Tăng tỷ giá là quyết định chủ động của NHNN

Tăng tỷ giá là quyết định chủ động của NHNN

Lượng hóa nguyên nhân tăng tỷ giá

(ĐTCK) Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa điều chỉnh tăng thêm 1% biên độ tỷ giá. Như vậy, room biên độ điều chỉnh tỷ giá NHNN cam kết trong năm nay là 2% đã hết. Sức ép tăng tỷ giá là có thật, nhưng dường như đến từ các báo cáo phân tích hơn là đến từ thị trường.

Ngày hôm qua, NHNN đã lần thứ hai trong năm 2015 chính thức điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa VND và USD áp dụng cho ngày 7/5 từ mức 21.458 VND/USD lên 21.673 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.890 VND/USD, tỷ giá sàn là 21.456 VND/USD.

Theo NHNN, năm 2015, ngay từ đầu năm trên cơ sở phân tích, dự báo diễn biến kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế, NHNN đã đề ra định hướng điều hành tỷ giá không quá 2% và đã điều chỉnh tăng 1% tỷ giá từ mức 21.246 VND/USD lên 21.458 VND/USD, áp dụng từ ngày 7/1 nhằm chủ động dẫn dắt thị trường, phù hợp với diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ.

NHNN cũng cho biết, sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá, tâm lý thị trường đã được giải tỏa, tỷ giá đã giảm nhanh và ổn định trên mặt bằng mới thấp hơn nhiều so với mặt bằng tỷ giá trước khi điều chỉnh tăng 1%, thanh khoản thị trường tốt, NHNN mua được lượng lớn ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Còn về phía thị trường, nhìn theo diễn biến tỷ giá mà các ngân hàng áp dụng trong hơn tuần đầu sau dịp nghỉ lễ dài vừa qua, có thể thấy, dường như quyết định tăng tỷ giá điều hành của NHNN đã được “dự báo trước”. Các ngân hàng liên tục “đẩy” tỷ giá giao dịch thực tế lên sát trần cho phép.

Bản thân trong thông cáo của NHNN cũng gián tiếp thừa nhận điều này khi cho rằng tỷ giá tăng qua “phân tích cho thấy, chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường”. Và để làm rõ quyết định tăng tỷ giá ngày hôm qua, NHNN cũng khẳng định “tiếp tục thực hiện đồng bộ các biện pháp và công cụ chính sách để tiếp tục ổn định tỷ giá và thị trường ngoại tệ trên mặt bằng giá mới, theo dõi sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành chính sách một cách phù hợp”.

Dù trong bất cứ trường hợp nào thì đều có thể khẳng định tỷ giá USD/VND đã được nâng lên một ngưỡng mới. Ngay sau quyết định của NHNN, trong sáng ngày 7/5, các ngân hàng thương mại đã đồng loạt nâng giá bán USD lên mức 21.730 VND/USD. Dù sau đó, điều chỉnh giảm ở mức 21.700 VND/USD đồng trong chiều cùng ngày, nhưng vẫn tăng khoảng 30 đồng so với giá 21.670 VND/USD so với hôm trước đó. Nhưng điều quan trọng là các ngân hàng đang có một “trần” tỷ giá mới cao hơn cũ (tới 21.890 VND/USD) để có thể điều chỉnh tăng nếu cần thiết trong thời gian tới.

Theo nhận định của một số chuyên gia ngân hàng, việc tăng tỷ giá hết biên độ cam kết 2% của năm nay ngay khi thời gian của năm chưa đi hết một nửa, sẽ khiến NHNN gặp khó khăn trong điều hành tỷ giá những tháng cuối năm. Đặc biệt, trên thị trường quốc tế, áp lực tăng giá của đồng USD vẫn còn rất lớn.

“Sẽ không loại trừ kịch bản tỷ giá VND/USD năm nay có thể tăng vượt cam kết 2%, dù điều này khó diễn ra với cán cân ngoại tệ vẫn đang thặng dư của Việt Nam”, một chuyên gia nhận định.

Ông Huỳnh Bửu Sơn, chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, sức khỏe của đồng USD là nguyên nhân chính tạo sức ép lên tiền đồng. Nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất điều hành sớm hơn so với dự báo là cuối năm nay thì giá của đồng bạc xanh so với các ngoại tệ khác còn tăng tiếp, khi đó áp lực lên tỷ giá VND/USD còn lớn hơn nữa.

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch HĐQT CTCP Kinh doanh và Đầu tư vàng Việt Nam (VGB), ông Trần Thanh Hải cũng cho rằng, xu hướng hồi phục của đồng USD dần rõ nét, đặc biệt khi tình hình kinh tế Mỹ đang diễn biến theo hướng tích cực hơn. Việc Fed tái tăng lãi suất chỉ còn là thời gian, do đó sức ép lên tỷ giá chưa chấm dứt.

Câu hỏi đặt ra là tăng tỷ giá, tác động tiêu cực hay tích cực sẽ lớn hơn?

Theo đánh giá của HSBC, việc NHNN điều chỉnh tỷ giá thêm 1% từ 7/5 là một biện pháp chủ động nhằm giúp thâm hụt thương mại (3,3 tỷ USD từ đầu năm đến nay, con số chưa từng thấy kể từ năm 2011) và kìm hãm suy thoái nhẹ trong cán cân thanh toán của Việt Nam. NHNN đã sử dụng dự trữ ngoại tệ gần đây để đáp ứng nhu cầu USD tăng cao trong nước bắt nguồn từ việc nhập khẩu hàng hoá vốn tăng cao và sự chảy vốn ra ngoài không rõ ràng.

Mặc dù đã có một số lập luận đưa ra, nhưng HSBC không cho rằng, việc làm mất giá tiền đồng ngày 7/5 được NHNN sử dụng để thúc đẩy xuất khẩu đang bị phóng đại quá mức.

Cũng theo ngân hàng này, với chu kỳ tín dụng tốt, lạm phát thấp và lãi suất thực cao hơn, chính sách ngoại hối sẽ trở nên linh động hơn trong khả năng quản lý các thời điểm có nhu cầu USD cao. Mặc dù NHNN đã sử dụng một phần dự trữ ngoại tệ của mình, nhưng vẫn còn ở vị thế tốt trên phương diện ngoại hối hơn so với một số thời điểm trước đây. Điều này đảm bảo thị trường sẽ không chứng kiến cặp tỷ giá USD/VND có sự thay đổi cao quá mức trong một vài tháng tới.

Trên bình diện quốc tế, các diễn biến từ nửa đầu năm lại đây cho thấy, không chỉ các đồng tiền lớn như Yên Nhật hay Euro mất giá mạnh so với USD, mà rất nhiều nước cũng đã chủ động điều chỉnh tỷ giá của mình khi giá đồng USD tăng lên như baht Thái hoặc peso,…

Dù đánh giá việc điều chỉnh tỷ giá của NHNN không gây tác động quá lớn, nhưng theo nhận định được đưa ra trong ngày hôm qua, tỷ giá tăng thì dù ít nhiều cũng sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu, giúp giảm thâm hụt cán cân thương mại. Và trong tình hình thị trường ngoại hối của Việt Nam, chưa thấy dấu hiệu về khả năng có những biến động đột ngột khác về tỷ giá trong thời gian tới.

Tin bài liên quan