Ý tưởng “viển vông”
Lý do MoMo vẫn sống sau 10 năm, theo ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT MoMo là sự kiên định và lao động không mệt mỏi của những người sáng lập.
Hơn 10 năm trước, nhà sáng lập MoMo - bà Nguyễn Thị Minh Hiền, trong lần công tác tại Bangladesh đã bị cách sử dụng điện thoại để chuyển tiền của người dân sở tại “hút hồn”. Tháng 10/2007, bà Hiền đã biến niềm cảm hứng “trời cho” thành hình hài, với sự ra đời của MoMo gồm 4 người và 4 máy chủ trong một căn phòng chừng 25 m2.
Ông Nguyễn Bá Diệp, Phó chủ tịch HĐQT MoMo.
Song, ông Diệp kể, khó khăn lúc ấy không nằm ở cơ sở vật chất nghèo nàn, mà là những nghi hoặc từ những người xung quanh.
“Mọi người đều nói đó là ý tưởng viển vông, phi thực tế. Ngay cả người thân vốn dĩ rất hiểu và tin, giờ cũng tỏ ý lo ngại, sợ rằng, đó chỉ là việc làm “đan gàu tát biển, ghẹo người cung trăng” mà thôi. Công bằng mà nói, lúc ấy, ngoài ý tưởng, chúng tôi chưa có gì để thuyết phục mọi người. Tiền ít, chưa có sản phẩm và thậm chí không biết làm thế nào để ra được sản phẩm”, ông Diệp giãi bày..
Tại Chương trình Giải thưởng Quốc gia Việt Nam (The Vietnam Coutry Awards) lần thứ hai, MoMo được nhận Giải thưởng Sản phẩm thanh toán di động tốt nhất Việt Nam 2018 do The Asian Banker (tạp chí đầu ngành trong lĩnh vực tài chính của Singapore) trao tặng.
Ngay sau lễ nhận giải, ông Nguyễn Bá Diệp đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.
Một cách ngắn gọn, MoMo đang theo đuổi giấc mơ gì?
Giấc mơ của MoMo là đem dịch vụ tài chính phục vụ mọi người dân ở Việt Nam, giúp cho người thu nhập thấp, những tiểu thương có thể kinh doanh thông qua chiếc điện thoại để tăng thêm thu nhập.
Điểm khác biệt của MoMo là gì?
MoMo là đơn vị thanh toán di động duy nhất có hệ thống cửa hàng giao dịch trên toàn quốc, nơi người dân có thể sử dụng dịch vụ tại cửa hàng rất gần nhà mình. Ngoài ra, hệ sinh thái của MoMo cũng là điểm khác biệt. Chúng tôi đang tiến đến mô hình cung cấp dịch vụ để người dùng có thể sử dụng MoMo cho mọi nhu cầu của mình 24/7, tự tin đi ra đường mà không cần phải mang theo ví tiền hay thẻ ngân hàng.
Trong tương lai, nếu có nhà đầu tư trả giá cao để mua MoMo, liệu ông có bán…?
Tôi nghĩ rằng, mục đích của MoMo là mang dịch vụ tài chính, thanh toán đến cho người dân Việt Nam.
Đây là một công việc lâu dài và đòi hỏi sự cam kết, cống hiến không mệt mỏi của cả tập thể. Những nhà đầu tư giúp cho MoMo phát triển bền vững theo mong muốn của những người sáng lập và giúp người dân Việt Nam có thể tiếp cận dễ dàng với dịch vụ tài chính, giúp cuộc sống của họ ngày càng tốt hơn thì sẽ luôn được chào đón ở MoMo.
Thị trường thanh toán điện tử ngày càng phát triển, những gã khổng lồ như Alipay, Samsungpay… đã bắt đầu chào sân, điều này hẳn sẽ ảnh hưởng đến miếng bánh của MoMo?
Với tôi, mỗi công ty đều có sản phẩm phục vụ cho một đối tượng khách hàng riêng. Các công ty nước ngoài khi vào thị trường Việt Nam sẽ giúp truyền thông dịch vụ thanh toán điện tử đến đông đảo người tiêu dùng, điều này sẽ tốt cho cả thị trường.
Về mặt sản phẩm, khách hàng sẽ là người quyết định chọn dịch vụ nào để sử dụng. Việc cung cấp dịch vụ xuyên biên giới là xu hướng không tránh khỏi, trong đó bao gồm cả cơ hội tiến ra thị trường nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam
Dù không một ai hiểu, song ý tưởng viển vông vẫn được các cộng sự miệt mài nghiên cứu. Khởi đầu, MoMo là một dịch vụ nạp tiền, chuyển tiền qua số điện thoại di động.
Được ứng dụng ngay trên thẻ SIM điện thoại, người dùng có thể sử dụng để nạp tiền điện thoại hay chuyển tiền. Triển khai một thời gian, MoMo gặp phải vướng mắc như chỉ có giao diện đen trắng, mỗi lần cập nhật lại phải thay thẻ SIM mới và người dùng mạng VinaPhone mới có thể sử dụng được.
Dịch vụ mới, ít tiện ích, khó sử dụng là những gì mà thị trường nói về MoMo trong thời gian đầu. 4 cái đầu của MoMo hiểu rằng, nếu không bứt phá, MoMo sẽ nhanh chóng biến mất như vô vàn ý tưởng thử nghiệm khác.
“Chúng tôi quyết định phải có cú đánh cược với tương lai của MoMo”, ông Diệp nói khi kể về quyết sách tập trung vào ứng dụng di động (mobile-first), thay vì trên giao diện web như sự tuần tự thông thường. Lúc đó, ngay cả tương lai về sự phổ biến của điện thoại thông minh còn chưa rõ ràng, nhưng MoMo đã dồn mọi nguồn lực “cho trận đánh cuối”.
Ngày 2/6/2014, MoMo có mặt trên hệ điều hành Android, trở thành ví điện tử đầu tiên có ứng dụng trên di động. Sau 15 ngày, phần mềm đã có mặt trên AppStore của iOS. Trong tháng đầu, MoMo đã có hàng trăm ngàn lượt tải và cài đặt, trở thành một trong 5 ứng dụng tài chính được tải về nhiều nhất trên GooglePlay.
Đến nay, sau hơn 3 năm phát triển, MoMo đã có được những bước tiến lớn. Người dùng có thể sử dụng 500 tiện ích thanh toán, mua sắm, mọi tiện ích hàng ngày 24/7, như điện, nước, viễn thông, Internet, truyền hình cáp…
Từ một dịch vụ nạp tiền, chuyển tiền trên điện thoại “cục gạch”, kỳ cạch gán từng ứng dụng siêu nhỏ (chỉ vài chục Kb) lên thẻ SIM, MoMo đã có bước tiến dài trong vòng 2 năm qua, với 8 triệu khách hàng dùng dịch vụ, 5.000 cửa hàng giao dịch trên toàn quốc.
Căn phòng 4 người toàn sếp của MoMo giờ đã phát triển thành các văn phòng tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng với gần 500 nhân viên.
Năm 2016, MoMo nhận khoản đầu tư trị giá 28 triệu USD từ Quỹ đầu tư Standard Chartered Private Equity và Ngân hàng Đầu tư toàn cầu Goldman Sachs.
Nỗ lực không ngừng nghỉ
“Để thành công, chỉ có cách duy nhất là lao động không mệt mỏi, dám thách thức bản thân và sửa chữa những sai lầm cực nhanh (Fail fast, fail better)”, ông Diệp chia sẻ “châm ngôn” của người MoMo.
Quả thực, MoMo đã nỗ lực gần một thập kỷ thuyết phục người dùng, các ngân hàng và đối tác để tạo nên hệ sinh thái như hôm nay. Việc MoMo rất khó khăn để nhận được cái “gật đầu” của các ngân hàng cũng dễ hiểu, khi nhìn vào hình ảnh của hệ thống ngân hàng Việt Nam và cả tâm lý tiêu dùng của người Việt gần 10 năm trước.
Bởi vậy, năm 2012, hợp tác với Vietcombank cùng giấy phép cung cấp dịch vụ chuyển tiền là sự kiện đã giúp MoMo mở cánh cửa “ngách”, giúp khơi thông dòng chảy từ “sông lớn” ngân hàng đến tận tay người dân ở những nơi xa xôi.
Từ hợp tác này, cùng với từ khóa Fintech bắt đầu nhận được sự chú ý của các ngân hàng như một xu hướng tất yếu, MoMo đã có những bước phát triển lâu dài, bền vững với 13 ngân hàng lớn liên kết trực tiếp trong hiện tại.
“Công ty fintech như MoMo sẽ đóng vai trò đường dẫn, kết nối giữa ngân hàng, khách hàng và sản phẩm dịch vụ. MoMo chỉ xem mình như một dòng kênh nhỏ, cần mẫn dẫn nước từ sông lớn là ngân hàng đến với khách hàng, giúp khách hàng đáp ứng các yêu cầu thanh toán tức thời một cách nhanh nhất. Đồng thời, MoMo giúp ngân hàng tiếp cận được với hàng triệu khách hàng chưa tiệm cận được dịch vụ tài chính, thanh toán”, ông Diệp nói.
Với hơn một nửa dân số sử dụng điện thoại thông minh, cùng với 60 triệu thuê bao 3G, 4G, giao dịch thương mại điện tử tăng 40%/năm, Việt Nam là “dư địa” đầy tiềm năng cho dịch vụ thanh toán di động.
Không chỉ với MoMo, thị trường thanh toán di động đã chuyển mình đáng kể trong năm 2017 với sự xuất hiện của nhiều công ty thanh toán mới.
Ông Diệp đánh giá, đây là sự thay đổi tích cực của thị trường và MoMo sẽ nhập cuộc để cùng các đơn vị chung tay gây dựng thị trường thanh toán điện tử tại Việt Nam.
Tháng 11/2017, MoMo đã ký kết hợp tác chiến lược với Uber, không chỉ trở thành một phương thức thanh toán trên ứng dụng Uber, người dùng MoMo có thể đặt xe Uber ngay trên ứng dụng MoMo.
“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục cung cấp dịch vụ cho hàng chục đối tác quốc tế tương tự như Uber. Việc mở rộng thị trường ra nước ngoài là bước kế tiếp trong kế hoạch của MoMo”, ông Diệp nói.