Lạm phát, thâm hụt thương mại cùng tăng, kéo lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh thời gian qua

Lạm phát, thâm hụt thương mại cùng tăng, kéo lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh thời gian qua

Lãi suất liên ngân hàng sẽ sớm “hạ nhiệt”

(ĐTCK) Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, các ngân hàng đang chào nhau cho vay VND các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần, 2 tuần, 3 tuần và 1 tháng ở mức trên 5%/năm, tăng trung bình khoảng 0,5%/năm so với tuần trước trên thị trường liên ngân hàng.

Theo nghiên cứu của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), lãi suất liên ngân hàng từ ngày 13 - 17/2 có xu hướng tăng mạnh, mức tăng thêm có biên độ từ 0,82 - 1,28%/năm.

Cụ thể, lãi suất trung bình kỳ hạn qua đêm tăng 1,28%/năm, đạt mức 4,01%/năm; kỳ hạn 1 tuần tăng 1,14%/năm, đạt 4,13%/năm; kỳ hạn 2 tuần tăng 0,82%/năm, lên mức 4,02%/năm.

“Việc bật tăng trở lại của lãi suất liên ngân hàng là diễn biến tương đối bất ngờ trong tuần qua”, chuyên gia phân tích của BVSC đánh giá.

Vị tổng giám đốc trên cho rằng, việc lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh trong những ngày qua là bởi tín dụng 2 tháng đầu năm đang tăng khá nhanh, do cuối năm 2016, tăng trưởng tín dụng được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) “nén” lại và đến bây giờ mới “bung” ra.

NHNN chưa công bố số liệu chính xác về tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống, tuy nhiên, ở phía ngân hàng thương mại, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho biết, ngay trong tháng 1/2017, tăng trưởng tín dụng của Ngân hàng đã đạt con số 4%.

Một lý do nữa, cũng theo vị tổng giám đốc trên, đó là trước Tết Nguyên đán, thanh khoản của hệ thống khá “đuối”. Trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo cao cấp Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) dù không tiết lộ số liệu cụ thể, nhưng vị này thừa nhận rằng, nguồn cung tiền mặt tại hệ thống ngân hàng trước Tết khá căng thẳng, cơ quan này đã bơm ra một lượng tiền lớn thông qua thị trường mở (OMO) để cấp thanh khoản cho thị trường.

Theo Báo cáo của BVSC, trong tuần trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, NHNN đã bơm mới 93.482 tỷ đồng qua kênh OMO, trong khi không có lượng vốn đáo hạn trong tuần. Còn trong tuần vừa qua, NHNN đã bơm mới 17.952,5 tỷ đồng qua kênh OMO, trong khi đó, lượng vốn đáo hạn trong tuần đạt 54.494 tỷ đồng.

Do vậy, 36.541,5 tỷ đồng đã được NHNN hút ròng qua kênh này. Trái với diễn biến tuần trước đó, tuần vừa qua, NHNN không có hoạt động phát hành mới qua kênh tín phiếu. Lượng vốn đáo hạn qua kênh này trong tuần cũng bằng 0. Tổng hợp cả 2 kênh OMO và tín phiếu, nhà điều hành đã hút ròng tổng cộng 36.541,5 tỷ đồng từ thị trường.

“Diễn biến này cho thấy, thanh khoản hệ thống ngân hàng vẫn ở trạng thái dồi dào, khi lượng tiền dư thừa sau khi đáp ứng hết các nhu cầu chi tiêu dịp Tết đã nhanh chóng quay trở lại hệ thống. Chúng tôi dự báo, diễn biến này có thể sẽ tiếp tục duy trì trong 2-3 tuần tới và thanh khoản hệ thống dồi dào sẽ tiếp tục là yếu tố hỗ trợ quan trọng giúp lãi suất liên ngân hàng sớm ‘hạ nhiệt’ trong 1-2 tuần tới”, chuyên gia BVSC nhận định. 

Áp lực dài hạn lên lãi suất đang tăng

Nhận định về xu hướng lãi suất, ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc Kinh doanh trái phiếu và ngoại hối Ngân hàng HSBC Việt Nam phân tích những yếu tố đang gây áp lực tăng: “Một là, lạm phát đang trên đà tăng, giá xăng cũng đang tăng sẽ tiếp tục tạo áp lực lên lạm phát trong những tháng tới; hai là, thâm hụt thương mại trong tháng 1 đã lên tới 1 tỷ USD”.

Phân tích của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, lạm phát chịu áp lực chủ yếu từ yếu tố giá hàng hóa thế giới, được dự báo tăng trở lại. Số liệu giai đoạn 2001-2016 cho thấy, mối quan hệ cùng chiều giữa giá năng lượng thế giới và lạm phát, nhất là từ năm 2013. Yếu tố giá hàng hóa thế giới dự báo làm lạm phát năm 2017 tăng thêm khoảng 2,5 điểm % so với năm 2016 (trong đó, giá năng lượng làm tăng 2,2 điểm %, giá lương thực làm tăng 0,3 điểm %).

Trong khi đó, báo cáo tổng quan thị trường 2017 của Standard Chartered vừa công bố nhận định, hàng hóa sẽ tiếp tục xu hướng tăng giá vừa phải trong năm 2017, khi mà triển vọng về lạm phát và vòng quay chi phí vốn trên toàn cầu được cải thiện.

Cụ thể hơn, theo Standard Chartered, khả năng giá dầu sẽ tiếp tục tăng. Yếu tố cung - cầu được cải thiện chứng tỏ khả năng giá dầu sẽ tăng lên trong năm 2017, nhưng vẫn bị giới hạn quanh mức 60-65 USD/thùng.

Trong khi đó, khả năng vàng vẫn dao động trong biên độ cho phép. Một khoản đầu tư rất hạn chế vào vàng tiếp tục được coi là biện pháp đề phòng viễn cảnh đi xuống do lạm phát. Giá kim loại trong công nghiệp tiếp tục xu hướng tăng khiêm tốn trong năm 2017 trong bối cảnh tiền tệ phục hồi, nhưng sẽ không đảm bảo tăng mạnh do các mức mất cân bằng cung cầu trầm trọng.

Những phân tích trên cho thấy, lạm phát sẽ tăng trở lại năm nay, nhưng mức độ chưa lớn. Dù vậy, điều này sẽ ảnh hưởng tăng tới lạm phát tại Việt Nam, gây áp lực đáng kể nếu NHNN muốn duy trì lãi suất thấp.    

Tin bài liên quan