Ảnh Internet

Ảnh Internet

Ngân hàng Chính sách xã hội không gây khó khăn cho người vay vốn

(ĐTCK) Ngân hàng Chính sách xã hội vừa có Văn bản số 2526 giải thích về quy định được cho là gây khó khăn cho đối tượng được vay vốn là người thu nhập thấp. 

Cụ thể, đối với vay vốn để mua, thuê mua nhà ở xã hội, xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà để ở, người vay vốn phải thực hiện gửi tiền tiết kiệm hàng tháng với thời gian gửi tối thiểu 12 tháng kể từ ngày ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng. Mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn…

Cơ sở để Ngân hàng đưa ra quy định trên là Khoản 2, Điều 74, Luật Nhà ở 2014: “Ngân hàng Chính sách xã hội được thực hiện huy động tiền gửi tiết kiệm của hộ gia đình, cá nhân trong nước có nhu cầu mua, thuê mua nhà ở xã hội để cho các đối tượng này vay với lãi suất ưu đãi và thời hạn vay dài hạn sau một thời gian gửi tiết kiệm nhất định” và Nghị định 100/2015/NĐ-CP hướng dẫn tại Khoản 5, Điều 13: “Khách hàng là hộ gia đình, cá nhân khi vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội phải thực hiện việc gửi tiết kiệm tại Ngân hàng hàng tháng, với thời gian tối thiểu 12 tháng và mức gửi theo quy định của bên cho vay”.

Trên cơ sở thực tế điều kiện tài chính của người vay và chia sẻ khó khăn với người vay, Ngân hàng quy định, mức gửi hàng tháng tối thiểu bằng mức trả nợ hàng tháng của người vay vốn, chứ chưa phải thực hiện gửi tiết kiệm sau một thời gian nhất định mới được vay như Luật Nhà ở cho phép.

Ngân hàng cũng quy định, người vay vốn chưa phải trả nợ gốc trong thời gian ân hạn 12 tháng kể từ ngày nhận khoản vay đầu tiên. Mặt khác, số tiền 12 tháng gửi tiết kiệm đó với lãi suất Ngân hàng đang đề nghị bằng lãi suất vay vốn sau này hết thời gian ân hạn thì sẽ chuyển sang “trích thu nợ gốc, thu lãi theo thỏa thuận đã ghi trong hợp đồng vay vốn giữa người vay vốn và Ngân hàng. Những quy định này không tạo khó khăn cho người vay vốn.

Tin bài liên quan