Lãnh đạo các ngân hàng và chuyên gia nói gì về quyết định tăng tỷ giá?

Lãnh đạo các ngân hàng và chuyên gia nói gì về quyết định tăng tỷ giá?

(ĐTCK) Sáng ngày 7/5, Ngân hàng Nhà nước đã có quyết định tăng tỷ giá tỷ USD thêm 1%, lên 21.673 đồng/USD. Lãnh đạo các ngân hàng thương mại, các chuyên gia kinh tế đánh giá thế nào về quyết định bất ngờ này của Ngân hàng Nhà nước?

Bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước

Lãnh đạo các ngân hàng và chuyên gia nói gì về quyết định tăng tỷ giá? ảnh 1

Về thời điểm thì Ngân hàng Nhà nước đã cân nhắc hết sức kỹ lưỡng và thấy rằng đây là thời điểm phù hợp để chủ động điều chỉnh tăng tỷ giá và việc điều chỉnh tỷ giá tăng 1% lần này là để chủ động đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Đảng, Quốc hội và Chính phủ đã giao phó, cũng như để ứng phó với những tác động bất lợi của diễn biến trên thị trường tài chính quốc tế.

Trong thời gian qua, tại thị trường trong nước, tỷ giá có diễn biến tăng. Qua theo sát diễn biến của thị trường và qua phân tích, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, tỷ giá tăng chủ yếu do yếu tố tâm lý và kỳ vọng của thị trường. Tuy nhiên, diễn biến tỷ giá vẫn nằm trong biên độ quy định của Ngân hàng Nhà nước và các nhu cầu hợp pháp của các tổ chức và cá nhân đều được các tổ chức tín dụng đáp ứng kịp thời.

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước thông báo điều chỉnh tăng 1% tỷ giá, tỷ giá trên thị trường cũng đã có những diễn biến giảm dần. Đến 2h chiều 7/5, tỷ giá giảm về mức 21.660 - 21.670 và tất cả các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp  của tổ chức và cá nhân đều được các tổ chức tín dụng đáp ứng đầy đủ và kịp thời. Tổng giá trị giao dịch từ sáng đến 2h chiều 7/5 vào khoảng 700 triệu USD. Đây là mức giao dịch rất bình thường của thị trường trong thời gian vừa qua.

Ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc VietinBank

Điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước lần này là thích hợp trong quá trình thực hiện điều hành chính sách tiền tệ. Đối với VietinBank, chúng tôi cũng phân tích, dự báo tình hình thị trường, cũng như căn cứ vào bối cảnh kinh tế vĩ mô trong quá trình quan hệ giao dịch với khách hàng, chúng tôi thấy rằng, việc điều chỉnh tỷ giá cũng là một yêu cầu cần thiết để giúp cho tính thanh khoản của thị trường tốt hơn và cũng để khơi thông tâm lý, giải tỏa kỳ vọng của thị trường.

Trên thực tế, cuối tháng 4, đầu tháng 5 cũng có dấu hiệu cho thấy tỷ giá có thể tăng kể cả trên thị trường liên ngân hàng và tỷ giá giao dịch giữa ngân hàng với doanh nghiệp đều nhích lên, tiệm cận với mức trần quy định của Ngân hàng Nhà nước. Chúng tôi thấy rằng, với các yếu tố kinh tế vĩ mô hiện nay, đặc biệt là cán cân thanh toán, cán cân thương mại, chúng ta hoàn toàn có thể chủ động về ngoại tệ.

Đầu giờ sáng ngày 7/5, sau khi có quyết định điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước, tỷ giá giao dịch trên thị trường liên ngân hàng vào khoảng 21.700-21.715 VND/USD (mua vào - bán ra). Sau đó, vào cuối giờ trưa đã giảm xuống còn 21.670 VND/USD (mua vào); đến đầu giờ chiều cũng chỉ ở mức 21.670-21.680 VND/USD. Chúng tôi cho rằng, tỷ giá đang quay trở lại trạng thái giao dịch bình thường như trước thời điểm điều chỉnh.

Ông Phạm Thanh Hà, Phó tổng giám đốc Vietcombank

Trên thị trường ngoại tệ, ngay từ buổi sáng khi Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá, thị trường đã có diễn biến rất tích cực về mặt thanh khoản. Tỷ giá đầu giờ sáng có tăng nhẹ nhưng đến đầu giờ chiều đã giảm xuống, dừng ở mức 21.670-21.680 VND/USD, ngang với mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng do Ngân hàng Nhà nước công bố.

Tại Vietcombank, giao dịch có tăng nhưng không nhiều, vẫn ổn định so với các ngày hôm trước. Hiện tại, trên cả thị trường liên ngân hàng và thị trường mua bán với khách hàng, chúng tôi đều mua ròng.

Tâm lý thị trường đã được giải tỏa và cung ngoại tệ đã tăng rõ rệt, thanh khoản của cả thị trường liên ngân hàng và thị trường giao dịch của các ngân hàng với khách hàng đều tăng. Điều này cho thấy, điều chỉnh tỷ giá là một quyết định hợp lý và kịp thời của Ngân hàng Nhà nước, giúp ngân hàng và doanh nghiệp có được sự chủ động trong việc lập kế hoạch kinh doanh trong thời gian tới.

Với mức điều chỉnh này, tôi tin tưởng tính thanh khoản của thị trường sẽ tốt hơn, cả tỷ giá và thị trường ngoại tệ sẽ ổn định trong thời gian dài.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế

Điều chỉnh tỷ giá thể hiện tính chủ động của Ngân hàng Nhà nước. Chủ động ở đây thể hiện đã đáp ứng phần nào tâm lý kỳ vọng của thị trường. Nó cũng khá phù hợp về mặt thời điểm. Thời điểm ở đây: quan hệ cung - cầu ổn định qua số liệu phân tích cụ thể. Tuy nhiên, cầu này cũng nhích hơn trong những ngày vừa qua do việc một số ngân hàng chốt trạng thái ngoại tệ do nhập siêu 4 tháng đầu năm đâu đó khoảng 3 tỷ USD, cộng với yếu tố khách quan bên ngoài như đồng USD tiếp tục tăng giá so với các đồng ngoại tệ: từ đầu năm đến giờ chỉ số USD tăng 5%, tăng 2% so với yên Nhật và tăng 6-7% so với EUR.

Về thời điểm, trong 4 tháng vừa qua, lạm phát khá thấp, nên áp lực lên vấn đề lạm phát không quá lớn. Điều này cũng sẽ góp phần hỗ trợ xuất khẩu. Xuất khẩu của chúng ta đang tăng ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn so với nhập khẩu. Tất nhiên, sẽ có tác động 1 phần vào các nhân tố khác. Điều chỉnh bây giờ tạo cho doanh nghiệp thế chủ động lập kế hoạch kinh doanh từ nay đến cuối năm, đặc biệt là 6 tháng cuối năm.

Sau điều chỉnh, tôi dự đoán thị trường sẽ ổn định hơn và lại tạo ra một mặt bằng giá mới, đặc biệt, tâm lý kỳ vọng thị trường được giải tỏa.

TS. Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế

Quyết định tăng tỷ giá thêm 1% vẫn nằm trong kế hoạch, dự tính trước của Ngân hàng Nhà nước về tỷ giá hối đoái 2015, vẫn chưa vượt ra ngoài. Đây là một biện pháp điều hành của Ngân hàng Nhà nước trước áp lực tỷ giá hối đoái trên cả thị trường chính thức và thị trường phi chính thức diễn ra từ đầu 2015 đến nay. Thời điểm mang tính chu kỳ, các năm trước, điều chỉnh tỷ giá thường rơi vào giữa năm và bây giờ là tháng 5, cũng là thời điểm không quá bất ngờ.

Theo tôi, điều chỉnh tỷ giá lần này của Ngân hàng Nhà nước sẽ tác động đến kinh tế vĩ mô:

Thứ nhất, do độ mở của kinh tế Việt Nam, đặc biệt quy mô nhập khẩu chiếm tỷ trọng lớn và từ đầu năm đến nay, tốc độ nhập khẩu cao hơn so với xuất khẩu. Tuy nhiên, với mức điều chỉnh 1%, nên sẽ không tác động quá mạnh đến lạm phát.

Thứ hai là tác động tới lạm phát, thông thường khi tỷ giá tăng sẽ có khiến lạm phát tăng, nhưng trong thực tế lần điều chỉnh tăng 1% hồi đầu năm cho thấy, lạm phát đến tháng 4 chỉ tăng bình quân 0,8%, còn nếu so với cuối năm 2014 vừa qua thì gần như không tăng (chỉ khoảng 0,01%). Như vậy, gần như nó không có tác động quá lớn đến lạm phát. Do đó có thể nói, điều chỉnh tỷ giá lần này tác động là có, nhưng không quá lớn và khả năng chúng ta vẫn duy trì được lạm phát thấp hơn nhiều so với mục tiêu ra cho cả năm.

Tin bài liên quan