Năm 2016, lãi suất khó giảm

Năm 2016, lãi suất khó giảm

(ĐTCK) Thị trường chờ đợi một đợt hạ lãi suất trong năm 2016, nhưng với các yếu tố chủ quan và khách quan của nền kinh tế cho thấy, không những khó có cơ hội giảm mà lãi suất nhiều khả năng tăng…

Yếu tố đầu tiên được đặt ra là người gửi tiền có được hưởng lãi suất thực dương? Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần nhìn vào xu hướng lạm phát trong thời gian tới, chứ không phải là mức lạm phát đã qua của năm 2015. Theo đó, Quốc hội đã thông qua mức lạm phát năm 2016 là dưới 5% so với mức lãi suất huy động VND là 5,5%/năm cho thấy mức chênh là không nhiều.

“Nếu tiếp tục hạ lãi suất VND, dòng tiền nhiều khả năng sẽ chuyển hướng sang các lĩnh vực đầu tư khác như đầu tư bất động sản, chứng khoán, trái phiếu Chính phủ tại Việt Nam hiện vẫn đang được giới đầu tư đánh giá mang lại lãi suất sinh lời hấp dẫn nhất trong khu vực Đông Nam Á”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

NHNN đã cho biết, việc tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất để hỗ trợ sản xuất kinh doanh không thể chủ quan với diễn biến của lạm phát. Còn theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), trong năm 2015, giá dầu và giá hàng hóa cơ bản sụt giảm là những nguyên nhân chính khiến lạm phát thế giới giảm mạnh. Nhưng, xu hướng này không phản ánh cầu nội địa sụt giảm, do đó, IMF khuyến nghị ngân hàng trung ương các nước không nên phản ứng thái quá với xu hướng giảm của lạm phát.

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank nhận định: “Lạm phát danh nghĩa thấp, nhưng lạm phát cơ bản vẫn trong khoảng từ 2-3%, như vậy, mức lãi suất như hiện nay cũng đã là hợp lý”.

NHNN cũng thông tin thêm, trong năm 2016, các yếu tố hỗ trợ cho lạm phát không còn thuận lợi như các năm trước do việc điều chỉnh tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, than… bước vào lộ trình mới và có thể tăng mạnh, cầu nội địa đang phục hồi tốt. Bên cạnh đó, thanh khoản của hệ thống tổ chức tín dụng khó khăn hơn do tăng trưởng tín dụng nhanh hơn huy động vốn từ năm 2015, gây áp lực lên mặt bằng lãi suất thị trường.

“Thậm chí, lạm phát tăng làm tăng kỳ vọng của người dân, qua đó gây áp lực làm tăng lãi suất huy động”, Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương sáng 29/12, Thống đốc NHNN đã nhấn mạnh: “Dư địa giảm lãi suất rất khó, nếu bây giờ giảm xuống thì có thể ngắn hạn ta được, nhưng vỡ ổn định lâu dài”.

Lãi suất còn chịu sức ép từ câu chuyện tỷ giá, khi mà lĩnh vực này được nhìn nhận sẽ chịu nhiều tác động không thuận lợi trong năm 2016. Lý do: thị trường tài chính thế giới được dự báo chuyển sang một giai đoạn mới, với nhiều diễn biến phức tạp khi các ngân hàng trung ương, nhà đầu tư điều chỉnh chiến lược để bắt nhịp với việc USD lên giá.

Xu hướng tăng lãi suất USD trên thị trường thế giới làm thu hẹp khoảng cách giữa lãi suất nội tệ và ngoại tệ sẽ hạn chế khả năng giảm lãi suất của NHNN để đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá. Bên cạnh đó, Trung Quốc thực thi chính sách đồng Nhân dân tệ yếu để hỗ trợ tăng trưởng, đồng thời đẩy nhanh tự do hóa tỷ giá sau khi đồng Nhân dân tệ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế (tham gia vào giỏ tiền tệ SDR của IMF)…

Theo Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2016 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGS) vừa công bố, trong năm 2016, sức ép đối với tỷ giá và phần nào mạnh hơn 2015 bởi vẫn có những nhân tố không thuận lợi cho cán cân thanh toán, bao gồm: nhập siêu tăng khi nhập khẩu được dự báo tăng nhanh hơn so với năm 2015 và tăng nhanh hơn xuất khẩu. Nguyên nhân là đầu tư tăng, làm tăng nhu cầu nhập khẩu máy móc, thiết bị; trong khi tăng trưởng cải thiện làm tăng sức mua của dân chúng đối với hàng nhập khẩu.

“Do đó, UBGS dự báo nhập siêu ở mức 4 tỷ USD, tăng so với mức nhập siêu khoảng 3,2 tỷ USD ước cho năm 2015. Đồng thời, xu hướng mất giá (so với đô-la Mỹ) của đồng tiền các nước ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh về giá của hàng xuất khẩu Việt Nam, nhất là xuất khẩu nông sản, tạo thêm sức ép đối với cán cân thương mại và tỷ giá”, báo cáo của UBGS nhận định.

Thêm một yếu tố quan trọng, đó là nợ xấu. NHNN cho biết, tỷ lệ nợ xấu so với tổng dư nợ của hệ thống các tổ chức tín dụng giảm từ 4,83% cuối năm 2014 xuống 2,72% đến cuối tháng 11/2015, đạt mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về mức 3% trước thời hạn 31/12/2015.

Nợ xấu đã được xử lý ước đạt 157.000 tỷ đồng trong 10 tháng đầu năm 2015 và khoảng 463.000 tỷ đồng tính lũy kế từ năm 2012 đến tháng 10/2015, tương đương khoảng 99% tổng số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 9/2012… Tuy nhiên trên thực tế, các ngân hàng vẫn đang phải trích lập dự phòng rủi ro lớn và điều này cũng hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay của các ngân hàng…                           

Tin bài liên quan