Năm 2017, lượng kiều hối tính riêng tại TP.HCM ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016

Năm 2017, lượng kiều hối tính riêng tại TP.HCM ước đạt 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm 2016

Kiều hối vẫn chảy mạnh dù Fed tăng lãi suất

(ĐTCK) Với hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 187 quốc gia, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam qua các năm gần đây không ngừng tăng trưởng mạnh, bất chấp sức hút từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) nhiều lần tăng lãi suất trong năm 2017 và tiếp tục gắn chặt với lộ trình thắt chặt tiền tệ trong năm tới.

Kiều hối dồi dào

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), Chi nhánh TP.HCM cho biết, trong 11 tháng năm 2017, đã có 4,55 tỷ USD kiều hối chuyển về Thành phố.

Trong tháng 12 này, dự kiến số tiền chuyển về ít nhất ở mức 650 triệu USD, tương đương với tháng 11. Như vậy, lượng kiều hối cả năm 2017 mà TP.HCM đón nhận sẽ ở mức 5,2 tỷ USD, tăng 4,5% so với năm ngoái.

Trong số hơn 4,55 tỷ USD kiều hối chuyển về trong 11 tháng, đóng góp chủ yếu vẫn đến từ thị trường Mỹ (chiếm trên 60%) và châu Âu (khoảng hơn 19%).

Phần lớn kiều hối chuyển về được người dân sử dụng vào hoạt động sản xuất - kinh doanh, đầu tư, thay vì cất giữ, chi tiêu hay tập trung vào đầu tư bất động sản, chứng khoán như trước đây.

Theo thống kê của NHNN chi nhánh TP.HCM, 72% kiều hối được người dân sử dụng vào sản xuất - kinh doanh, 22% đổ vào bất động sản và 6% phục vụ tiêu dùng cá nhân.

Mặt khác, việc kinh tế vĩ mô trong nước ổn định, lãi suất tiết kiệm bằng USD giảm về mức 0%/năm đã khiến người nhận kiều hối dần chuyển từ ngoại tệ sang nắm giữ tiền đồng.

Trong bối cảnh này, NHNN khẳng định, các chính sách đang thực thi đã có nhiều tác động tốt, tạo nền tảng ổn định cho VND. Nhiều người đã chuyển từ USD sang VND để gửi tiết kiệm. Riêng trong năm 2017, cơ quan này đã mua thêm được 8 tỷ USD, nâng dự trữ ngoại hối của Việt Nam lên 46 tỷ USD, mức cao kỷ lục từ trước tới nay.

Bên cạnh đó, lượng kiều hối chảy về cũng rất tích cực. Theo số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), năm 2017, lượng kiều hối của Việt Nam sẽ đạt 13,8 tỷ USD, tăng khoảng 16% so với năm 2016, đánh dấu mức tăng trưởng cao nhất trong vòng 5 năm qua.

Sức ép không đáng kể từ Fed

Dù được nhận định sẽ có diễn biến tích cực trong năm 2018, nhưng vẫn có những lo ngại rằng, dòng tiền chuyển về nước sẽ bị tác động khi Fed tăng lãi suất đồng USD.

Theo đó, Fed cho biết, sẽ giữ nguyên lộ trình thắt chặt tiền tệ với 3 lần nâng lãi suất cơ bản trong năm 2018, từ mức 1,25 - 1,5%/năm hiện nay. Với diễn biến này, các nhà phân tích tài chính nhận định, việc Fed tăng lãi suất thời gian tới sẽ nới rộng mức chênh lệch lãi suất giữa đồng USD và lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngoại tệ tại các ngân hàng Việt Nam.

Điều này sẽ làm giảm nhu cầu chuyển tiền hoặc cất giữ tiền ở Việt Nam và là nguyên nhân khiến lượng kiều hối đi xuống. Bên cạnh đó, việc tỷ giá VND/USD vẫn theo hướng đi lên nhưng mức độ tăng chậm cũng là một trong những lý do khiến dòng kiều hối chỉ nhích nhẹ trong thời gian qua.

Tuy nhiên, nhận định về xu hướng dòng kiều hối trong thời gian qua, ông Huỳnh Trung Minh, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho biết, đối với Việt Nam, dòng kiều hối có sự gia tăng mạnh mẽ trong những năm gần đây chủ yếu do các yếu tố lịch sử và kinh tế.

Cụ thể, cùng với hơn 500.000 lao động xuất khẩu, khoảng 4 triệu người Việt Nam (tương đương 4,5% dân số quốc gia) đang sinh sống tại nước ngoài như Mỹ (55%), Pháp (7,5%) và Australia (7,5%) thường xuyên gửi số lượng lớn kiều hối về Việt Nam.

Bên cạnh đó, hiện tại, chính sách nhà nước rất thông thoáng, tạo điều kiện dễ dàng cho người thụ hưởng, người nhận không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, không phải trả phí cũng là yếu tố thúc đẩy dòng tiền gửi về nước. Do đó, dù việc Fed tăng lãi suất có thể tạo tác động tới kiều hối, nhưng sức ép là không đáng kể.

Theo ông Minh, những năm qua, dòng kiều hối đã trở thành nguồn vốn quan trọng phần nào bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của Việt Nam.

Sự gia tăng dòng kiều hối trong thời gian qua có thể được giải thích bằng các yếu tố sau: Thứ nhất, cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng tăng qua con đường định cư và xuất khẩu lao động; cũng đồng thuận với việc lượng kiều hối đổ vào Việt Nam năm sau cao hơn năm trước.

Thứ hai, khung chính sách và quy định pháp luật ngày càng được hoàn thiện khuyến khích kiều bào trở về nước đầu tư, kinh doanh và phục vụ Tổ quốc.

Thứ ba, hệ thống chính sách quản lý ngoại hối rất thông thoáng, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài gửi tiền về nước được thuận lợi, nhanh chóng, dễ dàng.

Tin bài liên quan