Nếu nói chỉ cần 15 ngân hàng là võ đoán

Từ 56 ngân hàng thương mại thương mại (NHTM) năm 1997, sau quá trình tái cơ cấu, số lượng ngân hàng hiện chỉ còn khoảng 30. “Việt Nam cần bao nhiêu ngân hàng?” là câu hỏi được phóng viên Báo Đầu tư đặt ra với chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.

Số lượng NHTM hiện chỉ còn khoảng một nửa so với năm 1997, với khoảng 30 nhà băng. Theo ông, số lượng này đã đủ chưa?

Số lượng ngân hàng hiện nay đủ, thừa hay thiếu là câu hỏi quá khó để trả lời vì không thể lấy số lượng ngân hàng của các nền kinh tế trên thế giới để so sánh. Đơn cử, hiện tại Hàn Quốc chỉ có khoảng 20 ngân hàng; Thái Lan chưa đến 20. Trong khi đó, Đài Loan có gần 100 ngân hàng, Indonesia có trên 120 ngân hàng…, còn Mỹ có tới hơn 6.000 ngân hàng.

Không thể lấy quy mô nền kinh tế, quy mô dân số hay bất cứ tiêu chí gì để nói số lượng ngân hàng bao nhiêu là vừa đủ, vì số lượng ngân hàng bao nhiêu phụ thuộc rất lớn vào mức độ sử dụng dịch vụ ngân hàng, quy mô của NHTM, số lượng định chế tài chính, đặc biệt là tổ chức tín dụng vi mô.

Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, với quy mô nền kinh tế như hiện nay, Việt Nam chỉ cần khoảng 15 NHTM. Quan điểm của ông thế nào?

Nếu nói chỉ cần 15 NHTM, tôi cho rằng, chỉ là võ đoán, định tính, không có cơ sở khoa học. Vì như tôi nói, số lượng ngân hàng bao nhiêu phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó số lượng định chế tài chính trung gian phi ngân hàng, sự phát triển của thị trường chứng khoán, đặc biệt là tổ chức tài chính vi mô.

Ở các nước trên thế giới, vốn trung và dài hạn do thị trường chứng khoán cung ứng; vốn cho hộ gia đình, cá nhân do tổ chức tín dụng vi mô đáp ứng; tuyệt đại đa số doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình, cá nhân vay vốn để kinh doanh không tìm đến ngân hàng vì đã có định chế tài trung gian cung cấp, vì thế họ không cần nhiều ngân hàng.

Còn ở Việt Nam, cả vốn trung và dài hạn, vốn cho vay tiêu dùng, vốn cho doanh nghiệp cỡ tập đoàn, tổng công ty đến “kinh doanh cò con” tuyệt đại đa số đều dồn cả vào kênh tín dụng ngân hàng. Sau 15 năm đi vào vận hành, thị trường chứng khoán vẫn chưa trở thành kênh cung cấp vốn trung và dài hạn; tổ chức định chế tài chính trung gian và tổ chức tài chính vi mô quá ít, vì thế số lượng ngân hàng có thể cần nhiều hơn.

Ở Việt Nam, cứ 10.000 người dân mới có 1 điểm giao dịch ngân hàng, thấp hơn 10 lần so với mức bình quân của các nước trên thế giới. Vì thế, có quan điểm cho rằng, số lượng điểm giao dịch quá ít, cần phải phát triển hơn nữa?

Theo quy định của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một nước được coi là có dịch vụ ngân hàng đạt chuẩn là cứ 1.000 người dân có một điểm giao dịch ngân hàng. Nhưng lưu ý là, điểm giao dịch ngân hàng bao gồm cả điểm giao dịch của NHTM và điểm giao dịch của các định chế trung gian, tổ chức tài chính vi mô.

Nếu căn cứ quy định chuẩn của OECD, đúng là điểm giao dịch ngân hàng của Việt Nam quá ít, cần phải phát triển nhưng là phát triển hệ thống tổ chức tài chính vi mô, định chế tài chính trung gian, chứ không phải là điểm giao dịch của NHTM. Đối với NHTM, nếu chỗ nào thấy cần thiết, có hiệu quả thì họ thiết lập điểm giao dịch, chi nhánh; chỗ nào không hiệu quả thì không đầu tư, đây là quyền của NHTM, không nên sử dụng biện pháp hành chính bắt buộc phải thành lập điểm giao dịch, chi nhánh, phòng giao dịch nếu họ thấy không có hiệu quả.

Vậy quan điểm của ông thế nào về việc giảm bớt số lượng NHTM qua việc sáp nhập, thậm chí là “quốc hữu hóa” OceanBank và Ngân hàng Xây dựng (VNCB)?

Không bàn tới số lượng bao nhiêu ngân hàng là đủ, nhưng tôi hoàn toàn đồng ý với việc sáp nhập ngân hàng yếu kém vào ngân hàng mạnh hơn; Ngân hàng Nhà nước mua lại các nhà băng đứng trước bờ vực phá sản như OceanBank và VNCB với giá 0 đồng để giảm số lượng ngân hàng.

Thực tế, việc Ngân hàng Nhà nước giảm dần số lượng ngân hàng hiện có là hành động “sửa sai” cho việc trước đây vài chục năm cho phép thành lập quá nhiều ngân hàng, rất nhiều NHTM cổ phần đều có xuất phát điểm là ngân hàng cổ phần nông thôn mà tiền thân là quỹ tín dụng, hợp tác xã tín dụng.

Theo tôi, đáng ra, vẫn phải duy trì một số ngân hàng cổ phần nông thôn để đáp ứng nhu cầu vốn, tín dụng và các dịch vụ ngân hàng cho khu vực nông thôn, nông dân và một số đối tượng khác thì chúng ta lại ào ạt chuyển đổi thành NHTM cổ phần, nhiều ngân hàng trước khi “lên đời” chỉ có vốn điều lệ 50-70 tỷ đồng đến 200-300 tỷ đồng, nhưng ngay sau khi chuyển đổi, đã tìm mọi cách huy động vốn để nâng lên 5.000-7.000 tỷ đồng, trong khi năng lực quản lý, trình độ quản trị, đội ngũ nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ thông tin… không đáp ứng được yêu cầu.

Và hậu quả cuối cùng là, nhà đầu tư phải chịu mất vốn trong khi chưa thấy cơ quan, tổ chức nào cho phép thành lập quá nhiều ngân hàng đứng ra nhận trách nhiệm?

Người dân đổ xô vào chứng khoán, bất động sản, bỏ vốn thành lập công ty chứng khoán, NHTM… đến khi thị trường quay ngược 180 độ, bị thua lỗ, thậm chí mất toàn bộ vốn nếu đầu tư vào NHTM bị quốc hữu hóa như trường hợp của OceanBank và VNCB là họ phải trả giá cho lòng tham của mình, chứ không thể quy kết trách nhiệm cho cơ quan quản lý nhà nước hay bất cứ cơ quan tổ chức nào.

Tin bài liên quan