MHB sẽ được bàn giao nguyên trạng về BIDV, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1

MHB sẽ được bàn giao nguyên trạng về BIDV, tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu 1:1

(ĐTCK) Ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã chính thức xác nhận thông tin MHB sáp nhập vào BIDV theo 2 nguyên tắc.

Trong cuộc trao đổi với giới truyền thông đầu tuần này, ông Trần Bắc Hà cho biết, thông tin chi tiết về việc sáp nhập sẽ được công bố và xin ý kiến cổ đông tại Đại hội đồng cổ đông mà BIDV tổ chức vào ngày 17/4 tới tại TP. HCM.

Theo ông Hà, việc sáp nhập này nằm trong chủ trương tái cấu trúc của Ngân hàng Nhà nước, tuy nhiên sẽ là thương vụ tốt với BIDV.

“Sáp nhập MHB sẽ mang lại nhiều lợi ích cho BIDV và các cổ đông”, ông Hà khẳng định. “MHB có nhiều đặc điểm phù hợp với chiến lược kinh doanh của BIDV, do đó đây không chỉ là phép cộng thêm”

Điểm phù hợp mà ông Hà đề cập đó là MHB không phải là ngân hàng yếu kém, các báo cáo tài chính qua kiểm toán những năm vừa qua cho thấy MHB luôn kinh doanh có lãi, không năm nào lợi nhuận dưới 100 tỷ đồng.

Chiến lược của BIDV là hướng về đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, chú trọng chăn nuôi quy mô lớn và nông nghiệp canh tác trên công nghệ của Israel và Nhật Bản. Đây chính là khu vực mà MHB có kinh nghiệm. Tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long, hệ thống mạng lưới và nhân sự của MHB có sẵn, khi sáp nhập vào BIDV sẽ góp phần giúp BIDV sớm cụ thể hóa chiến lược này.

MHB trước đây phát triển khá mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ, đây cũng là điểm phù hợp với mục tiêu chiến lược của BIDV là đẩy mạnh dịch vụ ngân hàng bán lẻ, lĩnh vực mà Ngân hàng hiện đã có hơn 6,5 triệu khách hàng cá nhân.

Ông Hà cho biết, hiện BIDV đang đàm phán với một số đối tác nước ngoài để lựa chọn cổ đông chiến lược và “có đối tác tiềm năng đặt câu hỏi về thương vụ này khi thị trường xuất hiện thông tin về khả năng sáp nhập”.

“Tôi cũng khẳng định với các đối tác tiềm năng rằng, nếu BIDV nhận sáp nhập MHB thì không ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh của BIDV vì MHB ở quy mô tổng tài sản khoảng 40.000 tỷ đồng là không lớn so với quy mô tổng tài sản gần 700.000 tỷ đồng của BIDV. Việc sáp nhập nếu xảy ra thì chỉ giúp cho BIDV kinh doanh tốt hơn, chứ không xấu hơn”, ông Hà cho biết.

Hiện theo dự kiến, phương án sáp nhập sẽ được thực hiện theo nguyên tắc: tỷ lệ hoán đổi cổ phiếu giữa 2 ngân hàng là 1:1, và bàn giao nguyên trạng.

Tin bài liên quan