Kiểm toán Nhà nước: tỷ lệ nợ xấu của VDB cao và tăng nhanh

(ĐTCK) Báo cáo kết quả kiểm toán năm 2015 tại các tổ chức tài chính tín dụng, ngân hàng, bảo hiểm vừa trình Quốc hội mới đây của Kiểm toán nhà nước (KTNN) cho thấy, mặc dù hoạt động kinh doanh có lãi, song còn nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng vẫn gặp khó khăn, việc triển khai thực hiện Đề án các tổ chức tín dụng còn gặp vướng mắc.

Đánh giá về hoạt động của NHNN, báo cáo của KTNN nêu rõ, năm 2014, kinh tế thế giới tiếp tục đà phục hồi nhưng chưa vững chắc, thị trường tài chính tiền tệ quốc tế chứa đựng nhiều rủi ro, giá dầu thô giảm mạnh đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của nhiều nước, gây ra biến động lớn đến tỷ giá của nhiều đồng tiền; trong nước, mặc dù các cân đối lớn được cải thiện nhưng nền kinh tế còn đối mặt với nhiều thách thức.

Trong bối cảnh đó, NHNN đã điều hành tương đối linh hoạt và hiệu quả chính sách tiền tệ, góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế vĩ mô theo kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội:

Về công tác điều hành chính sách tiền tệ, theo đánh giá của KTNN, nhìn chung lượng tiền cung ứng hợp lý, đảm bảo kiểm soát tiền tệ phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước, cơ bản bám sát mục tiêu tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán cả năm; thanh khoản thị trường được cải thiện; mặt bằng lãi suất thị trường tiếp tục giảm từ 1,5-2%/năm so với cuối năm 2013; cơ cấu tín dụng tiếp tục được dịch chuyển theo hướng tích cực, tập trung vào lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, nhất là tín dụng đối với các ngành, lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ, qua đó đã tháo gỡ khó khăn cho sản xuất - kinh doanh.

Đối với hoạt động kinh doanh, kết quả kiểm toán cho thấy các ngân hàng thương mại và công ty bảo hiểm đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động. Cụ thể, theo kết quả kiểm toán, có 10/11 tổ chức tài chính, ngân hàng được kiểm toán kinh doanh có lãi, riêng MHBS bị thua lỗ.

Tuy nhiên, theo báo cáo của KTNN, hoạt động của các tổ chức tài chính, ngân hàng tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.

Báo cáo kiểm toán đã chỉ rõ nhiều đơn vị có tỷ lệ nợ xấu tăng cao. Cụ thể, tỷ lệ nợ xấu của VDB cao và tăng nhanh; việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng chủ yếu thông qua việc bán nợ cho VAMC nhưng xử lý nợ xấu của VAMC chưa hiệu quả; các tổ chức tín dụng phân loại nợ chưa phù hợp, trích lập thiếu dự phòng rủi ro tín dụng, cho vay không đúng quy định nên chưa thu hồi được nợ; VDB cân đối giữa huy động và sử dụng vốn chưa phù hợp, dẫn đến tồn đọng vốn lớn làm gia tăng cấp bù chênh lệch lãi suất từ NSNN, chưa xây dựng hệ thống kiểm soát theo dõi, đánh giá về chất lượng tài sản có, quy định về quản lý thanh khoản, quản lý rủi ro theo quy định;

Bên cạnh đó, Ngân hàng Chính sách xã hội có nhiều khoản nợ đến hạn phải xin gia hạn hoặc chuyển nợ quá hạn; việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị nội bộ của một số ngân hàng thương mại còn bất cập, chưa đáp ứng được yêu cầu quản lý;

Báo cáo về tình hình thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011 – 2015, KTNN nếu rõ số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần đã giảm dần thông qua sáp nhập, hợp nhất và mua lại một số ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém; hệ thống các tổ chức tín dụng nói chung, các ngân hàng thương mại nói riêng đã được lành mạnh hoá cơ bản với việc tập trung xử lý nợ xấu, tăng cường tính thanh khoản, kiểm soát chặt chẽ rủi ro tín dụng và nâng cao khả năng cạnh tranh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của KTNN, quá trình triển khai và thực hiện Đề án các tổ chức tín dụng còn gặp phải một số khó khăn, vướng mắc. Cụ thể, việc tăng vốn điều lệ; một số quy định trong việc bán nợ cho VAMC; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam phải thực hiện chính sách về cho vay nông nghiệp nông thôn, trong khi vẫn phải đảm bảo các tỷ lệ an toàn trong hoạt động theo quy định của NHNN.

Việc sáp nhập các ngân hàng yếu kém có chất lượng tín dụng không tốt, tạo áp lực lớn trong việc đảm bảo mục tiêu kiểm soát tỷ lệ nợ xấu dưới 3% và đảm bảo các mục tiêu hiệu quả hoạt động như cam kết tại Phương án cơ cấu lại; quy định tổ chức tín dụng sở hữu cổ phần trên 5% tại các tổ chức tín dụng khác phải thoái vốn trong thời gian 1 năm sẽ ảnh hưởng đến giá bán, lợi ích của tổ chức tín dụng.

Tin bài liên quan