Nguồn tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn khả quan, dù lãi suất tiết kiệm không còn cao như trước. Thế nhưng, do có sự phân hóa rõ nét giữa các ngân hàng nên cuộc cạnh tranh giành thị phần tiền gửi tiết kiệm trở nên nóng hơn.
Đáng chú ý, đối với tiền gửi kỳ hạn dài, không chỉ có ngân hàng nhỏ tăng lãi suất để thu hút tiền nhàn rỗi, mà ngay cả nhà băng lớn cũng vào cuộc, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dự kiến gia hạn thời gian áp dụng quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn từ 50% xuống 40% thêm 1 năm, tức áp dụng vào đầu năm 2019, thay vì đầu năm 2018. Thực tế, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ở một số ngân hàng đang tiến gần đến mức trần quy định của Thông tư 06/2017/TT-NHNN.
Vì thế, lãi suất tiết kiệm được dự báo sẽ khó giảm, thậm chí tăng, cho dù lãi suất đầu ra đang được Chính phủ yêu cầu các nhà băng nỗ lực giảm thêm, nhất là đối với vốn trung, dài hạn.
VietinBank, BIDV vừa có động thái điều chỉnh tăng lãi suất tiền gửi. Lãi suất kỳ hạn từ 6 - 9 tháng tại Vietinbank tăng từ mức 5,5 - 5,7%/năm lên 5,8%/năm, lãi suất kỳ hạn 12 tháng tăng từ mức 6,5%/năm lên 6,8%/năm. Ở BIDV, lãi suất kỳ hạn 3 tháng được nâng từ 4,8%/năm lên 5,2%/năm, các khoản tiền gửi kỳ hạn 13 tháng trở lên có lãi suất 6,9%/năm.
Đặc biệt, ở khối ngân hàng quy mô nhỏ, cuộc cạnh tranh tăng thanh khoản đang dần một nóng. Không chỉ “neo” lãi suất huy động ở mức cao 8 - 8,2%/năm cho kỳ hạn dài từ 15 tháng trở lên như Viet Capital Bank, VietA Bank…, nhiều nhà băng còn triển khai các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, gia tăng tiện ích cho khách hàng nhằm thu hút tiền gửi.
Chẳng hạn, mở sổ tiết kiệm tại CBBank, chỉ với 10 triệu đồng, người gửi tiền có cơ hội trúng ô tô Camry 2.0; Vietbank dành 7,2 tỷ đồng tặng 24.000 phần quà cho các cá nhân gửi tiết kiệm; hay Sacombank “treo” giải trúng căn hộ trị giá 2,5 tỷ đồng khi khách hàng gửi tiền…
Trên thị trường liên ngân hàng, trong 3 tuần qua, lãi suất có diễn biến tăng và chạm mức cao nhất trong gần 4 tháng. NHNN phải tăng bơm tiền ra hệ thống, tính riêng tuần từ ngày 6 - 10/11 là 26.000 tỷ đồng, mức cao nhất theo tuần kể từ tháng 2/2017.
Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay là trên 20%, nhưng đến hết tháng 10, tín dụng toàn ngành mới tăng 13,6%, tức còn “room” gần 7%. Đây là dư địa lớn để các ngân hàng tăng tốc cho vay trong 2 tháng cuối năm, nên việc tranh thủ hút tiền nhàn rỗi cũng là điều dễ hiểu.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính, ngân hàng nhận định, có thể thanh khoản đang có dấu hiệu căng thẳng tạm thời, nhưng điều này cũng bình thường trong giai đoạn cuối năm. Mặt khác, tốc độ tăng huy động thời gian qua chậm hơn cho vay, nên các ngân hàng đang phải đẩy mạnh thu hút vốn.
Theo báo cáo mới nhất của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, 10 tháng đầu năm 2017, huy động vốn giảm so với cùng kỳ năm trước. Thời điểm cuối tháng 10, khoản tiền gửi của khách hàng tăng 11,5% so với đầu năm, nhưng dư nợ tín dụng tăng cao hơn.
Trong đó, nhóm ngân hàng có tốc độ gia tăng tiền gửi lớn nhất tập trung vào khối ngân hàng quốc doanh, dù đây không phải nhóm ngân hàng mức lãi suất tiền gửi cao so với hệ thống.
Kể cả Vietcombank, dù có động thái giảm lãi suất tiền gửi, nhưng nguồn tiền nhàn rỗi vào nhà băng này vẫn tăng. Thời điểm cuối tháng 9, khoản tiền gửi vào Vietcombank tăng hơn 97.500 tỷ đồng so với đầu năm, đạt trên 668.000 tỷ đồng.
TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, dư địa còn lại để tăng trưởng dư nợ trong 2 tháng còn lại của năm tài chính 2017 khá lớn, khiến các nhà băng tăng huy động, nhưng cũng không nên đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng và chạy theo mục tiêu, mà cần phải xem xét sức hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Theo TS. Thiên, chủ trương và chỉ đạo của Chính phủ là hạ lãi suất cho vay để doanh nghiệp có thể tiếp cận vốn, song cũng không thể khuyến khích hạ lãi suất chỉ để giúp doanh nghiệp, mà phải có giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Thực tế, đã có một thời, tín dụng tăng trưởng “nóng” và tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tín dụng, dẫn đến “bong bóng”, để lại nợ xấu cao mà ngành ngân hàng đang phải nỗ lực xử lý.