Kiểm soát chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào sản xuất

Kiểm soát chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn vào sản xuất

Tại Phiên họp thứ 15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội diễn ra sáng nay, khi cho ý kiến vào Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội năm 2017 và dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2018, Thường vụ Quốc hội nhấn mạnh tăng trưởng tín dụng phải đẩm bảo chất lượng, hướng dòng vốn vào sản xuất.

Theo Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, tính đến ngày 20/9/2017, so với cuối năm 2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 9,59% (cùng kỳ tăng 11,76%); huy động vốn tăng 10,08% (cùng kỳ tăng 12,02%); tín dụng tăng trưởng 11,02% (cùng kỳ tăng 10,46%).

Nhằm mục tiêu đáp ứng thêm nhu cầu vốn cho nền kinh tế, nhất là khu vực sản xuất, kinh doanh và các lĩnh vực ưu tiên, mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay có thể vượt 18% như đề ra ban đầu, tăng khoảng 21% so với năm 2016.

“Trong 9 tháng đầu năm, tín dụng mới tăng trên dưới 12%, trong 3 tháng còn lại liệu có tăng thêm được 9-10% nữa không để đạt mục tiêu tăng 21%. Tốc độ tăng trưởng tín dụng 21% liệu nền kinh tế có hấp thụ được không? Lĩnh vực nào hấp thụ nguồn vốn này, là thị trường bất động sản, chứng khoán hay sản xuất, kinh doanh?”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đặt ra hàng loạt câu hỏi.

Tôi đồng ý tăng trưởng tín dụng có tác động tích cực hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng chỉ là trong ngắn hạn, còn trong dài hạn, tăng trưởng tín dụng có thể tạo rủi ro cho nền kinh tế nếu nguồn vốn không đi vào sản xuất, kinh doanh mà đi vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán vì sẽ tạo ra bong bóng trên thị trường

- Chủ tịch Quốc hội
Nguyễn Thị Kim Ngân.

Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN), ông Nguyễn Đồng Tiến cho biết, đầu năm 2017, NHNN đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% căn cứ vào các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô đã được Quốc hội thông qua như tốc độ tăng trưởng kinh tế 6,7%; chỉ số giá tiêu dùng bình quân tối đa 4%...  

“Khi đặt ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% trong năm nay, NHNN cũng đặt ra định hướng điều hành tốc độ tăng trưởng tín dụng phải phù hợp với tình hình hoạt động sản xuất, kinh doanh thực tế, tức là có thể đạt, có thể cao hơn và cũng có thể thấp hơn mục tiêu đã đặt ra”, ông Tiến cho biết.

Trong điều hành thực tế, ông Tiến cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6,7% đã được Quốc hội thông qua, NHNN đã nghiên cứu và đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng lên 21%.  

“Mục tiêu này đảm bảo nguyên tắc vừa thận trọng vừa linh hoạt, tránh tác động bất ngờ đến kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và an toàn hệ thống ngân hàng, tín dụng”, ông Tiến nhấn mạnh.

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới, trong quý 3 vừa qua, các ngân hàng thương mại đã đã mở rộng cho vay. Vì vậy, tính đến ngày 9/10, theo số liệu vừa được NHNN cập nhật thì tăng trưởng tín dụng đã đạt 11,8%, cao hơn một chút so với cùng kỳ năm trước.

Đến thời điểm này tốc độ tăng trưởng tín dụng, theo ông Tiến không chỉ cao hơn cùng kỳ năm 2016 mà mặt bằng lãi suất tương đối ổn định, lãi suất cho vay giảm dần nhờ việc điều chỉnh giảm 0,25%/năm lãi suất điều hành; giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn hạn đối với các lĩnh vực ưu tiên, qua đó đã hỗ trợ vốn cho nền kinh tế, cơ cấu tín dụng tích cực, tập trung vào sản xuất, kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên.

“Tốc độ tăng trưởng tín dụng bất động sản thấp hơn các lĩnh vực khác và thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Nguồn vốn ngân hàng đã và đang tập trung cho nông nghiệp công nghệ cao, xuất khẩu… Nhằm tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hơn nữa trong quý 4 để đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm là 6,7%, NHNN đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Mặc dù vậy, trong 3 tháng cuối năm, chúng tôi vẫn điều hành thị trường một cách thận trọng, đảm bảo chất lượng tín dụng, đảm bảo nhu cầu vốn cho các lĩnh vực được ưu tiên, kiểm soát rủi ro. Tóm lại, nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng, nhưng NHNN vẫn kiểm soát được chất lượng tín dụng cũng như an toàn hệ thống ngân hàng”, ông Tiến khẳng định.  

Để đạt được tốc độ tăng trưởng tín dụng 21%, trong quý 4, tốc độ này phải tăng thêm khoảng 10%, tức là gần bằng 9 tháng đầu năm. Không khẳng định liệu có đạt được hay không, nhưng ông Tiến cho rằng, theo quy luật, tốc độ tăng trưởng tín dụng 3 tháng cuối năm bao giờ cũng cao hơn 9 tháng đầu năm và bình quân cả năm.

“Chúng tôi tiếp tục theo dõi, bám sát diễn biến của kinh tế vĩ mô để kiểm soát tín dụng phù hợp. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 18% vẫn tiếp tục thực hiện, nhưng nếu tiếp tục kiểm soát lạm phát tốt, các cán cân kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, chất lượng tín dụng tiếp tục được cải thiện, NHNN có thể nới room tín dụng năm nay ở mức trên 18% như dự kiến ban đầu”, ông Tiến thông tin.

“Tôi đồng ý tăng trưởng tín dụng có tác động tích cực hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, nhưng chỉ là trong ngắn hạn, còn trong dài hạn, tăng trưởng tín dụng có thể tạo rủi ro cho nền kinh tế nếu nguồn vốn không đi vào sản xuất, kinh doanh mà đi vào thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán vì sẽ tạo ra bong bóng trên thị trường. Bộ Tài chính lưu ý, thị trường chứng khoán đang tăng rất cao, vì sao thị trường này tăng, có phải tăng nhờ vốn vay ngân hàng hay không?”, Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân lưu ý.

Chủ tịch Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị NHNN chú ý kiểm soát chất lượng tín dụng, đảm bảo cân đối nguồn vốn hợp lý, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh; đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, cho đối tượng ưu tiên để tạo ra sản phẩm hàng hóa.

Tin bài liên quan