Kinh nghiệm nào cho các vụ sáp nhập ngân hàng sắp diễn ra?

Kinh nghiệm nào cho các vụ sáp nhập ngân hàng sắp diễn ra?

(ĐTCK) Hiện tại, thị trường lại “nóng” về câu chuyện sáp nhập ngân hàng, với những cái tên được nhắc đến một cách không chính thức, trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sẽ phải xử lý dứt điểm các tổ chức tín dụng (TCTD) yếu kém trong năm nay.

Giải pháp ngân hàng “kèm” ngân hàng

Theo một lãnh đạo NHNN, trong năm nay, NHNN sẽ áp dụng các biện pháp mạnh để tái cơ cấu các TCTD yếu kém, với chủ trương các ngân hàng TMCP Nhà nước sẽ “kèm” các ngân hàng TMCP yếu kém, kể cả áp dụng những biện pháp can thiệp mạnh mẽ của Nhà nước và giải thể, phá sản đối với một số TCTD phi ngân hàng.

Trên thực tế, giải pháp “kèm” này không phải mới, bởi trước đây, BIDV đã từng “gánh” Ngân hàng Nam Đô, còn Vietcombank “gánh” Ngân hàng Gia Định... Dù hơn 10 năm trôi qua và hoàn cảnh nay đã khác, nhưng lần tái cấu trúc đó là câu chuyện được nhắc tới cho đợt “đại phẫu” ngân hàng năm nay.

Tuy nhiên, trước câu hỏi của ĐTCK về kinh nghiệm, bài học nào rút ra từ những lần “gánh” đó, lãnh đạo không ít ngân hàng và chuyên gia đều… né tránh trả lời. Phải chăng, đây là câu chuyện “nhạy cảm” vào thời điểm này?

Quay lại những ngày này, thị trường rộ lên câu chuyện sáp nhập ngân hàng; nhiều cái tên đã được chỉ ra, hầu hết là các ngân hàng cổ phần nông thôn được chuyển đổi mô hình ồ ạt cách đây 7 - 8 năm; một vài ngân hàng khác có tiền đề mạnh, nhưng vài năm qua đã không tránh được khủng hoảng. 

Câu chuyện PG Bank

Trước ĐHCĐ năm 2014 của PG Bank vài ngày, thông tin trên website của Ngân hàng cho biết, PG Bank sẽ trình ĐHCĐ kế hoạch sáp nhập vào VietinBank. VietinBank đã thể hiện thiện chí hợp tác cùng PG Bank và chấp thuận những nguyên tắc cơ bản để đảm bảo lợi ích cho các bên liên quan. Tuy nhiên, tờ trình về tái cơ cấu của PG Bank trong ĐHCĐ chính thức chỉ ngắn gọn vài dòng với nội dung chủ yếu là trình cổ đông chấp thuận chủ trương sáp nhập PG Bank với một ngân hàng khác.

Tiền thân của PG Bank là Ngân hàng TMCP Nông thôn Đồng Tháp Mười. Năm 1993, Ngân hàng Đồng Tháp Mười được NHNN cấp phép hoạt động với số vốn điều lệ ban đầu là 700 triệu đồng; phạm vi hoạt động tại địa bàn tỉnh Đồng Tháp. Sau 10 năm hoạt động, Ngân hàng luôn đạt được tốc độ tăng trưởng tốt, nợ quá hạn thấp, kết quả kinh doanh hàng năm đều có lãi để chia cho cổ đông; vốn điều lệ tăng lên 5 tỷ đồng.

Thực hiện phương án tái cấu trúc, tháng 7/2005, Ngân hàng Đồng Tháp Mười đã mời các cổ đông mới tham gia, tăng vốn điều lệ lên 90 tỷ đồng, trong đó có các cổ đông lớn như SSI,  Petrolimex.

Đầu năm 2007, PG Bank được NHNN cho phép chuyển đổi thành ngân hàng cổ phần đô thị, đồng thời đổi tên và chuyển trụ sở chính từ Đồng Tháp về Thủ đô Hà Nội.

Tuy nhiên, mầy năm gần đây, hoạt động kinh doanh của PG Bank không mấy thuận lợi. Năm 2013, PG Bank chỉ đạt lợi nhuận trước thuế gần 52 tỷ đồng. Trong quý II/2014, ngân hàng này ghi nhận mức lỗ 12 tỷ đồng, mặc dù tính chung 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế vẫn đạt gần 40 tỷ đồng. Bên cạnh những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, hiện PG Bank đang phải đối mặt với việc thoái vốn của cổ đông lớn là Petrolimex, nên câu chuyện sáp nhập vào VietinBank rất có thể sẽ xảy ra. 

Quy luật thị trường

Bỏ qua câu chuyện của PG Bank, GP Bank, OceanBank… là những ngân hàng trước đây ồ ạt “nâng cấp” từ ngân hàng cổ phần nông thôn lên đô thị, không ít ngân hàng “vang bóng một thời” cũng đang cho thấy quy luật đào thải của thị trường

SaiGonBank tự giới thiệu trên website là ngân hàng TMCP Việt Nam đầu tiên được thành lập trong hệ thống ngân hàng cổ phần, ra đời ngày 16/10/1987, trước khi có Luật Công ty và Pháp lệnh Ngân hàng, với vốn điều lệ ban đầu 650 triệu đồng, thời gian hoạt động 50 năm…

“Nhưng sau gần 28 năm hoạt động, SaiGonBank đang èo uột tồn tại”, một chuyên gia ngân hàng đánh giá.

Hai ngân hàng làm “nóng” thị trường trong thời gian qua là SouthernBank và Sacombank. Còn nhớ, báo cáo giải trình trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình chiều 29/9/2014 cho biết, NHNN đã chấp thuận chủ trương Southern Bank sáp nhập với Sacombank. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thông tin gì mới về thương vụ sáp nhập này.

Một “cặp đôi” khác được nhắc đến trong năm qua là Ngân hàng TMCP Phát triển Mê Kông (MDB) sẽ sáp nhập với Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (Maritime Bank), song đến nay cũng chưa thấy động tĩnh gì.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2015 được Chính phủ giao cho NHNN là xử lý dứt điểm các TCTD yếu kém. NHNN cho biết, trong năm nay sẽ tập trung tạo điều kiện thúc đẩy nhanh các phương án sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD trên cơ sở tự nguyện và đúng quy định pháp luật.

Hy vọng, với sự quyết liệt, nỗ lực của NHNN, công cuộc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng trong năm 2015 sẽ đạt kết quả cao, mà không cần đến biện pháp “bắt buộc”.  

Tin bài liên quan