Ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối Thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc)

Ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối Thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc)

Lãi suất huy động vốn có thể tăng trong cuối năm

Trả lời phóng viên Báo Đầu tư, ông Yun Hang Jin, Giám đốc Khối Thị trường mới nổi, Công ty Korea Investment & Securities (Hàn Quốc) cho rằng, sự biến động của các nhân tố chủ chốt có thể kéo lãi suất tăng trở lại trong quý IV/2016, nhất là khi các diễn biến cho thấy khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tái tăng lãi suất trong tháng 9.     

Cơ sở nào để đưa ra nhận định áp lực lãi suất có thể tăng trở lại, thưa ông?

Thời gian qua, việc thực hiện chính sách nới lỏng nhằm giảm lạm phát, hỗ trợ tăng trưởng khiến lãi suất VND duy trì ở mức thấp trong thời gian dài. Tuy nhiên, hiện lạm phát có dấu hiệu tăng trở lại, dù còn ở mức thấp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 0% tháng 1/2016, nhưng trung bình quý II/2016 tăng 0,5%. Giá dầu tăng, thiên tai, kế hoạch tăng học phí và bảo hiểm y tế khiến áp lực lạm phát đang lớn dần.

Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước tăng các khoản phát hành trái phiếu ngắn hạn, nhằm điều tiết thanh khoản thị trường. Chính sách tiền tệ sẽ không thắt chặt trở lại do phải hỗ trợ tăng trưởng, khả năng lãi suất cũng chỉ tăng nhẹ trở lại. Sự biến động của các nhân tố chủ chốt có thể kéo lãi suất tăng trở lại những tháng cuối năm, song lãi suất đầu ra khó tăng.

Lãi suất tăng trở lại sẽ tác động đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp và không loại trừ ảnh hưởng đến tâm lý của nhà đầu tư chứng khoán?

Lãi suất huy động vốn có thể tăng lên trong những tháng cuối năm, song cũng khó có thể đột biến. Mặt khác, lãi suất đầu vào tăng, nhưng đầu ra khó có thể điều chỉnh, bởi nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện vẫn chưa cao, nên phía ngân hàng cũng phải cạnh tranh lãi suất để thu hút khách hàng vay vốn.

Còn với nhà đầu tư chứng khoán, khả năng lãi suất tăng lên trong những tháng cuối năm cũng sẽ có tác động nhẹ đến tâm lý của họ. Tuy nhiên, trước bối cảnh hiện nay, khi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đang dần được cải thiện, các yếu tố vẫn hỗ trợ tích cực cho thị trường chứng khoán, nên sẽ không đáng ngại.

Fed vừa có quyết định chưa tăng lãi suất cơ bản USD. Vì sao tỷ giá được cho là sẽ tăng nhẹ trở lại, thưa ông?

Thời gian qua, tỷ giá USD/VND khá ổn định. Nhưng so với cùng kỳ, khác với năm trước, tỷ giá đang giảm nhẹ. Cụ thể, biến động tỷ giá năm 2012 là giảm 1%, năm 2013 là tăng 1,3%, năm 2014 tăng 1,4%, năm 2015 tăng 5%, năm 2016 là giảm 0,8%. Mặc dù trước mắt, Fed trì hoãn nâng lãi suất, chính sách ổn định tỷ giá… kéo tỷ giá giảm xuống, nhưng nhiều khả năng Fed sẽ đưa ra quyết định điều chỉnh lãi suất trong tháng 9 tới và càng về cuối năm, khả năng Fed nâng lãi suất càng gia tăng.

Mặt khác, tiền đồng đang mạnh lên so với nhân dân tệ (NDT) của Trung Quốc, nên tỷ giá VND/USD có thể tăng nhẹ trở lại hơn là giảm sâu thêm trong những tháng cuối năm. Nhưng Brexit đã khiến đồng euro mất giá, Fed trì hoãn nâng lãi suất… cho thấy ít có khả năng tỷ giá VND/USD tăng mạnh.

Khả năng Fed điều chỉnh lãi suất có thể xảy ra cuối năm nay. Theo ông, điều này có ảnh hưởng đến động thái của khối ngoại trên thị trường chứng khoán, cũng như dòng vốn đầu tư gián tiếp nước ngoài (FII)?

Điều này phần nào gây ảnh hưởng đến VN-Index của Việt Nam. Nếu xét tình hình kinh tế thực và áp lực lạm phát thì có thể thấy, Fed khá thận trọng để đưa ra quyết định này. Chỉ số VN- Index từ đầu năm đến cuối tháng 7/2016 chuyển động theo hình chữ V và đạt mức tăng 12% so với cuối năm ngoái. Một số yếu tố bất lợi như áp lực giá cuối năm, kỳ vọng chính sách suy giảm, nguồn cung chốt lời gia tăng khiến chỉ số VN-Index bị điều chỉnh.

Nhà đầu tư nước ngoài bán ròng trong nửa đầu năm, nhưng quay trở lại mua ròng 38 triệu USD trong tháng 7 và sẽ chuyển sang mua ròng trong những tháng còn lại của năm nay. Song quy mô giải ngân của khối ngoại trong những tháng cuối năm không lớn do lo ngại Fed nâng lãi suất, bầu tổng thống, trì hoãn TPP.

Tin bài liên quan