Nguồn kiều hối từ Mỹ thường chiếm khoảng 60% tổng lượng kiều hối về Việt Nam

Nguồn kiều hối từ Mỹ thường chiếm khoảng 60% tổng lượng kiều hối về Việt Nam

Kiều hối có thể chững lại vì Fed tăng lãi suất

(ĐTCK) Nhờ chính sách thông thoáng, dòng kiều hối về Việt Nam những năm gần đây đã gia tăng mạnh, tập trung vào các lĩnh vực sản xuất, bất động sản. Tuy nhiên, dòng kiều hối năm nay có phần chững lại do ảnh hưởng bởi nguồn kiều hối từ Mỹ.

Lãnh đạo bộ phận kiều hối của một số ngân hàng thương mại cho biết, với hơn 4 triệu người Việt Nam sinh sống và làm việc tại 187 quốc gia trên thế giới, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam qua các năm gần đây không ngừng tăng trưởng. Bên cạnh đó, những chính sách thông thoáng trong giao thương cũng đã thu hút nguồn vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp từ nước ngoài vào các lĩnh vực sản xuất, bất động sản và chứng khoán... góp phần đưa Việt Nam vào Top 10 quốc gia nhận tiền kiều hối lớn nhất thế giới. Với chỉ tiêu doanh số chi trả kiều hối khoảng 1,6 tỷ USD cho năm 2016, theo lãnh đạo một số ngân hàng, khả năng hoàn thành là có thể.

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính-ngân hàng cho rằng, trong những năm qua, dòng kiều hối trở thành một trong những nguồn vốn quan trọng để bù đắp thâm hụt cán cân thương mại, đồng thời hỗ trợ dự trữ ngoại hối của Việt Nam. Sự gia tăng dòng kiều hối vào Việt Nam thời gian qua có thể được giải thích bằng các yếu tố: cộng đồng người Việt ở nước ngoài ngày càng tăng qua con đường định cư và xuất khẩu lao động; khung chính sách và quy định pháp luật ngày càng được hoàn thiện, khuyến khích kiều bào trở về nước đầu tư, kinh doanh và phục vụ Tổ quốc; hệ thống chính sách quản lý ngoại hối rất thông thoáng, tạo điều kiện cho người Việt ở nước ngoài gửi tiền về nước được thuận lợi, nhanh chóng…

Theo nhận định từ các chuyên gia tài chính-tiền tệ, bên cạnh chính sách quản lý ngoại hối, chính sách đối với người Việt Nam ở nước ngoài cũng là một yếu tố quan trọng trong thu hút dòng kiều hối chảy vào Việt Nam.

Mặt khác, trong quá trình Việt Nam hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, cộng đồng người Việt ở nước ngoài được dự báo sẽ tiếp tục gia tăng cả về số lượng và địa bàn cư trú, cuộc sống ngày càng ổn định hơn…, nhưng vấn đề được các kiều bào quan tâm nhất, đó chính là đầu tư vào đâu để có hiệu quả nhất, bởi môi trường đầu tư tại Việt Nam đang dần cải thiện, đặc biệt khi thị trường bất động sản đang ấm lên cũng tạo sức hút lớn đối với dòng kiều hối.

Ông Trần Văn Trung, Giám đốc Công ty kiều hối Đông Á nhận định, kiều hối sẽ về Việt Nam nhiều hơn cùng với sự phục hồi của thị trường bất động sản. Hiện các thị trường truyền thống như Mỹ, Úc, Canada vẫn là thị trường kiều hối lớn nhất của Việt Nam. Xếp sau đó là các thị trường xuất khẩu lao động Malaysia, Đài Loan và các năm gần đây là thị trường Nhật.

Trong suốt 22 năm qua, dòng tiền này tăng khoảng gần 100 lần, từ mức 0,14 tỷ USD năm 1993 lên 11 tỷ USD năm 2013, và đạt khoảng 13,2 tỷ USD vào năm 2015. Đồng thời, kiều hối có xu hướng gia tăng do hiệu quả của chính sách xuất khẩu lao động, cũng như các chính sách để thu hút dòng kiều hối của Chính phủ. Giai đoạn 2002-2015, dòng kiều hối chiếm khoảng 6,0% GDP, trong khi dòng vốn FDI và ODA vào Việt Nam lần lượt là 7,7% và 3,0% GDP.

Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), năm 2015, Việt Nam đứng thứ 3 tại châu Á và đứng thứ 11 trên thế giới về thu hút kiều hối. Đây là những thành tích nổi bật của Việt Nam trong thu hút nguồn kiều hối. Lượng kiều hối chuyển về Việt Nam tập trung nhiều nhất vào TP. HCM. Trung bình những năm gần đây, lượng kiều hối về khu vực này tăng 10-15%/năm.

Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước – Chi nhánh TP. HCM cho biết, tính đến hết tháng 11/2016, kiều hối về Thành phố đạt khoảng 4,3 tỷ USD. Thông thường, lượng kiều hối dồn về nhiều nhất vào quý cuối năm, chiếm hơn 40% tổng lượng kiều hối cả năm. Trên cả nước, lượng kiều hối ước đạt khoảng 9 tỷ USD, so với dự ước đầu năm từ 11-12 tỷ USD.

Theo ông Minh, lượng kiều hối về TP. HCM năm nay không như dự ước ban đầu do trong tháng 11/2016, lượng kiều hối đã chững lại vì ảnh hưởng của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Việc ông Donald Trump đắc cử, với chính sách ủng hộ nền kinh tế quốc nội và nâng giá trị đồng USD, đã khiến kiều hối về Việt Nam chậm lại.

Thêm vào đó, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã chính thức tăng lãi suất cơ bản đồng USD lên 0,5-0,75% như dự đoán và Chủ tịch Fed, bà Yellen, còn cho biết, cơ quan này sẽ nâng lãi suất cơ bản 3 lần trong năm 2017, sẽ càng tăng tính hấp dẫn cho đồng USD.

Được biết, nguồn cung kiều hối từ thị trường Mỹ chiếm khoảng 60% tổng lượng kiều hối, vậy nên một khi kiều hối từ thị trường này giảm, sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lượng kiều hối về Việt Nam.    

Tin bài liên quan