Dân số trẻ, quá trình đô thị hóa gia tăng là “mảnh đất màu mỡ” của dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Dân số trẻ, quá trình đô thị hóa gia tăng là “mảnh đất màu mỡ” của dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Ngân hàng bán lẻ, cuộc chơi sôi động

(ĐTCK) Thời gian gần đây, ngân hàng bán lẻ nổi lên như một mảng nghiệp vụ được hầu hết các ngân hàng thương mại quan tâm và nỗ lực phát triển. 

Không chỉ các tổ chức tín dụng trong nước, vốn có thế mạnh về mạng lưới rộng khắp và sự gần gũi với khách hàng cá nhân nội địa, mà ngay cả các ngân hàng nước ngoài cũng bắt đầu tập trung đầu tư mở rộng cho nghiệp vụ này, bất chấp việc họ không có lợi thế về mạng lưới.

Ngân hàng nội, ngoại đều vào cuộc

Thị trường bán lẻ là một cách nhìn hoàn toàn mới về thị trường tài chính, qua đó, các khách hàng cá nhân được tiếp cận với các sản phẩm/dịch vụ tài chính ngân hàng, tạo ra một thị trường tiềm năng đa dạng và năng động. Tại Việt Nam, việc phát triển ngân hàng bán lẻ cũng là để hiện thực hóa việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch thương mại. Với dân số hơn 90 triệu người và số lượng doanh nghiệp vừa và nhỏ chiếm tới 90% tổng số doanh nghiệp, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiềm năng cho việc phát triển ngân hàng bán lẻ.

Cạnh tranh phát triển ngân hàng bán lẻ không chỉ giữa các ngân hàng nội với nhau, mà còn cả với các ngân hàng nước ngoài. Mặc dù ngân hàng nước ngoài có thế mạnh về kinh nghiệm hoạt động, danh mục sản phẩm dịch vụ và thương hiệu quốc tế, nhưng các ngân hàng nội cũng có những lợi thế riêng. Mạng lưới khách hàng lớn, chi nhánh ngân hàng rộng khắp cùng với việc am hiểu văn hóa, hành vi của người dân sẽ giúp các ngân hàng thương mại Việt Nam có những lợi thế đáng kể trên sân chơi này.

Việc xuất hiện các đối thủ nước ngoài cũng là áp lực cần thiết để các ngân hàng nội tích cực đổi mới, đa dạng hoá sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, học hỏi kinh nghiệm quản lý, công nghệ, cũng như các gói sản phẩm của nước ngoài để cạnh tranh.

Nhìn chung, cơ hội phát triển cho mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam còn khá nhiều.

Theo thống kê, các khách hàng Việt Nam hầu hết chỉ mới dừng ở mức độ sử dụng các dịch vụ tài chính đơn giản như mở tài khoản, ATM hay các dịch vụ thanh toán cơ bản. Do đó, việc khai thác tiếp những đối tượng khách hàng này, mở rộng các nhu cầu giúp họ có được những tiện ích đa dạng hơn là cơ hội rất lớn cho các ngân hàng cùng tham gia vào việc củng cố phát triển thị trường bán lẻ ở Việt Nam.

Ngoài ra, dân số trẻ, quá trình đô thị hóa gia tăng, cùng với một thực tế là mới chỉ có khoảng 20% dân số có sử dụng dịch vụ ngân hàng cũng là những chỉ số tích cực thể hiện cơ hội tăng trưởng của dịch vụ ngân hàng bán lẻ.

Bà Đoàn Quế Thanh, Phó giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, SCB 

… nhưng chưa dễ đẩy mạnh

Tiềm năng, cơ hội của thị trường bán lẻ rất lớn, nhưng để tham gia vào phân khúc thị trường này, các ngân hàng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Một ngân hàng thương mại muốn phát triển mảng này cần đầu tư lớn cho công nghệ và hạ tầng, chất lượng bán hàng và dịch vụ khách hàng. Các mảng bán lẻ chủ yếu của ngân hàng thương mại Việt Nam hiện nay tập trung vào các sản phẩm mobile banking, thẻ, cho vay tiêu dùng…, nhưng thông tin về khách hàng cá nhân khi vay còn khá sơ sài, không đầy đủ và cập nhật như nhóm khách hàng doanh nghiệp.

Ý thức về tuân thủ các nghĩa vụ liên quan trong các giao dịch với ngân hàng của nhóm khách hàng cá nhân cũng chưa cao như trong các trường hợp chậm thanh toán nợ vay, thiếu hợp tác, thậm chí trốn nợ…

Cơ hội phát triển cho mảng ngân hàng bán lẻ tại Việt Nam còn khá nhiều.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại cũng chịu áp lực từ xu hướng thắt lưng buộc bụng của người tiêu dùng trong giai đoạn kinh tế còn khó khăn. Đây là đặc trưng của khách hàng bán lẻ trong ngành ngân hàng ở các thị trường mới nổi, khiến các tổ chức tín dụng luôn ở trong tình thế phải cân nhắc, suy tính thiệt hơn khi đầu tư sâu vào lĩnh vực này, nhất là khi ngành ngân hàng Việt Nam vẫn đang trong thời gian tái cấu trúc toàn diện các mặt hoạt động kinh doanh cũng như tổ chức và sở hữu vốn.

Khi tất cả các thành viên của thị trường tài chính ngân hàng đều công bố mục tiêu đẩy mạnh mảng bán lẻ, đương nhiên tính cạnh tranh trong phân khúc thị trường mới này là rất lớn. Tham gia mảng kinh doanh bán lẻ, ngân hàng sẽ phải tính đến các yếu tố: thương hiệu, hiệu quả tài chính, tính rõ ràng trong chiến lược, năng lực bán hàng và chăm sóc khách hàng, năng lực quản lý rủi ro, khả năng tạo sản phẩm và thâm nhập thị trường, công nghệ đi kèm…

Có hai vấn đề mà các ngân hàng cần quan tâm là xây dựng kênh phân phối, tận dụng cả kênh truyền thống lẫn hệ thống công nghệ ngân hàng điện tử và xác định khách hàng, nhu cầu của khách hàng, tăng cường nghiên cứu và xây dựng sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu đa dạng, thường xuyên thay đổi theo thời gian, khu vực địa lý, độ tuổi, nghề nghiệp của khách hàng cá nhân.

Ngân hàng bán lẻ, cuộc chơi sôi động ảnh 2

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ngoài việc ban hành/hoàn thiện các văn bản pháp quy cho phù hợp với tốc độ phát triển nhanh chóng của thị trường này, cũng cần có sự nghiên cứu sâu sát thị trường để đưa ra những cơ chế hỗ trợ thích hợp. Chẳng hạn, hiện tại, các ngân hàng thương mại đã tốn khá nhiều chi phí đầu tư cho các máy ATM trên toàn quốc, đầu tư cho phát hành thẻ ghi nợ và thẻ tín dụng.

Nên chăng, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu và xây dựng một công ty/tổ chức có chức năng mua lại các máy ATM và cho tổ chức tín dụng thuê lại, đồng thời hình thành một cơ chế tiếp quỹ giữa các tổ chức tín dụng theo nguyên tắc bù trừ như trong thanh toán điện tử, để vừa tiết kiệm chi phí bảo trì và tồn quỹ tiền mặt, vừa tạo điều kiện thuận tiện cho các khách hàng cá nhân.

Ngoài ra, Chính phủ cần sớm thể chế hóa chế độ an sinh xã hội, giúp quản lý thông tin của người dân - khách hàng của ngân hàng bán lẻ - một cách cập nhật và toàn diện hơn hiện nay. Những thông tin an sinh xã hội nếu được quản lý tốt sẽ là những dữ liệu thông tin quý báu cho các ngân hàng trong mảng bán lẻ.

Nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ chỉ phát triển hiệu quả nếu việc thanh toán không dùng tiền mặt được thực hiện trên toàn bộ nền kinh tế. Do thói quen của người dân Việt Nam, hiện nay việc thanh toán trong rất nhiều giao dịch kinh tế vẫn thực hiện bằng tiền mặt.

Vì vậy, rất cần có một chiến lược quốc gia, được triển khai đồng bộ và rộng khắp, về thanh toán không dùng tiền mặt, trong đó bao gồm những quy định pháp lý liên quan, cùng việc triển khai những cơ sở hạ tầng cần thiết cho phương thức thanh toán này. Việc thanh toán không dùng tiền mặt cùng với quản lý thông tin khách hàng chặt chẽ sẽ tạo nền tảng cho nghiệp vụ ngân hàng bán lẻ phát triển lên một tầm cao mới.

Có thể nói, kinh doanh dịch vụ ngân hàng bán lẻ phụ thuộc rất lớn vào ý thức và nền tảng về thói quen không dùng tiền mặt của người dân và ngược lại, sự phát triển ngân hàng bán lẻ cũng sẽ giúp thay đổi thói quen dùng tiền mặt trong các giao dịch thanh toán của người dân, góp phần vào việc hình thành một xã hội không dùng tiền mặt.

Phát triển ngân hàng bán lẻ là hướng đi hoàn toàn phù hợp với các ngân hàng thương mại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, khi tình hình cạnh tranh về dịch vụ tài chính trên thị trường ngày càng mạnh mẽ, với sự tham gia của nhiều tổ chức tín dụng nước ngoài. Đây có thể được xem là một thị trường ngách, trước nay còn đang bỏ ngỏ ở một quốc gia đang phát triển, dân số đông và trẻ, tiêu dùng dân cư có tiềm năng tăng trưởng cao.

Để thị trường ngân hàng bán lẻ phát triển tốt, tiến tới việc thanh toán không dùng tiền mặt trong các giao dịch kinh tế, bản thân các tổ chức tín dụng Việt Nam cần phải liên tục cải tiến công nghệ, sản phẩm dịch vụ, đồng thời Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan quản lý cũng cần sửa đổi và ban hành các quy định, chính sách liên quan một cách kịp thời, nhanh chóng nhất.

Trên những cơ sở đó, thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam mới có thể kỳ vọng đạt được tốc độ tăng trưởng cao, an toàn và bền vững.

Bà Đoàn Quế Thanh, Phó giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ, SCB
Tin bài liên quan