Năm 2016, SCB tăng vốn điều lệ lên gần 16.000 tỷ đồng

Năm 2016, SCB tăng vốn điều lệ lên gần 16.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Sáng ngày 25/4, SCB đã tiến hành ĐHCĐ thường niên thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2016.
Theo đó, năm 2016, SCB đặt kế hoạch tăng vốn lên gần 16.000 tỷ đồng thông qua phát hành riêng lẻ 1.705 tỷ đồng với giá chào bán không thấp hơn 10.000 đồng/cp cho đối tác nước ngoài. Số cổ phần này bị giới hạn 5 năm.
Lợi nhuận trước thuế năm nay đặt kế hoạch 183 tỷ đồng, giảm tỷ lệ cho vay bất động sản, tăng tín dụng ngắn hạn và tăng tỷ lệ thực thu trên tổng thu nhập lãi, đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn, tăng vốn cấp hai từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, SCB tăng tỷ trọng nguồn vốn giá rẻ và giảm dần giá vốn đầu vào, chuyển dịch mô hình kinh doanh theo hướng giảm bớt sự phụ thuộc vào hoạt động tín dụng và tăng nguồn thu từ hoạt động dịch vụ.
Tại Đại Hội, SCB cũng cho biết, sau hơn 4 năm thực hiện tái cơ cấu, tính đến 31/12/2015, Ngân hàng đã đạt được những kết quả khá tích cực.
Cụ thể, tổng tài sản đạt 311.514 tỷ đồng, tăng 28,61% so với đầu năm 2015; hoàn tất phương án tăng vốn thêm 2.000 tỷ đồng nâng vốn điều lệ lên 14.295 tỷ đồng; nguồn vốn hoạt động tăng trưởng ổn định và bền vững, trong đó, huy động từ khách hàng tổ chức kinh tế và dân cư tăng 29,5% so với cuối năm 2014.
Năm 2015, SCB trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro tín dụng, dự phòng rủi ro trái phiếu VAMC theo đúng quy định, đồng thời, đạt tổng lợi nhuận trước thuế 111 tỷ đồng.
Trả lời trước thắc mắc của cổ đông vì sao Ngân hàng chưa chia cổ tức, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, việc chưa chia cổ tức là do Ngân hàng vẫn tập trung mọi nguồn lực để tái cơ cấu và trích lập dự phòng rủi ro. Chi phí dự phòng của SCB trong những năm qua tăng mạnh và lớn. Việc bán nợ cho VAMC là giải pháp giúp SCB khắc phục trong quá trình tái cơ cấu.

Cụ thể, đối với các khoản nợ mà SCB đã bán cho VAMC trong 2 năm trước thì hiện đã trích lập dự phòng được 40% và 2 năm nữa là 80% thì xem như gần trích lập được 100% cho khoản nợ xấu đó. Tuy nhiên, các khoản nợ xấu SCB đã bán cho VAMC, tài sản chủ yếu là bất động sản nên khi thị trường dần tốt lên sẽ có nhiều cơ hội để xử lý.

Việc trích dự phòng rủi ro cao cũng là áp lực lên lợi nhuận, cổ tức, song trong bối cảnh thị trường hiện nay, chúng ta không còn cách nào khác là phải tăng trích dự phòng rủi ro. Nhưng trong tương lai, khi các khoản nợ xấu này được xử lý thì dự phòng được hoàn nhập.

Với những đánh giá về triển vọng kinh tế năm 2016 và mục tiêu tái cơ cấu SCB giai đoạn 2015 -  2019, SCB xác định mục tiêu hoạt động trong năm 2016 là tiếp tục tái cơ cấu hoạt động tài chính theo hướng phát triển bền vững.

Tin bài liên quan