Tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất - kinh doanh đang chiếm 70,6% tổng kiều hối chuyển về Việt Nam

Tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất - kinh doanh đang chiếm 70,6% tổng kiều hối chuyển về Việt Nam

Kiều hối đổ mạnh vào sản xuất, đầu tư

(ĐTCK) Dòng kiều hối về nước 8 tháng đầu năm nay tiếp tục đà tăng trưởng tốt. Theo thống kê, có tới 70,6% lượng vốn này chảy vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh. Đây là nguồn lực vàng để góp phần xây dựng đất nước.

2016: dự kiến 5,7- 5,8 tỷ USD kiều hối về TP. HCM

Tính đến cuối tháng 8, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP. HCM qua các kênh chính thức ước đạt 2,9 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này, theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP. HCM, tăng tới 14% so với tháng trước.

Diễn biến dòng kiều hối thường phụ thuộc vào thu nhập của người lao động ở nước ngoài, tình hình kinh tế vĩ mô trong nước và các dịch vụ thu hút kiều hối. Trong giai đoạn 2011 - 2015, lượng kiều hối chuyển về địa bàn TP. HCM đạt mức tăng trưởng bình quân hàng năm từ 10 - 12%. Kiều hối chảy mạnh về Việt Nam trong năm qua với 12 - 14 tỷ USD và dự báo tiếp tục tăng trưởng ổn định trong năm nay.

“Lượng kiều hối chuyển về Thành phố chủ yếu từ Mỹ và châu Âu”, ông Minh cho biết.

Điều đáng chú ý là nguồn kiều hối đang có sự dịch chuyển trở lại đối với thị trường bất động sản sau một thời gian dài lĩnh vực này đóng băng và giao dịch trầm lắng nên các kiều bào bắt đầu nhìn thấy cơ hội. Kể từ khi Luật Nhà ở (sửa đổi) cho phép kiều bào mua nhà trong nước được Quốc hội thông qua vào tháng 11/2014, cả nước đã có hơn 7.000 kiều bào đứng tên sở hữu nhà ở tại Việt Nam, trong đó có TP. HCM. Việc kiều bào có nhà tại quê hương chính là điều kiện cơ bản để họ có thể thường xuyên về nước mang theo những tích  lũy kiều hối nơi xứ người.

Với tình hình kinh tế phục hồi khá mạnh so với mặt bằng chung của cả nước, ông Minh cho biết, lượng kiều hối chuyển về trên địa bàn TP. HCM trong năm 2016 tiếp tục khả quan, dự kiến đạt khoảng 5,7 - 5,8 tỷ USD.

Lượng kiều hối tăng nhanh là do Việt Nam có hơn 4 triệu kiều bào ở nước ngoài. Trong những năm gần đây, chính sách nhà nước rất thông thoáng, tạo điều kiện dễ dàng cho người thụ hưởng kiều hối. Người nhận không phải đóng thuế thu nhập cá nhân, không phải trả phí. Lượng kiều hối chuyển về được xem là nguồn lực vàng xây dựng, phát triển đất nước vì nguồn tiền này không phải đi vay hay trả lãi.

Chính sách chống đô-la hóa của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thời gian qua (giảm lãi suất tiền gửi USD về 0%/năm, áp dụng cơ chế tỷ giá trung tâm niêm yết hàng ngày, siết lại đối tượng cho vay ngoại tệ) đã không ảnh hưởng đến nguồn kiều hối về Việt Nam để gửi tiết kiệm bằng ngoại tệ như lo ngại. Từ năm 2013, với sự ổn định của tỷ giá, lượng kiều hối chuyển về được bán lại cho ngân hàng chiếm tỷ lệ khá cao, từ 20 - 35%. Năm 2015, con số này đạt trên 22%, nhưng hiện xu hướng này đang tiếp tục tăng trở lại, do lãi suất tiết kiệm USD đã được đưa về 0%. Cùng với đó, lượng lao động Việt Nam đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài gia tăng, chính sách tỷ giá ổn định… 

Chảy mạnh vào sản xuất – kinh doanh

Chủ trương khuyến khích kiều bào về nước đầu tư, cho phép gửi và nhận kiều hối bằng ngoại tệ, giữ ổn định tỷ giá và không bắt buộc phải gửi tiết kiệm vào ngân hàng hoặc bán cho ngân hàng. Dịch vụ chuyển kiều hối qua kênh chính thức rất phát triển, với sự tham gia của nhiều ngân hàng, doanh nghiệp. Đó là nguyên nhân khiến lượng kiều hối chảy về Việt Nam ngày càng gia tăng.

Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, hiện phần lớn lượng kiều hối được người dân sử dụng vào sản xuất - kinh doanh, đầu tư, chứ không cất giữ, chi tiêu hay tập trung vào đầu tư bất động sản, chứng khoán như trước đây. Theo thống kê của NHNN TP. HCM, tỷ lệ kiều hối chảy vào sản xuất - kinh doanh đang chiếm 70,6% tổng kiều hối chuyển về Việt Nam; tỷ lệ kiều hối chuyển vào bất động sản chiếm khoảng 20,7%.

Bất động sản chính là lĩnh vực “hút” kiều hối nhiều nhất, với 4,7 tỷ USD, chiếm 52% tổng doanh số kiều hối năm 2011. Thị trường bất động sản ấm lên trong thời gian gần đây, theo các chuyên gia tài chính – tiền tệ, đã tác động đáng kể đến dòng chảy kiều hối năm 2016.

Lượng kiều hối về Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn chảy vào sản xuất - kinh doanh. Mặt khác, theo lãnh đạo các công ty kiều hối Sacombank, DongA Bank, hiện các kênh đầu tư khác (chứng khoán, gửi tiết kiệm) không còn hấp dẫn. Vì thế, nguồn kiều hối về nước không còn mặn mà gửi tiết kiệm như trước đây, mà bắt đầu xu hướng tìm kênh đầu tư hiệu quả. Trong đó, bất động sản được xem là lĩnh vực nổi trội, có dấu hiệu thu hút kiều hối trở lại hiện nay.

Hiện nguồn kiều hối truyền thống từ Mỹ, Úc, Canada vẫn là nguồn kiều hối lớn nhất của Việt Nam. Xếp sau đó là các thị trường xuất khẩu lao động như Malaysia, Đài Loan và những năm gần đây là thị trường Nhật. Với lực lượng kiều bào đang làm việc và sinh sống tại Nhật Bản ngày càng gia tăng, nhất là lực lượng xuất khẩu lao động…

Tin bài liên quan