Kiều hồi vào Việt Nam tăng gần 100 lần trong 22 năm qua

Kiều hồi vào Việt Nam tăng gần 100 lần trong 22 năm qua

(ĐTCK) Dòng kiều hối ngày càng trở thành nguồn lực quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam, bù đắp thâm hụt thương mại và đóng góp vào quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia. Ở góc độ vi mô, dòng kiều hối giúp xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống của những người nhận kiều hối, thể hiện thông qua việc hỗ trợ tiêu dùng trực tiếp, đặc biệt là đầu tư sản xuất kinh doanh...

Sáng ngày 10/10, Học viện Ngân hàng phối hợp với Đại học Ngân hàng TP. HCM tổ chức Hội thảo khoa học: “Chính sách kiều hối của Việt Nam trong thời gian qua - Thực trạng và giải pháp”.

Tại Hội thảo, các chuyên gia cho biết, kiều hối có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo của các quốc gia đang phát triển và có tỷ lệ tiết kiệm nội địa thấp. Đối với Việt Nam, dòng kiều hối có sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây do những yếu tố lịch sử và kinh tế. Cùng với hơn 500 nghìn lao động xuất khẩu, khoảng 4 triệu người Việt Nam (tương đương 4,5% dân số quốc gia) đang sinh sống tại nước ngoài như Mỹ (55%), Pháp (7,5%) và Australia (7,5%), và thường xuyên gửi số lượng lớn kiều hối về Việt Nam.

Trong suốt 22 năm qua, dòng tiền này tăng gần 100 lần từ 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 11 tỷ USD năm 2013, lên khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2015 và có xu hướng gia tăng do hiệu quả của chính sách xuất khẩu lao động, cũng như các chính sách để thu hút dòng kiều hối của Chính phủ.

Giai đoạn 2002 - 2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP, trong khi đó dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3,0% GDP. Theo Ngân hàng thế giới, năm 2015, Việt Nam đứng thứ 3 tại châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Đây là những thành tích nổi bật của Việt Nam trong thu hút nguồn kiều hối.

Đặc biệt, các diễn giả đã phân tích về nguyên nhân dòng kiều hối trở thành nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Cụ thể, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng tăng qua con đường định cư và xuất khẩu lao động cũng đồng thuận với việc lượng kiều hối đổ vào Việt Nam năm sau cao hơn năm trước.

Ngoài ra, khung chính sách và quy định pháp luật ngày càng được hoàn thiện khuyến khích kiều bào trở về nước đầu tư, kinh doanh và phục vụ tổ quốc. Đặc biệt là hệ thống chính sách quản lý ngoại hối rất thông thoáng, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài gởi tiền về nước được thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng.

Thực tế cho thấy, Ngân hàng Nhà nước đã từng bước đơn giản hóa thủ tục hành chính trong việc cấp giấy phép hoạt động chi trả kiều hối cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chi trả kiều hối với mạng lưới rộng khắp cả nước. Ngoài ra, dịch vụ chuyển tiền kiều hối ngày càng phát triển, chất lượng được nâng cao với sự đa dạng các hình thức chi trả như chi trả tại nhà, chi trả tại quầy, chi trả qua hệ thống ngân hàng và dịch vụ chăm sóc khách hàng.

Bên cạnh chính sách quản lý ngoại hối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một chính sách quan trọng không kém trong thu hút dòng kiều hối chảy vào Việt Nam. Trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng và địa bàn cư trú, có cuộc sống ngày càng ổn định, có tiềm lực về tri thức và kinh tế, có vị trí và ảnh hưởng trong xã hội nước sở tại.

Tình hình quốc tế, trong nước và những yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc trong thời gian tới đòi hỏi công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần được tăng cường, hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục phát triển vững mạnh, nâng cao uy tín, tham gia tích cực vào việc tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Việt Nam với các nước sở tại; góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Vẫn còn những mặt trái

Không chỉ có những mặt tích cực, đóng góp lớn cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, kiều hối cũng có những  tác động tiêu cực.

Chẳng hạn, kiều hối có thể dẫn tới tình trạng đô la hóa; kiều hối khiến dẫn đến tình trạng tiêu dùng quá mức, nhất là các hàng hóa nhập khẩu, qua đó gây áp lực trở lại lên tỷ giá, hay kiều hối có liên quan đến hoạt động rửa tiền...

Để tối ưu hóa nguồn vốn kiều hối phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, theo các chuyên gia, cần có một hệ thống chính sách kiều hối đồng bộ và khoa học, phù hợp hơn với diễn biến và tình hình mới ở Việt Nam.

Đồng thời, các đại biểu tham gia Hội thảo cũng đề xuất nhiều giải pháp nhằm thu hút hơn nữa dòng kiều hối vào Việt Nam. Tuy nhiên, cũng cần nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập, tự do hóa và thị trường hóa, dư địa cho các chính sách thu hút kiều hối không còn nhiều, để có thể thu hút hơn nữa dòng kiều hối thì cần phải có sự phối hợp giữa các bộ, ngành chặt chẽ vì lợi ích chung.

Tin bài liên quan