Trong khi đó, không ít người cũng chưa muốn “buông” ngoại tệ, dù tín dụng ngoại tệ tiếp tục giảm và tỷ giá có dấu hiệu hạ nhiệt.
Phó tổng giám đốc một ngân hàng cho biết, mặc dù lãi suất tiết kiệm ngoại tệ bằng 0%/năm, song vẫn có khách hàng gửi tiết kiệm USD. Theo vị này, sở dĩ một số người chưa muốn chuyển đổi ngoại tệ sang tiền đồng để gửi tiết kiệm hưởng lãi suất cao là do kỳ vọng tỷ giá còn nhích lên trong thời gian tới và chờ đợi động thái tăng lãi suất tiếp theo của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), sau khi cơ quan này tăng lên 0,25%/năm với lãi suất cơ bản đối với đồng đô-la Mỹ vào cuối năm 2015.
Để khuyến khích huy động nguồn tiết kiệm USD, trong những tháng trước và sau Tết Nguyên đán, không ít nhà băng đã đưa ra chương trình khuyến mãi, quà tặng, thậm chí còn “đi đêm” lãi suất huy động USD.
Thực tế, theo số liệu của Cục thống kê TP. HCM, huy động vốn của các ngân hàng trên địa bàn Thành phố đến đầu tháng 1/2016 đạt 1.567,1 nghìn tỷ đồng, tăng 3,3% so với tháng trước đó và tăng 16,6% so với tháng cùng kỳ năm trước. Trong đó, vốn huy động bằng ngoại tệ chiếm 15,5%, tăng 14,8% so với tháng cùng kỳ. Riêng vốn huy động bằng VND chiếm 84,5% tổng vốn huy động, tăng 17% so với tháng cùng kỳ 2015.
Dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế của các NHTM trên địa bàn TP. HCM đến đầu tháng 1/2016 đạt 1.232,5 nghìn tỷ đồng, tăng 3,8% so với tháng trước. Trong đó, dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 137,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,2% tổng dư nợ, giảm 16,2% so với cùng kỳ.
Dư nợ bằng VND đạt 1.097,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 88,8% tổng dư nợ tín dụng, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm trước. Để khuyến khích huy động nguồn tiết kiệm USD, trong những tháng trước và sau Tết Nguyên đán, không ít nhà băng đã đưa ra chương trình khuyến mãi, quà tặng, thậm chí còn “đi đêm” lãi suất huy động USD.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN TP.HCM, có thể trước mắt huy động vốn bằng ngoại tệ chưa giảm, song khả năng trong thời gian tới sẽ giảm mạnh, khi lãi suất tiết kiệm VND sẽ tăng cao hơn hẳn so với gửi USD.
Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho hay, thời gian qua, định hướng nhất quán của NHNN là chống USD hóa, nghĩa là chuyển từ quan hệ vay-gửi ngoại tệ sang quan hệ mua-bán, nhằm nâng cao vị thế của đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, NHNN cũng không khuyến khích cho vay ngoại tệ và từng bước kiểm soát chặt chẽ hơn đối với nhu cầu vốn vay bằng ngoại tệ.
Theo NHNN, với việc triển khai quyết liệt các giải pháp, tình trạng đô-la hóa trong nền kinh tế tiếp tục giảm, tỷ giá và thị trường ngoại hối giữ ổn định, lòng tin vào đồng Việt nam được củng cố. Khi thị trường tài chính tiền tệ thực sự phát triển, NHNN sẽ xem xét cân nhắc có các biện pháp hạn chế huy động ngoại tệ vào hệ thống ngân hàng.
Tuy nhiên, do tỷ giá vẫn chưa hết áp lực khi các nhận định đưa ra khả năng sẽ tiếp tục điều chỉnh trong năm 2016, nên không ít người vẫn muốn nắm giữ USD. Áp lực lên tỷ giá VND/USD trong ngắn hạn được kỳ vọng giảm khi USD đang có dấu hiệu giảm giá và Fed nhiều khả năng sẽ thay đổi lộ trình tăng lãi suất. Nhận định đưa ra từ các lãnh đạo ngân hàng cũng như chuyên gia tài chính, áp lực đối với tỷ giá trong năm 2016 là chưa hết, thậm chí còn cao hơn so với năm 2015.
Ông Trần Thanh Hải, Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư và kinh doanh vàng cho biết, việc điều chỉnh tăng lãi suất vừa qua của Fed đã phần nào gây áp lực lên tỷ giá, nhưng nếu trong thời gian tới cơ quan này tiếp tục tăng dần thì khả năng tỷ giá khó có thể đứng yên trong năm 2016.
Theo ông Hải, tỷ giá trong nước hiện nay vẫn được kiểm soát và NHNN cũng vừa vận hành cơ chế tỷ giá mới nên khó có thể biến đột biến trong thời gian tới, song điều đó không có nghĩa là những người đang nắm giữ ngoại tệ hiện nay sẽ chuyển hết sang tiền đồng gửi tiết kiệm, hưởng lãi suất cao.
Năm 2016, Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với áp lực đến từ tỷ giá. Hai tháng đầu năm, tỷ giá có những diễn biến tương đối ổn định, nhưng áp lực vẫn đè lên tỷ giá trong những tháng tới. Các chuyên gia đưa ra nhận định, nếu Fed tăng tiếp lãi suất sẽ làm cho sức khỏe “đồng bạc xanh” được gia tăng thì tỷ giá tiền đồng khó có thể đứng yên.
Chuyên gia tài chính-ngân hàng, TS. Đinh Thế Hiển cho rằng, nếu trong thời gian tới tình hình kinh tế Mỹ khởi sắc trở lại, khả năng Fed sẽ tiếp tục điều chỉnh lãi suất tăng cao hơn mức 0,25%/năm hiện nay. Fed tăng lãi suất, tỷ giá trong nước sẽ chịu áp lực lớn, vì khi giá trị của đồng USD tăng thì đồng VND cũng tự tăng giá trị khi VND được neo theo USD.
Tuy nhiên, cũng theo các chuyên gia, NHNN nên kiên trì với quyết định của mình, tức là nhất quyết không thay đổi tỷ giá từ nay đến quý I/2016 và có thể là sau đó. NHNN có đủ khả năng và công cụ để duy trì cam kết này.