Thị trường trái phiếu hiện nay dường như sôi động hơn dự tính, thưa ông?
Đúng vậy. Năm 2017 và những tháng đầu năm 2018 có thể xem là quãng thời gian đặc biệt thành công trên thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) cho cả tổ chức phát hành (Kho Bạc Nhà nước – KBNN) và những thành viên, nhà đầu tư tham gia thị trường. Cụ thể, trong năm 2017, trên thị trường sơ cấp, KBNN đã phát hành thành công 159.921 tỷ đồng, hoàn thành 87,24% kế hoạch năm, trong đó tỷ lệ trúng thầu đạt 73,71%.
Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu TPCP ở các phiên cuối năm giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, từ mức giảm thấp nhất là 62 điểm phần trăm cho kỳ hạn 7 năm tới mức giảm kỷ lục 188 điểm phần trăm cho kỳ hạn 20 năm và 30 năm. Trên thị trường thứ cấp, theo thống kê của Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), giá trị giao dịch bình quân ngày cũng tăng lên mức kỷ lục là 9.514 tỷ đồng/ngày.
Lợi suất giao dịch theo đó cũng giảm mạnh ở tất cả các kỳ hạn, với mức giảm từ 80 đến 160 điểm phần trăm cho các kỳ hạn ngắn như từ 1 - 2 năm đến các kỳ hạn dài như 10 - 15 năm.
Ông Ngô Đăng Khoa
Tiếp nối thành công của năm 2017, TPCP tiếp tục chứng kiến đà giảm lợi suất trong 2 tháng đầu năm 2018 trong khi KBNN đã hoàn thành 65% chỉ tiêu phát hành quý I mặc dù tháng hai có kỳ nghỉ Tết nguyên đán kéo dài. Tỷ lệ trúng thầu đạt mức cao, ở xấp xỉ 93%, trong khi lợi suất trái phiếu tiếp tục giảm 55 - 130 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn.
Ông có thể lý giải cho xu hướng này?
Một số nguyên nhân chủ đạo có thể kể đến như việc Ngân hàng nhà nước (NHNN) tiếp tục duy trì chính sách điều hành thị trường theo hướng ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm nay ở mức 6,7%.
Để đạt được mục đích này, NHNN ngay từ những ngày đầu tháng Giêng đã phát đi những tín hiệu hết sức cụ thể như lần đầu giảm mức lãi suất điều hành OMO xuống 25 điểm phần trăm, từ mức 5% trong nhiều năm qua xuống mức 4,75%; đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức 17% (gần bằng mức 18% của năm ngoái); đồng thời chỉ đạo các ngân hàng thương mại phấn đấu giảm lãi suất cho vay.
Ngoài ra, nguồn cung tiền đồng dồi dào trong thời gian qua cũng là nhân tố hỗ trợ thanh khoản thị trường, từ đó kích thích nhu cầu đầu tư TPCP của các ngân hàng thương mại - vốn là những nhà đầu tư chính trên thị trường, qua đó gián tiếp kéo giảm lợi suất trái phiếu.
Trong bối cảnh đó, các thành viên thị trường cần tập trung lưu ý khi những rủi ro tích lũy. Mặt bằng lãi suất nói chung và lợi suất TPCP nói riêng có thể có những biến động trong thời gian tới khi đứng trước ảnh hưởng từ một số yếu tố nội tại và trên thế giới.
Các yếu tố trên thị trường quốc tế như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã đưa ra những tín hiệu sẽ tăng lãi suất 3 - 4 lần trong năm nay khi lạm phát tăng nhanh trở lại, giá dầu và giá hàng hóa phục hồi nhanh và những bất ổn về địa chính trị cùng chủ nghĩa bảo hộ lan rộng có thể ảnh hưởng trực tiếp đến dòng vốn ngoại chảy vào Việt Nam và gián tiếp tạo áp lực lên lạm phát và giá cả hàng hóa trong nước, cũng như sự ổn định của kinh tế vĩ mô nói chung.
Việc lãi suất TPCP thấp mang tới những điểm tích cực như:
Thứ nhất, ở góc độ chính sách tiền tệ và vĩ mô, Chính phủ đang chủ trương lãi suất cho vay thấp và để lãi suất cho vay thấp thì lãi suất huy động phải thấp, lãi suất huy động chỉ có thể thấp khi lãi suất TPCP thấp vì lãi suất TPCP hệ số rủi ro bằng 0, nên tất cả những món tiền gửi, trái phiếu, cổ phiếu khác đều dựa trên cơ sở lãi suất TPCP.
Thứ hai, lãi suất TPCP là hàm số rủi ro của TPCP, rủi ro ở đây là trên hệ thống tài chính thế giới, dù trong nước hệ số rủi ro bằng 0. Trên hệ thống tài chính thế giới, mỗi quốc gia có một hệ số rủi ro khác nhau. Khi lãi suất TPCP thấp và bán thành công nghĩa là thị trường chấp nhận rủi ro thấp hơn. Theo đó, thị trường đang chấp nhận rủi ro kinh tế của Việt Nam thấp hơn bởi các chỉ số kinh tế của Việt Nam tốt. Nhờ vậy, khi đi vay vốn từ nước ngoài, rủi ro của TPCP thấp sẽ được hưởng lợi là lãi suất đi vay từ các định chế tài chính thế giới cũng thấp hơn.
Thứ ba, có những ngân hàng trước đây mua TPCP với giá thị trường thấp vì lợi suất cao còn bây giờ lợi suất giảm nên đẩy giá thị trường của TPCP lên cao. Nhiều ngân hàng đang nắm trong tay “một đống” TPCP giờ bán ra sẽ ghi nhận được một mức lợi nhuận rất khá.