Cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh

Cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh

Mỗi tháng tín dụng cần tăng thêm gần 130.000 tỷ đồng

(ĐTCK) Trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định kinh tế vĩ mô, Ngân hàng Nhà nước sẽ điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay, so với mức 18% trước đó.

7 tháng, tín dụng tăng 9,3%

Số liệu mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tính đến ngày 30/6/2017, tín dụng tăng trưởng 9,06%, huy động vốn tăng 7,43% so với cuối năm 2016.

Cơ quan này duy trì kiểm soát tăng trưởng tín dụng gắn với chất lượng tín dụng, chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung vốn cho sản xuất kinh doanh, đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên. Hạn chế mức độ tập trung tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thời gian thu hồi vốn dài như các dự án đầu tư, kinh doanh bất động sản, BOT, BT giao thông…

Về cung tín dụng cho nền kinh tế, Báo cáo về tình hình kinh tế tháng 7/2017 và 7 tháng đầu năm 2017 của Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGS) cho biết, tín dụng tháng 7 tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Ước tính đến hết tháng 7/2017, tín dụng tăng 9,3% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ năm 2016 tăng 8,8%). Tỷ trọng tín dụng trung và dài hạn có xu hướng giảm, ước chiếm khoảng 53,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%).

Tín dụng ngắn hạn ước chiếm tỷ trọng 46,1% (cuối năm 2016 chiếm 44,9%). Cơ cấu tín dụng theo loại tiền tiếp tục duy trì ổn định. Tín dụng VND chiếm khoảng 91,7% tổng tín dụng, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,3% tổng tín dụng.

Trong bối cảnh này, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ vào ngày 3/8/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ tín dụng theo hướng giảm lãi suất cho vay, đồng thời, đưa dư nợ tín dụng lên cao hơn hoặc bằng 20% trong năm nay, trên cơ sở chất lượng tín dụng và ổn định vĩ mô.

Tiền chảy vào đâu?

Ngân hàng Nhà nước cho biết, 6 tháng đầu năm, cơ cấu tín dụng đã tập trung chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, với tỷ trọng khoảng 80% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.

Trong đó, tín dụng đối với một số ngành kinh tế trọng điểm tăng cao hơn so với mức tăng chung của toàn hệ thống như: tín dụng đối với ngành công nghiệp ước tăng khoảng 10,5% (chiếm tỷ trọng 22,5%), trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng hơn 13%; ngành xây dựng tăng khoảng 15% (chiếm tỷ trọng gần 10%); tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và các nhu cầu vốn trên địa bàn nông thôn tăng gần 10% (chiếm tỷ trọng xấp xỉ 19,5%).

Chính phủ muốn giải ngân nhanh để thúc đẩy tăng trưởng bởi nền kinh tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng, nhưng giải ngân cần phải thực sự hiệu quả đối với nền kinh tế, không thể giải ngân vào những thị trường thứ cấp

- TS. Nguyễn Trí Hiếu

Tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro tăng thấp hơn so với tốc độ tăng trưởng tín dụng chung toàn hệ thống; trong đó, tín dụng kinh doanh bất động sản ước tăng 5,5% (chiếm tỷ trọng khoảng 6,9%). Tuy nhiên, sự tăng trưởng này chủ yếu đóng góp vào sự phục hồi của ngành xây dựng và các ngành có liên quan.

Tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông chiếm tỷ trọng nhỏ (1,54% tổng dư nợ cấp tín dụng chung) và tốc độ tăng trưởng thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung (tăng 1,75% so với cuối năm 2016).

Tín dụng tiêu dùng tiếp tục xu hướng tăng cả về quy mô và tốc độ (5 tháng đầu năm 2017 ước tăng 7%, chiếm tỷ trọng xấp xỉ 15,2% tổng dư nợ tín dụng) và vẫn tập trung chủ yếu vào các nhu cầu về nhà ở, phương tiện đi lại, học tập, chữa bệnh, du lịch, văn hóa, thể thao…

“Qua đó, về cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân và góp phần kích thích tiêu dùng trong nước”, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước nhận định.

5 tháng cuối năm cần bao nhiêu tiền?

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế phân tích, tính đến cuối năm 2016, tổng dư nợ toàn hệ thống ngân hàng khoảng 6 triệu tỷ đồng, nếu năm 2017 phải tăng trưởng tín dụng 20% nghĩa là cả năm 2017 phải tăng thêm 1,2 triệu tỷ đồng.

Từ đầu năm đến cuối tháng 7/2017, theo số liệu của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tăng trưởng tín dụng đạt 9,3%, tương đương với 558 nghìn tỷ đồng, nghĩa là từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước phải tăng trưởng tín dụng 10,7%, vào khoảng 642 nghìn tỷ đồng.

“Với 5 tháng còn lại của năm 2017, mỗi tháng Ngân hàng Nhà nước phải tăng tín dụng gần 130 nghìn tỷ đồng. Đây là con số không hề nhỏ”, TS. Hiếu nhận định.

Trước câu hỏi, để có thể cho vay, nguồn tiền từ đâu ra? TS. Hiếu cho rằng: “Tất nhiên từ thị trường 1 (huy động vốn) và thị trường 2 (liên ngân hàng). Hiện nay, tại thị trường 1, huy động đang thấp hơn cho vay, nhưng vẫn đủ để tạo vốn cho tín dụng, bởi theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại cổ phần phải duy trì tỷ lệ dư nợ cho vay trên tổng tiền gửi (LDR) tối đa là 80%, còn các ngân hàng có 50% vốn nhà nước trở lên được áp dụng tỷ lệ 90%”.

Trong khi đó, Ủy ban Giám sát nhận định, tháng 7/2017, thanh khoản của hệ thống ngân hàng khá dồi dào. Biểu hiện cụ thể là, thứ nhất, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm (tính đến thời điểm ngày 25/7/2017, lãi suất qua đêm chỉ ở mức 0,9%/năm, lãi suất 1 tuần 0,9%/năm, lãi suất 1 tháng 1,9%/năm), giảm từ 0,6 đến 1 điểm phần trăm so với thời điểm cuối tháng 6, và giảm từ 3 đến 4 điểm phần trăm so với đầu năm.

Thứ hai, giao dịch qua kênh OMO duy trì ở mức thấp, đặc biệt nửa đầu tháng 7 gần như không có giao dịch. Trong tháng 7, Ngân hàng Nhà nước hút ròng khoảng 37.000 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm 2017, cơ quan này đã hút ròng 48.632 tỷ đồng qua kênh OMO.

“Nguyên nhân thanh khoản khá dồi dào trong thời gian qua chủ yếu do Ngân hàng Nhà nước đã mua thêm một lượng ngoại tệ đáng kể để tăng dự trữ ngoại hối, từ đó tăng cung VND ra thị trường”, một lãnh đạo cao cấp của Ủy ban Giám sát cho biết.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhận định: “Thời điểm cuối năm theo quy luật sẽ cùng lúc diễn ra 2 vấn đề. Một là hàng loạt tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở ngân hàng được rút ra và đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; hai là, nhu cầu chi tiêu của dân cư và nhu cầu thanh toán của DN tăng lên đặc biệt là thanh toán trả nợ tăng lên.

Năm nay, theo tôi, có thể có căng thẳng nhất định về thanh khoản cuối năm, nhưng vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát của Ngân hàng Nhà nước”.

Tuy vậy, TS. Hiếu quan ngại, dù không quá lo lắng về thanh khoản, nhưng việc giải ngân vào lĩnh vực nào sẽ là vấn đề cần để tâm. Cụ thể, để đạt được chỉ tiêu tăng trưởng 20%, các ngân hàng phải tăng tốc trong giải ngân, trong khi tiến độ của các dự án lớn không thể đẩy quá nhanh.

Các nhà băng có thể tìm tới nhiều khách hàng vay ngắn hạn, từ đó sinh ra nhiều hậu quả như dùng vốn sai mục đích, cung tiền trong nền kinh tế quá lớn, bùng nổ, lạm phát…

"Chính phủ muốn giải ngân nhanh để thúc đẩy tăng trưởng bởi nền kinh tế Việt Nam chủ yếu phụ thuộc vào tín dụng, nhưng giải ngân cần phải thực sự hiệu quả đối với nền kinh tế, không thể giải ngân vào những thị trường thứ cấp.

Đây là những nơi không đóng góp cho GDP mà thổi phồng giá, đẩy lạm phát cao và nếu không cẩn thận, chúng ta sẽ đưa các thị trường thứ cấp này vào điểm nóng, phát sinh rủi ro lớn trong năm 2018”, TS. Hiếu nhấn mạnh.

Tin bài liên quan