Nhiều ngân hàng gia nhập “câu lạc bộ nghìn tỷ”
Nếu như trước đây, “câu lạc bộ nghìn tỷ” lợi nhuận thường thuộc về các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước hoặc ngân hàng thương mại trong top đầu, thì nay xu hướng này đang dần thay đổi khi có nhiều nhà băng quy mô tầm trung gia nhập.
TPBank vừa báo lãi 1.205 tỷ đồng năm 2017, tăng 70,5% so với lợi nhuận năm 2016 và vượt 55,6% so kế hoạch. TPBank đã nộp hồ sơ niêm yết cổ phiếu trên Sở GDCK TP.HCM (HOSE) vào cuối năm 2017, đồng thời có kế hoạch phát hành riêng lẻ cổ phiếu cho các nhà đầu tư cả trong nước và nước ngoài.
Năm 2017, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 2.040 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm 2016. Năm 2018, HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế tăng 65,3% lên 3.921 tỷ đồng; tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 34,99%, qua đó nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 148.510 tỷ đồng…
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, Ngân hàng đã chuẩn bị nền tảng cho giai đoạn 2017-2021 với mục tiêu trở thành ngân hàng bán lẻ hàng đầu, tốc độ tăng trưởng bình quân 25% mỗi năm, tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận 37%/năm, phục vụ số lượng 15 triệu khách hàng vào năm 2021.
So với thời điểm 10 năm trước, tổng tài sản của HDBank hiện đã cao gấp 18 lần. Theo lãnh đạo HDBank, tăng trưởng tổng tài sản 5 năm tới sẽ đạt khoảng 26% mỗi năm, qua đó nâng tổng tài sản lên 20 tỷ USD và ROE đạt 26% vào năm 2021.
LienVietPostBank và OCB cũng sớm vượt chỉ tiêu lợi nhuận cả năm2017 chỉ sau 11 tháng. Theo đó, LienVietPostBank báo lãi trước thuế hơn 1.700 tỷ đồng trong 11 tháng đầu năm 2017, vượt hơn 10% so với kế hoạch đề ra cho cả năm. Với OCB, kết thúc 11 tháng đầu năm 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 960 tỷ đồng, tăng 200% so với năm ngoái.
Lãnh đạo OCB cho biết, lợi nhuận cả năm 2017 ước đạt khoảng 1.000 tỷ đồng trước thuế để lần đầu tiên gia nhập “câu lạc bộ nghìn tỷ”. Một trong những nguyên nhân giúp lợi nhuận tăng mạnh, theo lãnh đạo OCB, là nhờ kiểm soát được chất lượng khoản vay, hạn chế nợ xấu và giảm dự phòng rủi ro.
Ngoài các “tân binh”, góp mặt trong “câu lạc bộ nghìn tỷ” năm 2017 vẫn đầy đủ các “cựu binh” như Vietcombank, Vietinbank, BIDV, ACB, MB, Techcombank… Đáng chú ý, Vietcombank ghi nhận mức lợi nhuận “khủng” dự kiến trên 10.000 tỷ đồng trong năm 2017, tăng 20% so với năm 2016 và vượt 8,7% kế hoạch đặt ra. Đây cũng là con số lợi nhuận cao nhất hệ thống ngân hàng trong năm qua. Theo dự báo của CTCK Sài Gòn (SSI), lợi nhuận Vietcombank sẽ đạt 13.046 tỷ đồng trong năm 2018.
Hứa hẹn cổ tức “khủng”
Nhờ kết quả kinh doanh vượt trội năm 2017, Ban lãnh đạo HDBank dự định sẽ chia cổ tức bằng tiền mặt và cổ phiếu thưởng theo tỷ lệ từ 25-30% cho các cổ đông. Phương án chia cổ tức sẽ được HĐQT HDBank trình Đại hội đồng cổ đông thông qua trong thời gian tới. Mức cổ tức này gần như là mức cổ tức cao nhất trong ngành ngân hàng hiện nay, thể hiện cam kết đem lại giá trị cao nhất cho cổ đông của Ban lãnh đạo HDBank.
Những năm trước đây, trong thời kỳ ngành ngân hàng có nhiều biến động, HDBank thường xuyên duy trì mức trả cổ tức khoảng 10%. Hiện nay, trong bối cảnh thị trường ngân hàng đang phục hồi tích cực và cổ phiếu ngân hàng nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư, mức cổ tức cao được nhìn nhận sẽ là “cú huých” cho cổ phiếu HDBank sau niêm yết ngày 5/1 vừa qua.
Ông Phạm Doãn Sơn, Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng giám đốc LienVietPostBank cho biết, đầu năm 2017, Ngân hàng lên kế hoạch lãi trước thuế khoảng 1.500 tỷ đồng, nhưng đến tháng 11 đã vượt chỉ tiêu năm.
“Vì thế, LienVietPostBank dự kiến tăng tỷ lệ trả cổ tức từ 12% lên 15%. Tính đến 30/11/2017, LienVietPostBank có vốn điều lệ đạt 6.460 tỷ đồng, tổng tài sản gần 154.000 tỷ đồng, tổng huy động vốn hơn 141.000 tỷ đồng, tổng dư nợ trên 98.000 tỷ đồng…, đều tăng mạnh so với đầu năm”, ông Sơn nói.
Trong khi nhóm ngân hàng tầm trung như HDBank, TPBank, LienVietPostBank… đã ghi nhận sự “bùng nổ”, thì ở nhóm ngân hàng lớn như Vietcombank, VietinBank, Techcombank, ACB, VPBank…, việc chi trả cổ tức cũng hứa hẹn có sự đột phá nhờ đạt lợi nhuận cao khi tín dụng cải thiện và nợ xấu dần được đẩy lùi.
Tổng giám đốc một ngân hàng có vốn điều lệ trên 10.000 tỷ đồng cho biết, với chỉ tiêu lợi nhuận trên 2.200 tỷ đồng trước thuế đưa ra cho năm 2017, nhà băng này đã vượt kế hoạch khi chưa kết thúc năm. Vì thế, theo vị lãnh đạo này, HĐQT ngân hàng sẽ quyết mức cổ tức không dưới 10%, nhưng bằng tiền mặt hay cổ phiếu thì chưa thể tiết lộ.
Theo giới quan sát, trong bối cảnh hiện nay, khi giá cổ phiếu “vua” đang ngày một cải thiện, nhiều cổ đông cũng như nhà đầu tư cổ phiếu ngân hàng lại muốn được chia cổ tức bằng cổ phiếu, thay vì “đòi” trả bằng tiền mặt như một vài năm trước đây, thời điểm mà cổ phiếu “vua” còn chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”.
Đánh giá về khả năng tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng trong năm 2018, ông Johan Nyvene, Tổng giám đốc CTCK TP.HCM (HSC) cho rằng, nền kinh tế đang dần hồi phục, hoạt động tín dụng của ngành ngân hàng được cải thiện, nợ xấu dần được xử lý kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 được ban hành… Đây là các yếu tố tác động tích cực lên lợi nhuận ngân hàng trong năm qua, cũng như các năm tới.
“Ngân hàng là một ngành then chốt, trụ cột của nền kinh tế. Kinh tế Việt Nam còn nhiều tiềm lực phát triển, nên cơ hội của ngành ngân hàng là rất rộng mở...”, ông Johan Nyvene nhìn nhận.
Thực tế cũng cho thấy, sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đối với lĩnh vực tài chính- ngân hàng Việt Nam rất lớn, nhất là trong thời gian gần đây, khi hoạt động của ngành này đang tăng trưởng mạnh.
Điều này phần nào được thể hiện qua thương vụ HDBank chào bán hơn 21% cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài vừa qua, lượng đặt mua gấp 3 lần lượng chào bán… Cùng với đó, sức cầu của các nhà đầu tư nước ngoài đối với một số cổ phiếu ngân hàng đang niêm yết trên sàn cũng tăng mạnh thời gian qua.