Lại tính bán ngân hàng nội cho nhà đầu tư ngoại, giá bao nhiêu là phù hợp?

Để nhà đầu tư nước ngoài yên tâm rót vốn vào ngân hàng Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước cần tách riêng tài sản tốt, tài sản xấu để chào bán.

Tham vọng hút vốn ngoại để tái cơ cấu ngân hàng

Phát biểu tại phiên họp của Đại hội đồng và Hội nghị lần thứ 33 của Hiệp hội Ngân hàng châu Á (ABA) diễn ra cuối tuần qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Lê Minh Hưng khẳng định: “Trong thời gian tới, ngành ngân hàng Việt Nam sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách, hội nhập với hệ thống tài chính khu vực và quốc tế, đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài tham gia thị trường. Tôi mong muốn các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực hơn nữa vào quá trình tái cơ cấu cùng các ngân hàng trong nước”.

Đây không phải là lần đầu tiên, lãnh đạo NHNN bày tỏ sẵn sàng đón nhận sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài vào tái cơ cấu hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Lại tính bán ngân hàng nội cho nhà đầu tư ngoại, giá bao nhiêu là phù hợp? ảnh 1

Dối với việc mua lại ngân hàng yếu kém, nhà đầu tư nước ngoài đang gặp 2 vướng mắc: giá quá cao và chỉ được mua cổ phần hạn chĐ 

Thời gian qua, dù việc ngân hàng nước ngoài mua ngân hàng yếu kém của Việt Nam còn hạn chế, song trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế khẳng định: “Theo thông tin tôi biết, hiện vẫn có rất nhiều nhà đầu tư muốn mua. Tuy nhiên, cái họ đang trông đợi là cơ chế, thủ tục nhanh gọn và giá cả thỏa đáng. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngân hàng nước ngoài có thể thâm nhập thị trường Việt Nam dễ dàng hơn, song để có một mạng lưới sâu rộng như ngân hàng trong nước là rất khó. Vì vậy, nếu phải bỏ ra 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước, họ vẫn sẵn sàng”.

Theo TS. Nghĩa, đối với việc mua lại ngân hàng yếu kém, nhà đầu tư nước ngoài đang gặp 2 vướng mắc: giá quá cao và chỉ được mua cổ phần hạn chế. Vì vậy, cần mạnh dạn nới để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng, xử lý nợ xấu, bởi nguồn lực trong nước hiện rất hạn chế.

Muốn bán nhanh phải phân loại tài sản tốt, tài sản xấu

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, ông Daniel Wu, Chủ tịch ABA, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Điều hành CTBC Financial Holding Co., (Đài Loan) nhận xét, hệ số an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng trên thế giới khoảng 12%, nhưng ở Việt Nam, NHNN yêu cầu CAR chỉ 9%, do vậy, Việt Nam cần tiếp tục tăng vốn để đảm bảo khả năng tăng trưởng bền vững của các ngân hàng trong tương lai. Đây cũng là nguyên nhân khiến Việt Nam cần phải đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu hơn nữa.

“Trong quá trình tái cơ cấu, các nước thường tách riêng tài sản xấu, tài sản chưa tốt của các ngân hàng để dễ quản lý và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài. Tất cả các quốc gia tái cơ cấu để mở cửa kêu gọi các nhà đầu tư nước ngoài. Tôi tin rằng, đây cũng là xu hướng của hệ thống ngân hàng Việt Nam trong tương lai, nhất là trong bối cảnh Chính phủ không muốn sử dụng ngân sách để xử lý nợ xấu”, ông Wu nói.

Nếu phải bỏ ra 3.000 - 5.000 tỷ đồng để mua lại một ngân hàng trong nước, họ vẫn sẵn sàng.

Nhiều chuyên gia ngân hàng thừa nhận, điều làm nhà đầu tư lo ngại là thông tin về các ngân hàng không minh bạch, mua ngân hàng yếu thường phải gánh cả những tài sản rất xấu, không có hướng xử lý. Tuy nhiên, nếu NHNN cho phép tách những tài sản xấu, những món nợ rất xấu riêng ra khỏi ngân hàng để xử lý, thì việc vời vốn ngoại để tái cơ cấu không phải là chuyện khó khăn.

Thực tế, không phải chỉ ngân hàng yếu, mà ngay cả với những ngân hàng lớn, nhu cầu tìm đối tác ngoại cũng rất lớn để tăng vốn, nhằm đáp ứng yêu cầu của Basel 2. Mặc dù rất nhiều ngân hàng đã lên kế hoạch kêu gọi vốn ngoại, song từ đầu năm đến nay, mới có TPBank chào bán thành công gần 5% cổ phần cho IFC và thương vụ “khủng” nhất là Vietcombank đang chào bán cổ phần cho đối tác GIC (Singapore).

Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank chia sẻ, ngay khi Chính phủ nhất trí về chủ trương cho Vietcombank bán cổ phần cho đối tác ngoại, đã có nhiều nhà đầu tư nước ngoài chào mua, trong đó GIC chào mua với số lượng lớn và trả giá cao nhất với mức giá được Vietcombank đánh giá là “hấp dẫn”. Vietcombank đang chờ sự chấp thuận của Chính phủ về thương vụ này.

“Theo kinh nghiệm của chúng tôi, để hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài thì ngân hàng trước tiên phải minh bạch về số liệu, phải có định hướng chiến lược và đem lại giá trị gia tăng cho nhà đầu tư nước ngoài. Với Vietcombank, việc lựa chọn nhà đầu tư nước ngoài không chỉ dựa vào sức mạnh tài chính, mà còn phải yếu tố hỗ trợ về công nghệ, quản trị”, ông Thành nói.

Tin bài liên quan