Tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản là hình thức cấp tín dụng an toàn, đơn giản

Tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản là hình thức cấp tín dụng an toàn, đơn giản

Lấp khoảng trống vay vốn bằng động sản, cách nào?

(ĐTCK) Quy mô nhỏ bé của hoạt động tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản ở Việt Nam là điều dễ hiểu, bởi những tranh chấp điển hình thời gian qua đã phần nào bộc lộ những tồn tại, vướng mắc trong lĩnh vực này... 

Cuối tuần trước tại Hà Nội, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) phối hợp với Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã tổ chức hội thảo xung quanh vấn đề này, qua đó thu nhận những khuyến nghị, giải pháp từ nhiều góc độ của các chuyên gia.

Khoảng trống chưa được khai thác

Ở góc độ pháp luật, ông Hồ Quang Huy, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xử lý vi phạm hành chính và theo dõi thi hành pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết, cho vay có bảo đảm bằng động sản tại Việt Nam đã được quy định theo pháp luật tại Bộ Luật Dân sự năm 2005, với Nghị định số 163/2006/NĐ-CP, Nghị định số 83/2010/NĐ-CP, Nghị định số 11/2012/NĐ-CP và các văn bản hướng dẫn khác.

“Nhìn chung, các nghị định và văn bản hướng dẫn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên; tạo điều kiện để nhận bảo đảm bằng động sản; phù hợp với một số tập quán quốc tế trong việc nhận bảo đảm bằng động sản và đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản”, ông Quang Huy nhận định.

Tuy nhiên, theo dữ liệu điều tra DN của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, 73% tài sản được bên cho vay nhận làm tài sản bảo đảm là đất đai/bất động sản, chỉ có 27% là động sản. Trong khi đó, ở các nền kinh tế phát triển, 2/3 các khoản vay có bảo đảm bằng động sản và phần còn lại là các khoản vay có bảo đảm bằng bất động sản. Những lợi ích cho ngân hàng/bên tài trợ vốn khi nhận tài sản đảm bảo là động sản rất lớn, nên không phải ngẫu nhiên ở các nền kinh tế phát triển, cho vay có bảo đảm bằng động sản lại được đẩy mạnh hơn bất động sản.

Ông Simon Thompson, chuyên gia về tài trợ vốn có bảo đảm là động sản của IFC cho biết, tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản là hình thức cấp tín dụng an toàn và đơn giản, tỷ lệ không trả nợ thấp hơn nếu biết cách điều hành khoản vay. Điều này được thực hiện dựa trên các thông tin tài chính cập nhật nhất, chứ không phải các thông tin về các khoản thu cũ, tăng sự kiểm soát đối với các khách hàng có vấn đề và lợi nhuận thu về cao đủ bù đắp rủi ro.

“Tài trợ vốn giúp SME (khối DN vừa và nhỏ) tăng trưởng, đây chính là động cơ thúc đẩy sự phát triển của hầu hết các nền kinh tế, do vậy được Chính phủ khuyến khích mạnh mẽ nhằm tăng nguồn cung vốn cho SME”, ông Simon Thompson nói.

Nhận định tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản đã xuất hiện ở Việt Nam, nhưng ông Jinchang Lai, chuyên gia cao cấp, Trưởng nhóm Cơ sở hạ tầng tài chính, khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, Chương trình thị trường và tài chính Nhóm Ngân hàng thế giới đặt vấn đề, làm thế nào để lĩnh vực này phát triển thành một thị trường rộng lớn hơn và năng động hơn? Cần hiểu rõ triết lý và cách thức thực hiện, nắm vững các cơ chế tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản, giúp khắc phục những khó khăn cơ bản của bên cho vay trên thị trường tín dụng như thế nào? Các tổ chức cho vay cần phải làm cho các khái niệm về tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản được tiếp thu và thấm nhuần ngay trong nội bộ tổ chức ra sao?... 

Những hạn chế cần khắc phục

Từ các tranh chấp điển hình thời gian qua, chẳng hạn vụ 5 ngân hàng “giành nhau” kho hàng rỗng là tài sản thế chấp kho cá phile đông lạnh ở Khu Công nghiệp Trà Nóc, thành phố Cần Thơ, hay 7 ngân hàng tranh chấp một kho cà phê của Công ty Trường Ngân, tỉnh Bình Dương, ông Huy cho rằng, cần xác định đúng bản chất của hàng hóa luân chuyển; tra cứu thông tin trước khi ký kết hợp đồng; cách thức kiểm soát hồ sơ vay vốn và hàng hóa; trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp…

Đối với ông Simon Thompson, những hạn chế vẫn còn tồn tại trong lĩnh vực này phải khắc phục đó là, cần nhiều nhân lực hơn để xác lập và điều hành các giao dịch, đòi hỏi xây dựng thêm các hệ thống bổ trợ và có thể cần đến phần mềm. Đòi hỏi các tiêu chí đánh giá rủi ro khác với truyền thống, mô hình dựa trên giá trị tài sản bảo đảm. Tiềm ẩn khả năng gian lận nếu các quy định không được tuân thủ và khoản vay không được quản lý chặt chẽ. Đòi hỏi khách hàng (bên đi vay) phải công khai sổ sách kế toán nhiều hơn (điều này sẽ giúp họ tiếp cận tín dụng được nhiều hơn). Sản phẩm mới đòi hỏi phải giải thích, hướng dẫn thực hiện.

“Cố gắng thiết lập sự liên kết giữa các chuỗi giá trị hoặc nhóm kinh doanh; có thể có một hay nhiều công cụ điện tử. Cố gắng cung cấp các dịch vụ phi tín dụng để tận dụng giá trị của chuỗi giá trị/nhóm liên kết kinh doanh. Nên nhớ rằng, điều khách hàng cần là giải pháp thiết thực”, ông Jinchang Lai nói.

Nhấn mạnh thêm về sự cần thiết khắc phục những hạn chế trong lĩnh vực này, ông Simon Thompson chia sẻ nhận định của một cán bộ ngân hàng nước ngoài, người trực tiếp thực hiện giao dịch cho vay vốn có tài sản bảo đảm là động sản: “Doanh nghiệp có giá trị hơn đất đai và nhà cửa. Dòng vốn (dữ liệu giao dịch) có độ tin cậy cao hơn các báo cáo tài chính… Trong lĩnh vực này, các khoản vay không phải được hoàn trả từ lợi nhuận mà được hoàn trả bằng số tiền phát sinh từ chu kỳ kinh doanh. Hơn nữa, khi có đủ nguồn vốn cung cấp, chu kỳ kinh doanh có thể sẽ ngày càng mở rộng hơn nữa”. 

Để hòa vào dòng chảy chung…

Ông Jinchang Lai gợi ý, cần tập trung tìm cách để toàn bộ cơ chế tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản có thể vận hành được, chứ không tìm kiếm phép màu cho một vấn đề cụ thể đã gặp phải trong quá khứ. Bên cạnh đó, cố gắng tận dụng sản phẩm tài trợ vốn có bảo đảm bằng động sản để cung cấp các dịch vụ phi tín dụng và học cách hợp tác với các bên thứ ba cung cấp dịch vụ. Chuyển dần hoạt động kinh doanh sang các chuỗi giá trị và nhóm liên kết; phát triển hoặc sử dụng các công cụ tài trợ vốn điện tử. Song song với đó là phát triển nguồn nhân lực, chính sách nội bộ, các quy trình và hệ thống cần thiết…

Còn ông Quang Huy khuyến nghị, cần tiếp tục hoàn thiện quy định pháp luật hơn nữa, như Bộ Luật dân sự và các văn bản khác có liên quan, để khắc phục những vấn đề còn tồn tại, đặc biệt đưa ra các quy định phù hợp để: Thứ nhất, có các giải pháp nhằm bảo vệ tốt hơn quyền của chủ nợ có bảo đảm; Thứ hai, giải quyết mối quan hệ giữa chủ nợ có bảo đảm với các bên khác có liên quan; Thứ ba, chú ý nhiều hơn đến các loại động sản (tài sản hữu hình, bán hữu hình và vô hình); Thứ tư, quy định về quyền tiếp cận tài sản bảo đảm nhanh chóng, đúng pháp luật.

“Tiếp tục hoàn thiện hệ thống đăng ký giao dịch bảo đảm bằng động sản, song song với các biện pháp nhằm nâng cao nhận thức về pháp luật giao dịch bảo đảm và nghiệp vụ cho vay”, ông Quang Huy nói.

Ông Simon Thompson nhấn mạnh: “Cải cách về giao dịch bảo đảm đang tiếp diễn và cuộc cải cách đó sẽ làm tăng khả năng tiếp cận tín dụng của SME. Ngân hàng cần lựa chọn các sản phẩm phù hợp với khẩu vị rủi ro của họ và đáp ứng được nhu cầu của khách hàng. Điều này đòi hỏi các quy trình giám sát khoản vay có tầm quan trọng không kém quy trình xét duyệt cho vay, bên cạnh việc đưa ra các hạn mức linh hoạt. Nhưng, đó là những việc cần phải làm để hòa vào dòng chảy chung”. 

Tin bài liên quan