202 phiên gặp gỡ, thảo luận giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra tại chương trình “Kết nối kinh doanh toàn cầu”

202 phiên gặp gỡ, thảo luận giữa doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản đã diễn ra tại chương trình “Kết nối kinh doanh toàn cầu”

Ngân hàng “bắc cầu”, doanh nghiệp Việt phải tự bước qua

(ĐTCK) Không chỉ đáp ứng đủ, kịp thời nguồn vốn với mức lãi suất hợp lý, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn, hệ thống ngân hàng còn chủ động kết nối doanh nghiệp Việt Nam với mạng lưới doanh nghiệp toàn cầu. Vấn đề còn lại là doanh nghiệp Việt sẽ tận dụng được cơ hội này đến mức nào?

Trong khuôn khổ chương trình “Kết nối kinh doanh toàn cầu” do VietinBank cùng Ngân hàng Tokyo-Mitsubishi UFJ (BTMU) phối hợp tổ chức, ngoài việc giới thiệu các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản và Việt Nam, 202 phiên gặp gỡ, thảo luận giữa doanh nghiệp hai nước đã diễn ra.

Ông Nguyễn Kháng Chiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển hạ tầng PPC An Thịnh Việt Nam chia sẻ, cuộc gặp gỡ lần này khiến ông bất ngờ khi thấy doanh nghiệp Nhật Bản từ trước tới nay vốn chỉ quan tâm tới lĩnh vực sản xuất, nhưng bây giờ đã để mắt tới việc đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, đặc biệt là xu hướng đầu tư vào những khu nghỉ dưỡng cao cấp, ven biển.

Trong khi đó, PPC An Thịnh Việt Nam có một dự án bất động sản với tổng vốn đầu tư 10 nghìn tỷ đồng đang triển khai tại Đà Nẵng để phục vụ APEC 2017 tổ chức tại đây. Do vậy, hai nhà đầu tư Nhật Bản đã gặp và đang đàm phán về việc tham gia dự án, thông qua các hình thức đầu tư một phần, đầu tư thiết bị và/hoặc cùng đầu tư.

“Các nhà đầu tư Nhật thường dè dặt, chỉn chu, tưởng chừng chậm chạp, nhưng một khi đã quyết định, họ đi đến cùng và ít khi gặp thất bại tại thị trường Việt Nam. Sự quan tâm của nhà đầu tư Nhật Bản vào lĩnh vực mới là một hiện tượng và rất có thể hình thành làn sóng đầu tư của doanh nghiệp Nhật vào thị trường bất động sản Việt Nam. Sau buổi gặp gỡ này, nhà đầu tư Nhật Bản đã chia sẻ mong muốn quay lại, sớm gặp gỡ để tiếp tục bàn bạc, kết hợp thực hiện dự án”, ông Chiến chia sẻ.

Trong một lĩnh vực khác, ông Ryo Mizuki, Trưởng phòng kế hoạch của Yamasan Food  Processing Industrial Co., LTD cho biết, hiện tại, công ty của ông chưa có kế hoạch cụ thể về việc xây dựng nhà máy tại Việt Nam, mà cố gắng đưa sản phẩm được sản xuất tại Nhật Bản sang bán.

“Việc doanh nghiệp Nhật Bản trực tiếp tìm được một bạn hàng/đối tác tại Việt Nam là vô cùng khó khăn. Thông qua hội nghị này, doanh nghiệp Nhật Bản có thể gặp gỡ nhiều khách hàng, đối tác và theo đó, xuất hiện nhiều cơ hội”, ông Ryo nói.

Thực tế, kể từ sau lần kết nối năm 2013 tại TP. HCM, đã có hàng trăm thương vụ mua bán hàng hoá thành công, bên cạnh hàng chục dự án đầu tư bắt đầu vận hành, chưa kể nhiều dự án đầu tư từ Nhật Bản đang trong quá trình hoàn tất thủ tục. Đáng chú ý, có rất nhiều dự án thành công dưới các hình thức liên doanh, liên kết, mua bán cổ phần lẫn nhau giữa các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam nhằm tăng cường năng lực tài chính và mở rộng thị trường, theo chia sẻ của ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank.

Ông Kobayashi, Phụ trách Khối Kinh doanh thông tin toàn hàng của BTMU nói: “Thành ngữ Việt Nam có câu: “Hổ mọc thêm cánh”, có nghĩa là những người đã có năng lực và tiềm lực lại có thêm sức mạnh. Tôi tin tưởng rằng sự kiện hôm nay mang đúng ý nghĩa của câu thành ngữ này”.

Thông qua các chương trình kết nối, doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội gặp gỡ, tìm hiểu về các doanh nghiệp đến từ Nhật Bản nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Tuy nhiên, việc tận dụng tốt cơ hội đối với các doanh nghiệp Việt Nam vẫn được xem là một thách thức lớn. Do vậy, dù đã được các ngân hàng hỗ trợ, liệu doanh nghiệp nội địa có thể tận dụng cơ hội, đem lại những lợi ích tương xứng hay không lại là chuyện khác. Bởi doanh nghiệp Việt Nam tồn tại nhiều yếu điểm, đặc biệt trong việc quản lý, thiếu sức cạnh tranh, chưa kể là đang ngập trong nợ nần.

Tin bài liên quan