vì không chịu đền bù 300 triệu đồng. Được biết, vị khách hàng trên đã gửi vào ngân hàng này một số tiền khá lớn, trị giá nhiều tỷ đồng thông qua giám đốc một phòng giao dịch, song đã bị nữ giám đốc này rút sạch.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần siết lại quy trình giao dịch của các ngân hàng, để đảm bảo tiện lợi, song hạn chế rủi ro
Hiện vụ việc đã được chuyển sang cơ quan công an để điều tra, ngân hàng cũng đã đền bù cho vị khách hàng trên hầu hết số tiền bị chiếm đoạt. Tuy nhiên, riêng với số tiền 300 triệu đồng với lãi suất cao, trong giấy gửi tiền lại ghi rõ, đây là giao kết giữa khách hàng và cá nhân nữ giám đốc phòng giao dịch, nên ngân hàng không chấp nhận đền bù (dù có đóng dấu ngân hàng).
Vụ việc tương tự đã xảy ra với N. đầu năm nay, một khách hàng đã bị “bốc hơi” 9 tỷ đồng. Do tin tưởng “người quen” là một trưởng phòng giao dịch, nên khách hàng này đã đồng ý chuyển từ gửi tiết kiệm sang sang hình thức bảo lãnh ngân hàng với lãi suất 13%/năm – một sản phẩm mà ngân hàng không hề có…
Trên đây chỉ là 3 trường hợp ngân hàng bị “vạ lây” do cán bộ lợi dụng chức vụ để chiếm đoạt tiền gửi khách hàng diễn ra từ đầu năm đến nay. Trước đó, hàng loạt ngân hàng khác cũng rơi vào tai tiếng do nhân viên ngân hàng lợi dụng, chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của khách hàng. Rõ ràng, rủi ro đạo đức cán bộ là vấn đề nóng mà tất cả các ngân hàng phải đối mặt.
Tuy nhiên, trong câu chuyện này, phần lớn trường hợp bị chiếm đoạt tiền là do khách hàng quá dễ dãi, tin tưởng vào người quen, làm việc trực tiếp với trưởng phòng hoặc giám đốc phòng giao dịch, mà không thông qua quy trình bình thường (qua giao dịch viên rồi mới đến lãnh đạo phòng giao dịch), dẫn tới dễ bị lừa.
Chính vì vậy, TS. Nguyễn Trí Hiếu khuyến cáo, khách hàng phải cảnh giác khi khi được nhân viên ngân hàng trao đổi riêng, chào mời lãi suất cao, giao dịch tại nhà hoặc giao dịch tại phòng riêng.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần siết lại quy trình giao dịch của các ngân hàng, đặc biệt là quy trình giao dịch với khách VIP, để đảm bảo tiện lợi, song hạn chế được rủi ro. Ngoài ra, ngân hàng thương mại cũng phải tăng cường luân chuyển cán bộ, kiểm soát nội bộ chặt chẽ hơn.