Là “lõi nghèo cả nước”, Tây Bắc cần một cơ chế đặc thù

Là “lõi nghèo cả nước”, Tây Bắc cần một cơ chế đặc thù

(ĐTCK) Sáng 21/9/2016, Hội nghị tổng kết 5 năm tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc (giai đoạn 2011 - 2015) do Ban Chỉ đạo Tây Bắc, Ngân hàng Chính sách xã hội, tỉnh Lào Cao phối hợp tổ chức đã diễn ra tại Lào Cai.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Tây Bắc cho biết, giai đoạn 2011-2015, tỷ lệ hộ nghèo bình quân giảm gần 4%/năm từ 34,41% vào thời điểm cuối năm 2010 xuống còn 18,26% vào cuối năm 2014 và ở mức khoảng 15% vào cuối năm 2015. Đóng góp vào thành tích trên, phải kể đến vai trò của Ngân hàng chính sách xã hội - một công cụ quan trọng để thực hiện công tác xóa đói, giảm nghèo.

“Cho đến ngày 31/12/2015, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách xã hội vùng Tây Bắc là 29.826 tỷ đồng, tăng 62,8% so với năm 2010; đến ngày 31/8/2016 tổng dư nợ đã đạt 32.194 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng dư nợ bình quân hàng năm giai đoạn 2010-2015 của vùng Tây Bắc đạt 12,6% cao hơn bình quân chung toàn quốc là 2,8%. Trong khi đó, tỷ lệ nợ quá hạn vùng Tây Bắc đến 31/8/2016 ở mức rất thấp, chỉ chiếm 0,25% tổng dư nợ”, ông Bình nói.

Tuy nhiên, hoạt động tín dụng chính sách xã hội vẫn gặp nhiều khó khăn, thách thức và điều này được ông Dương Quyết Thắng, Tổng giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội dẫn chứng: nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách xã hội còn thấp so với nhu cầu thực tế của các đối tượng chính sách. Kế hoạch giao tăng trưởng tín dụng hàng năm chưa phù hợp với chiến lược phát triển Ngân hàng Chính sách xã hội được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; vốn ngân sách nhà nước cấp bổ sung vốn điều lệ, vốn các chương trình tín dụng chính sách chưa kịp thời, do đó cũng ảnh hưởng đến việc cân đối bố trí nguồn vốn cho hộ vay nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Bắc.

“Bên cạnh đó, nguồn vốn địa phương của các tỉnh vùng Tây Bắc dành để cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn còn hạn chế, điển hình như: Cao Bằng (7,2 tỷ đồng), Hòa Bình (10,8 tỷ đồng), Yên Bái (14,6 tỷ đồng)”, ông Thắng cho biết.

Điều này Ban Bí thư đã nêu rõ tại Chỉ thị 40, đó là: “Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội chưa thực sự ổn định, cơ cấu chưa hợp lý, chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế; chất lượng tín dụng chưa đồng đều. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thực sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức tới hoạt động tín dụng chính sách xã hội...”.

Ông Bình nhấn mạnh: “Trong bối cảnh hiện nay, khi Tây Bắc vẫn còn là “lõi nghèo” của cả nước với tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn mới là 29,14%, cao gấp 2,95 lần tỷ lệ chung của cả nước, trong đó có nhiều tỉnh có tỷ lệ hộ nghèo trên 40-50%, đồng thời phương pháp tiếp cận đo lường từ nghèo đơn chiều đã thay đổi sang nghèo đa chiều áp dụng cho giai đoạn 2016-2020, những điều này đã đặt ra yêu cầu phải tiếp tục mở rộng và nâng cao hiệu quả các hoạt động tín dụng chính sách cho vùng Tây Bắc trong thời gian tới”.

Cần cơ chế đặc thù

Tại Hội nghị, ông Lê Minh Hưng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Chủ tịch Ngân hàng Chính sách xã hội chia sẻ những nhiệm vụ mà Ngân hàng Nhà nước, tổ chức tín dụng sẽ tiếp tục thực hiện để Tây Bắc phát triển, giảm nghèo bền vững thời gian tới như sau:

Thứ nhất, tiếp tục phối hợp chặt chẽ cùng với các Bộ, ngành Trung ương, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, đơn vị liên quan nghiêm túc thực hiện Quyết định 401/QĐ-TTg ngày 14/3/2016 về Kế hoạch triển khai Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22 tháng 11 năm 2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội.

Thứ hai, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ Ngân hàng Chính sách xã hội trong việc huy động nguồn vốn để đảm bảo triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách.

Thứ ba, tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng thương mại ưu tiên tập trung vốn cho vay đối với các lĩnh vực như: nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp ưu tiên phát triển, doanh nghiệp nhỏ và vừa; đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn thực hiện các công trình cấp bách, dự án trọng điểm quốc gia... tạo cơ sở thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Về phía Ngân hàng Chính sách xã hội thực hiện tốt một số nhiệm vụ sau:

Thứ nhất, tiếp tục thực hiện các chính sách của Nhà nước về tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, giải ngân cho vay vốn đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh chóng và hiệu quả; xác định mục tiêu tăng trưởng dư nợ tín dụng chính sách bình quân hàng năm khoảng 14-15%/năm, cao hơn mức tăng trưởng bình quân toàn quốc. Đảm bảo người nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác tại vùng Tây Bắc có nhu cầu và đủ điều kiện đều được tiếp cận các sản phẩm, dịch vụ do Ngân hàng Chính sách xã hội cung cấp.

Thứ hai, chủ động tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, ban ngành, đồng thời, chỉ đạo Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội các tỉnh trong vùng Tây Bắc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Kế hoạch triển khai Chỉ thị ban hành kèm theo Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

Thứ ba, nghiên cứu, rà soát nhằm phát hiện những bất cập trong quá trình thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, kịp thời đề xuất với Chính phủ, các Bộ, ban ngành để xem xét điều chỉnh tín dụng chính sách phù hợp với thực tiễn.

Thứ tư, tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện dịch vụ ủy thác, các Tổ tiết kiệm và vay vốn, Ngân hàng Chính sách xã hội và quá trình sử dụng vốn của người vay. Phát huy sự tương trợ lẫn nhau của người vay vốn, đặc biệt là thành viên các Tổ tiết kiệm và vay vốn thông qua việc giúp đỡ nhau sử dụng vốn vay có hiệu quả.

“Để nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự hiệu quả, tôi đề nghị các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm hơn nữa đến hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho Ngân hàng Chính sách xã hội; đồng thời ưu tiên dành nhiều hơn nữa nguồn vốn từ ngân sách địa phương như: Quỹ phát triển đất, Quỹ phát bảo vệ và phát triển rừng,… để ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội bổ sung nguồn vốn cho vay đối với người nghèo và các đối tượng chính sách xã hội trên địa bàn”, ông Hưng nói.

Là “lõi nghèo cả nước”, nên cần có cơ chế đặc thù trong công tác xóa đói giảm nghèo của Tây Bắc

Kết luận Hội nghị, ông Bình cho rằng, tiếp tục giao kế hoạch tăng trưởng tín dụng giai đoạn 2016-2010 cho Ngân hàng Chính sách xã hội hàng năm khoảng 10%. Việc đặt ra mục tiêu để đặt ra động lực, quyết tâm, ý chí để công tác giảm nghèo mới đạt dược mục tiêu. Bên cạnh đó là câu chuyện nguồn vốn. Trong tất cả thành công vừa rồi, nguồn vốn là khâu yếu. Mặc dù, nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội là phải từ ngân sách, nhưng một tỷ lệ lớn lại không đến từ nguồn này. Theo đó, duy trì 2% tiền gửi của 4 ngân hàng thương mại Nhà nước cho Ngân hàng Chính sách xã hội để có nguồn. Nhưng có một nguồn không thể lo được là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính phải lo vốn điều lệ cấp bổ sung cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Vì khi tổng tài sản tăng thì vốn phải tăng để đáp ứng chuẩn an toàn. Đồng thời, chỉ đạo các bộ ngành, khi ban hành chính sách liên quan đến Ngân hàng Chính sách xã hội phải kèm theo bố trí nguồn lực. Chính sách nào cũng tốt nhưng không bố trí nguồn lực, làm khó Ngân hàng Chính sách xã hội.

“Phải thấy rằng, sự nghiệp xoá đói giảm nghèo ở Tây Bắc có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Là “lõi nghèo cả nước”, nên cần có cơ chế đặc thù trong công tác xóa đói giảm nghèo của Tây Bắc. Và cơ chế này do Trung ương phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng. Đây là nội dung quan trọng nhất, nội dung đầu tiên trong năm nội dung hoạt động của Ban Chỉ đạo Tây Bắc trong nhiệm kỳ này. Do vậy, tôi mong muốn thông qua Hội nghị này truyền tải thông điệp đến các đồng chí lãnh đạo địa phương, bộ, ban ngành trung ương có liên quan xây dựng cho được cơ chế giảm nghèo phù hợp với Tây Bắc...”, ông Bình nhấn mạnh.

Tin bài liên quan