Mô hình ngân hàng mẹ-công ty con như của OCBC được cho là phù hợp với các ngân hàng Việt

Mô hình ngân hàng mẹ-công ty con như của OCBC được cho là phù hợp với các ngân hàng Việt

Mô hình cho ngân hàng Việt

(ĐTCK) Cùng với sự phát triển của đất nước, xu hướng thành lập các tập đoàn tài chính- ngân hàng là tất yếu để hưởng lợi từ kinh tế quy mô và khai thác tốt hơn lợi thế kinh tế chi phí.

Bài viết này tổng kết các mô hình chính của các tập đoàn tài chính-ngân hàng trên thế giới và nêu lên một số gợi mở cho các lãnh đạo doanh nghiệp và nhà hoạch định chính sách Việt Nam. 

Một nền kinh tế phát triển cần các tập đoàn kinh tế hiệu quả

Trước hết, cần phải khẳng định lại rằng, với tình hình cạnh tranh ngày một gay gắt hơn trong xu hướng hội nhập như hiện nay, việc phát triển các tập đoàn kinh tế hiệu quả để gia tăng sức canh tranh và chống đỡ các rủi ro là rất cần thiết.

Tổ chức theo mô hình tập đoàn sẽ giúp các doanh nghiệp khai thác tốt hơn các lợi ích kinh tế về quy mô và phạm vi nhờ kết hợp kinh doanh nhiều loại sản phẩm.

Mở rộng quy mô kinh doanh giúp giảm được một số loại chi phí cố định, đồng thời tối ưu hóa chi phí bằng cách giảm các chi phí hoạt động, thông qua việc giảm những hoạt động điều hành tương tự nhau và nhân viên dư thừa qua các hoạt động sáp nhập. 

Việt Nam cần các ngân hàng tầm cỡ khu vực

Trong lĩnh vực ngân hàng-tài chính cũng vậy, như Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đã phát biểu, Việt Nam cần có những tập đoàn tài chính-ngân hàng tầm cỡ khu vực trong vòng 5-10 năm tới.

Do đó, thành lập theo mô hình nào đang là câu hỏi đang được các hội đồng quản trị và các nhà hoạch định chính sách quan tâm. Theo nghiên cứu, trên thế giới hiện có 3 dạng tổ chức mô hình tập đoàn tài chính-ngân hàng cơ bản sau:

1. Ngân hàng đa năng:

Theo mô hình này, ngân hàng tổ chức các khối chức năng thực hiện nhiều hoạt động kinh doanh khác nhau trong cùng một tổ chức, ví dụ như ngân hàng-chứng khoán-bảo hiểm.

Mô hình này ẩn chứa nhiều rủi ro bởi không có sự quản lý riêng biệt giữa ba lĩnh vực hoạt động. Do đó, rủi ro từ hoạt động trong một lĩnh vực này (ví dụ như lĩnh vực chứng khoán) có thể gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động của các lĩnh vực khác (ví dụ như lĩnh vực ngân hàng).

Các tập đoàn tài chính đang hoạt động theo mô hình này bao gồm Deutsche Bank AG (Đức), Credit Suisse (Thụy Sĩ), UBS (Thụy Sĩ), BNP Paribas (Pháp).

2. Ngân hàng mẹ-công ty con

Với mô hình này, ngân hàng mẹ trực tiếp sở hữu và quản lý công ty con. Các cổ đông của ngân hàng quản lý trực tiếp các ngân hàng, nhưng không quản lý trực tiếp các công ty con. Còn các lãnh đạo cao cấp của ngân hàng quản lý trực tiếp hoạt động của công ty chứng khoán và công ty bảo hiểm.

Mô hình này được đánh giá là ít rủi ro hơn mô hình thứ nhất bởi ít nhiều đã có sự phân định tương đối giữa các hoạt động ngân hàng-chứng khoán-bảo hiểm. Tuy nhiên, do ngân hàng mẹ vẫn có tác động, can thiệp hành chính nhất định tới hoạt động của các công ty con nên vẫn có thể có rủi ro (các lĩnh vực vẫn có thể gây ra rủi ro dây chuyền). Tập đoàn tài chính đang hoạt động theo hình thức này là OCBC (Singapore).

3. Nhóm công ty mẹ-con

Trong mô hình này, công ty mẹ không trực tiếp kinh doanh mà chỉ nắm giữ vốn của các công ty con hoạt động trong các lĩnh vực ngân hàng-chứng khoán-bảo hiểm. Công ty mẹ không can thiệp hành chính vào hoạt động của các công ty con trong cùng tập đoàn, mà chỉ thực hiện điều chuyển, phân bổ vốn nhằm đạt hiệu quả cao nhất cho tập đoàn, xây dựng thương hiệu, xây dựng chiến lược phát triển chung…

Mô hình này cho phép sự phối hợp hoạt động tối đa giữa các công ty con trong cùng tập đoàn, đảm bảo tính độc lập của các công ty con, đảm bảo sự phân cách giữa các hoạt động của ngân hàng-chứng khoán-bảo hiểm và ngăn ngừa rủi ro lan truyền giữa các công ty con.

Mô hình này phổ biến với các doanh nghiệp của Mỹ, nơi có những quy định chặt chẽ về phạm vi hoạt động của một tập đoàn tài chính, mối quan hệ giữa công ty mẹ với các công ty con và các công ty thành viên, các giới hạn và hạn chế để đảm bảo an toàn và tránh rủi ro chéo, rủi ro lan truyền,… Các tập đoàn tài chính hoạt động theo mô hình này có thể kể đến Citigroup, JPMorgan Chase, Bank of America (Mỹ), HSBC, RBS (Vương quốc Anh), ING (Hà Lan). 

Việt Nam cần một khung pháp lý cho tập đoàn tài chính

Việt Nam hiện vẫn chưa có Luật Tập đoàn mà chỉ có Luật Doanh nghiệp, trong đó chỉ nhắc đến Tập đoàn một cách sơ lược là “nhóm công ty có mối quan hệ với nhau thông qua sở hữu cổ phần, phần vốn góp hoặc liên kết khác.

Tập đoàn kinh tế, tổng công ty có công ty mẹ, công ty con và các công ty thành viên khác với quyền và nghĩa vụ độc lập theo quy định của pháp luật”. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực ngân hàng thì hoạt động theo Luật Tổ chức tín dụng (2010) và cũng không có quy định cụ thể về tập đoàn tài chính ngân hàng…

Có lẽ đã đến lúc Việt Nam cũng cần xây dựng một khung pháp lý chi tiết hơn đối với hoạt động của các tập đoàn tài chính-ngân hàng.

Mô hình nào phù hợp với văn hóa Việt?

Nhiều ngân hàng Việt Nam đã có những đặc điểm cơ bản của tập đoàn tài-chính ngân hàng. Những đặc điểm này thể hiện ở quy mô nguồn vốn, phạm vi hoạt động, khả năng chi phối thị trường, xu hướng mở rộng chức năng từ hoạt động ngân hàng truyền thống sang những lĩnh vực tài chính khác như bảo hiểm, chứng khoán, quản lý quỹ, quản lý nợ và khai thác tài sản, hay phi tài chính như bất động sản.

Hiện tại, chưa có một kết luận cụ thể mô hình nào hoạt động hiệu quả hơn mô hình nào và với đặc trưng văn hóa và phương thức quản lý của các doanh nghiệp Việt Nam, có lẽ mô hình ngân hàng mẹ-công ty con là mô hình phù hợp hơn cả. Bởi mô hình này vẫn tập trung quyền lực nhất định tại các ngân hàng, nhưng cũng đảm bảo mức phân quyền chủ động tương đối và độc lập cho các công ty con.  

Mô hình mới cần phương pháp quản lý mới

Cũng cần lưu ý rằng, việc hình thành các tập đoàn tài chính đòi hỏi phải đổi mới phương pháp và năng lực quản lý, lãnh đạo do quy mô, phạm vi hoạt động và mức độ phức tạp của một tập đoàn sẽ lớn hơn rất nhiều so với hoạt động của một ngân hàng thương mại đơn thuần và kết quả hoạt động của các công ty con có thể sẽ ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của toàn tập đoàn. Do vậy, song song với việc xem xét tổ chức các doanh nghiệp theo mô hình tập đoàn, việc chuẩn bị cán bộ đủ năng lực vào các vị trí “thuyền trưởng” cũng hết sức quan trọng. 

Đàm Nhân Đức,
Giám đốc Nghiên cứu Phát triển  Ngân hàng MB

(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không nhất thiết thể hiện quan điểm của Tòa soạn hay Tổ chức mà người viết đang công tác).
Tin bài liên quan