Tương lai của Fintech là sự kết hợp giữa dịch vụ tài chính và lối sống

Tương lai của Fintech là sự kết hợp giữa dịch vụ tài chính và lối sống

Nếu không có phát minh sẽ không có cuộc cách mạng

(ĐTCK) “Với sức mạnh từ công nghệ, Fintech không phải là mối đe dọa, thay vào đó còn giúp gia tăng lượng khách hàng của các dịch vụ truyền thống”, ông Varun Mitta, Trưởng khối dịch vụ Fintech khu vực ASEAN của EY, thành viên sáng lập kiêm Chủ tịch Hiệp hội Fintech Singapore nói và cho biết thêm, mọi thứ đều đến lúc phải được cải tiến vì nếu không có những phát minh hay tiến bộ mới, sẽ chẳng có cuộc cách mạng nào cả. 

Các công ty Fintech có thể bùng nổ mạnh mẽ nhờ sức mạnh của công nghệ. Theo ông, yếu tố này có thể tác động thế nào tới các lĩnh vực truyền thống?

Fintech là từ ghép của tài chính và công nghệ. Hiện tại, không riêng Fintech, tất cả các ngân hàng đều đã và đang sử dụng công nghệ dưới nhiều hình thức như website hay ứng dụng trên điện thoại di động.

Bên cạnh đó, Fintech bao gồm các giải pháp cho hoạt động hàng ngang (peer-to-peer - P2P), trong đó có các dịch vụ ngang hàng mà ngân hàng truyền thống cung cấp cho khách hàng. Nhờ sự cải tiến của công nghệ/Fintech, trải nghiệm của khách hàng tại nhà băng trở nên tốt đẹp hơn, thuận tiện hơn.

Ông Varun Mitta.

Nếu trong lĩnh vực viễn thông cách đây 5 đến 10 năm, hầu hết mọi thông tin chỉ đến được với khách hàng qua các tổng đài viên, thì hiện tại, người dùng có thể tiếp cận các thông tin đó ngay trên màn hình điện thoại của mình. Bạn vẫn sử dụng thẻ sim từ các nhà mạng và là khách hàng của họ, nhưng có nhiều cách tiếp cận, thu nhận thông tin hơn thông qua các ứng dụng trên điện thoại, website. Các nhà cung cấp viễn thông chỉ đưa ra dữ liệu, còn những bên khác sẽ cung cấp nội dung.

Trong vòng 5 năm trở lại đây, số lượng người sử dụng điện thoại di động ngày một nhiều, thời gian sử dụng thiết bị này cũng gia tăng, đi cùng với đó là sự tăng trưởng về tổng lợi nhuận cho các công ty viễn thông.

Không chỉ vậy, công nghệ còn giúp người dùng chi trả qua Apple Pay, Google Pay, Samsung bằng dấu vân tay. Nếu như trong quá khứ, việc chi trả yêu cầu bạn phải in và ký hóa đơn rất phức tạp thì công nghệ hiện nay đã góp phần làm giảm chi phí, tăng tốc độ dịch vụ và số lần giao dịch.

Như vậy, công nghệ mới không phải là mối đe dọa, nó không làm giảm mà thậm chí còn giúp tăng số lượng khách hàng. Tương tự tại lĩnh vực tài chính, Fintech giúp làm giảm chi phí cung cấp dịch vụ tới khách hàng và theo đó thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Trong giai đoạn tới, Fintech sẽ phát triển theo xu hướng nào?

Tương lai của Fintech là sự kết hợp giữa dịch vụ tài chính và lối sống - Finlife: Các dịch vụ tài chính sẽ trở thành một phần và giúp nâng cao chất lượng sống của chúng ta. Sẽ không ai muốn thức dậy buổi sáng và nói “Tôi muốn sử dụng ngân hàng A hay thẻ B” mà thay vào đó sẽ là “Tôi muốn mua thứ này, tiết kiệm nhờ thứ kia” - mọi hoạt động của con người đều phát sinh từ nhu cầu, không phải từ cách thức giao dịch như qua ngân hàng nào, sử dụng ví nào… Từ góc độ của khách hàng, Fintech sẽ giúp khiến cuộc sống thuận tiện và đơn giản hơn.

Có rất nhiều lĩnh vực mà ngân hàng và Fintech có thể cộng tác, ví dụ ngân hàng có thể xác minh, chứng thực các khách hàng ở những vùng xa xôi mà không cần gặp trực tiếp thông qua các dịch vụ gọi điện video.

Mục đích của Fintech chính là hỗ trợ các thế hệ doanh nhân kế tiếp sử dụng công nghệ nhằm nâng cao đời sống. Tuy nhiên, ngoài việc công nhận những đóng góp của Fintech, chúng ta cũng cần nhận thức rằng các luật lệ, quy định vẫn phải được tuân thủ.

Sứ mệnh của Fintech không phải là để giảm vị thế của các ngân hàng mà thay vào đó là kết hợp công nghệ với các dịch vụ tài chính để nâng cao chất lượng sống và đảm bảo cơ hội phát triển cho mọi người.

Theo ông, Việt Nam liệu có là môi trường thân thiện để Fintech phát triển?

Rất nhiều doanh nghiệp tài chính tại Việt Nam đã và đang sử dụng công nghệ. Họ tạo ra những trung tâm sáng tạo (innovation lab), mở ra những ngân hàng điện tử. Một trong những ngân hàng điện tử đầu tiên được mở trong khu vực là Timo của Việt Nam, được bảo trợ bởi VPBank.

Điều này cho thấy, Việt Nam là môi trường lý tưởng cho sự phát triển của Fintech bởi sở hữu số lượng kỹ sư giỏi dồi dào với kinh nghiệm nhiều năm xây dựng công nghệ cho các doanh nghiệp quốc tế. Chưa kể, đây là nơi có nhu cầu rất lớn về các dịch vụ tài chính và tinh thần doanh nhân chân chính -  sự kết hợp hoàn hảo không chỉ mang lại lợi ích cho Việt Nam mà còn cho toàn cầu.

Nếu không có phát minh sẽ không có cuộc cách mạng ảnh 2

Việt Nam là một trong số ít những nước thuộc Đông Nam Á đã tự xây dựng cho mình những nền tảng lớn thay vì phụ thuộc vào yếu tố nước ngoài. Zalo là một ví dụ về ứng dụng giao tiếp được phát triển tại Việt Nam nhưng lại được quốc tế đón nhận và sử dụng rộng rãi.

Có thể thấy, Việt Nam có tiềm năng rất lớn để xây dựng Fintech và phát triển ra khu vực Đông Nam Á, cũng như toàn cầu. EY muốn giúp đỡ những doanh nhân Việt Nam gây dựng vốn khởi nghiệp và dần dần thâm nhập các thị trường Đông Nam Á và thế giới.

Đây có thể coi là cuộc cách mạng Fintech trong vòng 15 đến 20 năm tới. Nếu như những quốc gia khác được biết tới là nơi sản xuất trò chơi điện tử, điện thoại hay laptop thì biết đâu trong 20 năm tới, Việt Nam sẽ được biết đến là nơi bắt nguồn của các giải pháp Fintech.

Các ngân hàng đang tận dụng cơ hội để hưởng lợi từ làn sóng Fintech hiện nay như thế nào?

Có rất nhiều ngân hàng đang kết hợp Fintech trong các dịch vụ của mình, điển hình như khi khách hàng đặt câu hỏi về số dư tài khoản hoặc hạn nộp bảo hiểm, thay vì phải gọi điện hoặc email đến ngân hàng, giờ đây họ có thể nói chuyện trực tiếp với nhân viên ngân hàng thông qua các ứng dụng chat.

Trước đây để cho vay, ngân hàng cần xác minh lịch sử tín dụng của khách hàng, tuy nhiên không phải khách hàng nào cũng có lịch sử tín dụng để tra cứu. Nhờ Fintech, các ngân hàng có thể phân tích thói quen sử dụng điện thoại di động hoặc các trang mạng xã hội để xác minh, từ đó dễ dàng hơn trong việc cung cấp dịch vụ cho vay.

Chưa kể, nếu như trước đây khách hàng muốn tiết kiệm nhưng không biết bắt đầu từ đâu thì hiện nay đã có những ứng dụng gợi ý cho người dùng số tiền và cách thức tiết kiệm giúp họ đạt được mục tiêu mong muốn như dành tiền đóng học phí, mua nhà...

Rất nhiều các ngân hàng quốc tế đang đưa vào sử dụng những kênh giao dịch mới ngoài kênh truyền thống nhằm giúp giảm thiểu thời gian giao dịch. Nhờ những cải tiến này, chẳng hạn một Việt Kiều gửi 100 USD về nước, lúc trước người nhận chỉ nhận được 90 USD do mất các loại phí, thì hiện tại đã có thể nhận tới 96, 97 USD. Số tiền nhận thêm đó sẽ trực tiếp đóng góp cho nền kinh tế Việt Nam và thúc đẩy tiêu dùng trong nước - một điều đáng mừng mà mọi doanh nghiệp hay tổ chức tài chính đều mong muốn.

Một ví dụ khác cho thấy lợi ích Fintech mang lại cho các ngân hàng là khi AI (trí thông minh nhân tạo) thay thế con người để xử lý dữ liệu, giúp giảm thời gian làm việc từ 3 ngày xuống còn khoảng 30 phút. Hay thay vì phải in và nộp trực tiếp ảnh, khách hàng hiện nay có thể tự đưa ảnh lên mạng từ điện thoại và hệ thống sẽ thông báo ảnh đã đạt tiêu chuẩn hay chưa một cách nhanh chóng.

Ông có thể nêu một số ví dụ về sự hợp tác thành công giữa Fintech và ngân hàng?

Có quá nhiều câu chuyện thành công nhờ sự hợp tác giữa Fintech và ngân hàng để kể tên. Trên thế giới hiện có đến hơn 20 công ty đang sử dụng dịch vụ chat trực tuyến, hơn 20 công ty đang cung cấp giải pháp đầu tư và rất nhiều ngân hàng khác nhau đang đưa Fintech vào thử nghiệm, bao gồm các ngân hàng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng có không ít Fintech ra đời và nhanh chóng biến mất. Đây là một diễn biến thường thấy của cuộc cách mạng này. Giống như trước đây chúng ta sử dụng Pager (máy nhắn tin) để liên lạc hay ưa chuộng máy Walkman để nghe nhạc, thì giờ đây, ai cũng có thể nghe nhạc hay trò chuyện từ điện thoại cá nhân. Mọi thứ đều đến lúc phải được cải tiến vì nếu không có những phát minh hay tiến bộ mới, sẽ chẳng có cuộc cách mạng nào cả.

Tin bài liên quan