Kỳ vọng có thuốc giải cho “cục máu đông” nợ xấu

Kỳ vọng có thuốc giải cho “cục máu đông” nợ xấu

(ĐTCK) Ở Việt Nam, do đặc thù nguồn vốn cung cấp cho doanh nghiệp, nền kinh tế chủ yếu trông chờ vào hệ thống ngân hàng, nên khi nợ xấu tăng cao và chậm được xử lý, khiến việc cung cấp “nguồn sống” cho doanh nghiệp bị… nghẽn.

Chính bởi “cục máu đông” nợ xấu hiện chậm có “thuốc giải”, nên không chỉ khiến doanh nghiệp khó tiếp cận vốn tín dụng (nếu vay được thì phải trả chi phí cao), mà còn ảnh hưởng đến “sức khỏe” của hệ thống ngân hàng.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, trong 5 năm qua (2012-2016), toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được 611,59 nghìn tỷ đồng nợ xấu, song nợ xấu, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, có nguy cơ tăng trở lại.

Tính đến hết năm 2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu mà các ngân hàng đã bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng (VAMC) chưa xử lý chiếm 5,8%, nếu tính cả nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu thì chiếm 10,08% trên tổng dư nợ cho vay, đầu tư đối với nền kinh tế.

Ðáng ngại là không chỉ nợ xấu đang có nguy cơ tăng trở lại, mà quá trình xử lý nợ xấu đang bộc lộ nhiều vướng mắc chưa được tháo gỡ, dẫn đến tiến trình xử lý nợ xấu chậm, gây nên rủi ro cả cho hệ thống ngân hàng và hoạt động của doanh nghiệp, tác động không tích cực đến nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Vướng mắc trong xử lý nợ xấu bộc lộ qua việc nợ xấu chủ yếu vẫn được xử lý bằng dự phòng rủi ro và bán nợ xấu cho VAMC bằng trái phiếu đặc biệt, trong khi các giải pháp này làm hạn chế kết quả kinh doanh, cũng như khả năng tăng vốn điều lệ của các ngân hàng.

Các biện pháp xử lý nợ xấu thông qua xử lý tài sản bảo đảm, bán khoản nợ theo cơ chế thị trường, thu nợ khách hàng vay còn hạn chế, nên khó để xử lý nợ xấu.

Hiện thiếu cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia mua bán nợ xấu, thị trường mua bán nợ chậm phát triển…, VAMC sau gần 4 năm hoạt động, nhưng không đủ nguồn lực và quy định pháp lý phù hợp để xử lý nhanh nợ xấu và tài sản bảo đảm của khoản nợ đã mua.

Trước thực tế trên, tại Kỳ họp thứ 3 của Quốc hội đang diễn ra, Chính phủ đã đề xuất Quốc hội xem xét thông qua Dự thảo Nghị quyết xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Trải qua 2 vòng thảo luận tại nghị trường, nhiều đại biểu Quốc hội ủng đề xuất của Chính phủ về sự cần thiết ban hành nghị quyết này, nên nhiều khả năng dự thảo này sẽ được Quốc hội thông qua tại phiên họp ngày 21/6 tới, qua đó mở ra một gói giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho xử lý nợ xấu.

Nếu Nghị quyết được Quốc hội thông qua, theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, Chính phủ sẽ chỉ đạo các cơ quan, đặc biệt là Ngân hàng Nhà nước, thực hiện những biện pháp quyết liệt để triển khai cơ chế trong Nghị quyết cho phép.

Ngân hàng Nhà nước sẽ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để tổ chức triển khai Ðề án cơ cấu lại tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu đối với tất cả các tổ chức tín dụng.

Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ chỉ đạo trực tiếp từng tổ chức tín dụng xây dựng phương án tái cơ cấu, trong đó có phê duyệt chỉ tiêu về xử lý nợ xấu, kiểm soát nợ xấu từng năm để trình Ngân hàng Nhà nước phê duyệt và giám sát.

Một khi nợ xấu được xử lý, sẽ không chỉ cải thiện “sức khỏe” cho hệ thống ngân hàng, mà còn hỗ trợ các tổ chức này giảm chi phí tài chính, qua đó giúp mặt bằng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế giảm. Ðây là yếu tố không thể thiếu cho nỗ lực tăng trưởng kinh tế cao và bền vững tại Việt Nam.

Tin bài liên quan