Eximbank cũng tăng tới 0,4%/năm với lãi suất tiết kiệm

Eximbank cũng tăng tới 0,4%/năm với lãi suất tiết kiệm

Lạm phát thấp, ngân hàng vẫn khó hạ lãi suất

(ĐTCK) Dù lạm phát được duy trì ở mức thấp trong thời gian dài, nhưng lãi suất huy động của ngành ngân hàng được dự báo khó có cơ hội giảm tiếp.

Khó hạ vì sức ép tỷ giá…

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5/2015 tăng 0,16% so với tháng trước và tăng 0,95% so với cùng kỳ năm 2014. Lạm phát cơ bản so với cùng kỳ là 2,41%. Đây là tháng có mức tăng CPI cao nhất kể từ đầu năm 2015 đến nay, nhưng vẫn thấp hơn so với mức tăng theo tháng cùng kỳ năm 2014 (tăng 0,2%). Thông thường, lạm phát thấp sẽ là cơ sở để điều chỉnh giảm lãi suất huy động, nhưng diễn biến lãi suất huy động thời điểm này lại không theo thông lệ đó.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định, lạm phát ổn định nhưng ngành ngân hàng khó hạ lãi suất huy động, do chịu sức ép tỷ giá.

“Với 5 tháng nhập siêu gần 3 tỷ USD, đồng thời, tiền gửi ngoại tệ của khách hàng giảm 4,9% tính đến 31/3/2013, trong khi đó, lãi suất USD qua đêm liên ngân hàng tăng mạnh, dao động quanh 0,4 - 0,8%/năm, cao hơn mức 0,25% hồi đầu năm cho thấy áp lực đối với tỷ giá vẫn rất lớn”, vị tổng giám đốc trên nói.

Đánh giá về rủi ro trên thị trường ngoại hối, Trinh Nguyễn, chuyên gia kinh tế HSBC cho rằng: “Nguồn dự trữ ngoại hối của Việt Nam dù tăng cao, nhưng vẫn còn thấp hơn so với tiêu chuẩn quốc tế, đòi hỏi ít nhất ba tháng nhập khẩu để được xem là nguồn dự trữ đủ. Nếu như Chính phủ sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ để bù đắp cho những thiếu hụt vốn tài trợ, thanh khoản có thể trở thành một vấn đề đặc biệt trong thời điểm NHNN cần sử dụng nguồn dự trữ của mình để ổn định tiền đồng”.

“Lãi suất trên thị trường liên ngân hàng đã nhích lên những ngày đầu tháng 6. Bên cạnh đó, dù thị trường ngoại hối đã ổn định trên mặt bằng giá mới, nhưng người dân vẫn kỳ vọng tỷ giá tiếp tục được điều chỉnh nên đã có sự chuyển dịch từ nắm giữ VND sang USD. Do vậy, các ngân hàng không dám hạ lãi suất huy động để giữ chân khách hàng”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

… và nhu cầu vốn tăng cao

Báo cáo tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2015 của Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia (UBGS) nhận định, lãi suất đang chịu sức ép do huy động của hệ thống ngân hàng tăng chậm hơn cho vay. Theo UBGS, tính đến 31/3/2015, tổng vốn huy động toàn hệ thống ngân hàng đạt 4.557 nghìn tỷ đồng, tăng 0,98% so với đầu năm; trong khi đó, tổng tín dụng đạt 3.826 nghìn tỷ đồng, tăng 1,7% so với đầu năm.

Tăng trưởng huy động thấp trong khi tăng trưởng tín dụng khá đã làm tỷ lệ cho vay/huy động tăng nhẹ lên 84%, cao hơn mức 83% cuối năm 2014. Đáng chú ý, tỷ lệ cho vay/huy động ngoại tệ là 87%, cao hơn hẳn mức 83,4% cuối năm 2014, nguyên nhân là do huy động tiền gửi ngoại tệ giảm 4,94% so với cuối năm 2014.

Tìm hiểu của ĐTCK, tăng trưởng tín dụng của các ngân hàng trong 5 tháng vừa qua khá tốt so với cùng kỳ các năm trước, đạt xấp xỉ 5%. Lãi suất liên ngân hàng vẫn tăng chứng tỏ các ngân hàng đang cần vốn. Đặc biệt, việc tăng lãi suất huy động không chỉ diễn ra tại các ngân hàng nhỏ luôn được nhìn nhận “đói vốn” thường xuyên, mà ở cả những ngân hàng có quy mô trung bình và lớn, vốn có lợi thế trong huy động tiền gửi.

Dưới góc nhìn của TS. Hiếu, việc các ngân hàng tăng lãi suất huy động nhằm hút vốn phục vụ cho nhu cầu vốn trong nền kinh tế đang tăng cao, khi TTCK, thị trường bất động sản khởi sắc trở lại. Từ giữa tháng 5 đến nay đã khởi sắc hơn, thị trường bất động sản bắt đầu sôi động hơn. Khảo sát của Savills Việt Nam cho biết, chỉ số giá nhà ở tại Hà Nội quý I/2015 tăng 5,5 điểm theo quý và 11,5 điểm theo năm. Cùng với đó, tỷ lệ hàng tồn kho giảm mạnh 5 điểm phần trăm theo quý và 34 điểm phần trăm theo năm do hoạt động tốt của toàn thị trường vẫn được duy trì. 

Rục rịch tăng lãi suất huy động

Không những không hạ, mà các ngân hàng đang rục rịch tăng lãi suất huy động. Chẳng hạn, từ ngày 2/6, Sở Giao dịch Agribank áp dụng biểu lãi suất mới đối với tiền gửi bằng VND các kỳ hạn dài, cao nhất đến 6,8%/năm. Theo đó, lãi suất huy động áp dụng với tiền gửi tiết kiệm cá nhân bằng VND kỳ hạn 18 tháng là 6,5%/năm (thay cho 6,2%/năm); kỳ hạn 24 tháng là 6,8%/năm (thay cho 6,3%/năm).

Trước đó, ACB cũng điều chỉnh lãi suất tiền gửi tiết kiệm có kỳ hạn từ 6 - 36 tháng thêm 0,2%/năm. Hiện mức lãi suất huy động cao nhất tại ACB là 6,7%/năm khi khách gửi 36 tháng, các kỳ hạn 12, 24 tháng lần lượt là 6,2%/năm và 6,5%/năm.

Eximbank cũng tăng tới 0,4%/năm với lãi suất tiết kiệm. Lãi suất tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng ở mức 6,2%/năm; tăng nhẹ ở kỳ hạn 6 tháng hiện ở mức 5,4%/năm; 6,7%/năm, 6,6%/năm dành cho các kỳ hạn 24 tháng, 18 tháng.

Báo cáo của UBGS cũng nhận định, lãi suất huy động của các ngân hàng có xu hướng tăng, kể từ tháng 3/2015 đã gây khó khăn cho huy động trái phiếu chính phủ (TPCP). Lũy kế từ đầu năm, tỷ lệ trúng thầu/gọi thầu TPCP đạt 64,5%/năm và chỉ đạt 31,7% kế hoạch phát hành TPCP của cả năm. 

Ông Đinh Đức Quang, Phó tổng giám đốc OCB chia sẻ: “Cuối năm ngoái và đầu năm nay, một số ngân hàng đẩy lãi suất huy động xuống sâu nên mức lãi suất hiện tại có tăng một chút cũng là phù hợp với mặt bằng chung. Hiện thanh khoản tiền đồng thực tế vẫn khá dồi dào, lãi suất đang tương đối ổn định ở mức phù hợp để ngân hàng có thể cân nhắc lợi ích hài hòa giữa người gửi tiền tiết kiệm và người đi vay”.

“Lãi suất chính sách trên thị trường mở được kỳ vọng sẽ giữ nguyên trong năm 2015 ở mức 5%/năm”, Trinh Nguyễn nhận định.

Tin bài liên quan