Các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đồng thời tăng trích lập dự phòng

Các ngân hàng đẩy mạnh xử lý nợ xấu, đồng thời tăng trích lập dự phòng

Lo ngại nợ xấu, ngân hàng "hy sinh" lợi nhuận

(ĐTCK) Trước bối cảnh nợ xấu có diễn biến phức tạp, thay vì để đến quý IV hàng năm mới trích dự phòng rủi ro tín dụng như trước, các ngân hàng đã có kế hoạch trích dự phòng từ các quý đầu năm, nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động, chấp nhận “hy sinh” lợi nhuận.

Theo Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, ước đến cuối tháng 6/2014, tỷ lệ nợ xấu của các ngân hàng thương mại trên địa bàn là 4,84%, tăng nhẹ so với đầu năm, cho dù đã xử lý được 6.600 tỷ đồng nợ xấu. Đáng chú ý là tình hình xử lý nợ xấu của các ngân hàng hiện nay rất khó khăn.

Trao đổi với ĐTCK, ông Võ Tấn Hoàng Văn, Tổng giám đốc SCB cho biết, 6 tháng qua, lợi nhuận của Ngân hàng ước tăng 40 - 50% so với cùng kỳ năm trước, nhưng lợi nhuận thu về chủ yếu để trích dự phòng rủi ro nợ xấu. SCB đã trích lập dự phòng thêm 100 tỷ đồng so với con số 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2013.

Theo ông Văn, SCB đang trong quá trình tái cấu trúc và đẩy mạnh xử lý nợ xấu thông qua giải pháp rà soát các dự án (tài sản đảm bảo) để bán lại cho ngân hàng bạn, hoặc bán các dự án đó cho chủ đầu tư tiếp tục triển khai, hoàn thiện… Tuy nhiên, việc xử lý nợ thu hồi bằng tiền mặt được xem là hạn chế, vì rất khó để phát mãi tài sản đảm bảo trước tình hình hiện nay. Từ nay đến cuối năm, SCB sẽ tiếp tục rà soát để bán nợ xấu cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Tính đến thời điểm hiện tại, SCB đã bán tổng cộng 6.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC.

Tại Vietcombank, thu nợ xử lý dự phòng rủi ro lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 403 tỷ đồng, tăng 3,3 lần so với cùng kỳ năm trước; thu nợ đã bán cho VAMC đạt 434,5 tỷ đồng, bằng 61,65% kế hoạch năm (trong đó 356,5 tỷ đồng được ghi nhận vào doanh thu 6 tháng đầu năm). Tỷ lệ nợ nhóm 2 của Vietcombank ở mức 7,69%, giảm so với cuối năm 2013 (8,27%). Tỷ lệ nợ xấu Vietcombank tại ngày 30/6 ở mức 3,06%. Tỷ lệ quỹ dự phòng rủi ro trên tổng nợ xấu của Ngân hàng duy trì ở mức 90%. Kết quả, 6 tháng đầu năm 2014, lợi nhuận trước dự phòng của Vietcombank đạt 5.178 tỷ đồng, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm trước, nhưng do Ngân hàng trích dự phòng rủi ro 2.400 tỷ đồng nên lợi nhuận sau dự phòng rủi ro là 2.778 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Ông Trần Phương Bình, Tổng giám đốc DongA Bank cho rằng, trong bối cảnh khó khăn chung của thị trường, doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong kinh doanh nên nợ xấu trên hệ thống vẫn tăng. Năm ngoái, DongA Bank trích lập dự phòng rủi ro tín dụng 558,8 tỷ đồng, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận. Cụ thể, tổng lợi nhuận chưa trích lập dự phòng rủi ro tín dụng của DongA Bank trong năm qua là trên 989 tỷ đồng (đã trừ trích dự phòng đầu tư dài hạn 40 tỷ đồng). Lợi nhuận trước thuế sau trích lập dự phòng chỉ còn hơn 430 tỷ đồng, bằng 43% kế hoạch và giảm 44% so với năm 2012. Tính đến cuối năm 2013, tổng quỹ dự phòng rủi ro tín dụng đã trích chưa sử dụng của DongA Bank là trên 931 tỷ đồng.

Tuy nhiên, do nợ xấu của DongA Bank hiện trên 2.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ hơn 3% nên dự phòng rủi ro vẫn ở mức cao. Quý I/2014, DongA Bank trích lập thêm gần 100 tỷ đồng và số dự phòng đã trích cho quý II tương đương mức này. Năm nay, DongA Bank đặt ra chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 500 tỷ đồng, huy động vốn tăng 20%, dư nợ cho vay tăng 12%, nợ xấu được kiểm soát ở mức dưới 3%.

Lãnh đạo ACB chia sẻ, Ngân hàng đã bán được 423 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, thu về 318 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt do VAMC phát hành. Trong quý I/2014, ACB bán thêm 80 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC, đồng thời tăng cường trích lập dự phòng nên lợi nhuận trước thuế đạt được trong quý I chỉ có 303 tỷ đồng (kế hoạch cả năm là hơn 1.100 tỷ đồng).

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, trước tình hình hiện nay, ngân hàng không dám mạnh tay đẩy vốn ra thị trường, vì khẩu vị rủi ro của khách hàng gia tăng nên tăng trưởng tín dụng phải kiểm soát được rủi ro chất lượng khoản vay.

“Chẳng thà thẩm định nhầm không cho vay ra được còn hơn là cho vay nhầm, rủi ro sẽ lớn”, vị lãnh đạo trên nói.

Theo TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước, hoạt động ngân hàng thương mại vẫn chịu ảnh hưởng từ nợ xấu, nợ quá hạn, đặc biệt là nợ quá hạn trong lĩnh vực bất động sản và doanh nghiệp nhà nước. Hướng mua lại nợ xấu của các ngân hàng mà VAMC đang triển khai được xem là một biện pháp hữu hiệu, nhưng hiện chưa làm giảm được nợ quá hạn cũng như chưa giải quyết triệt để nợ xấu sau khi bán, mà mới chỉ kéo giãn nợ. Điều này ảnh hưởng đến nguồn thu của các ngân hàng. Trong khi đó, Thông tư 02 và 09 của Ngân hàng Nhà nước đang buộc các ngân hàng thương mại phải trích lập dự phòng lớn hơn so với trước đây.

Tin bài liên quan