Kịch bản điều hành tỷ giá

Kịch bản điều hành tỷ giá

Theo Nghị quyết phiên họp Chính phủ với các địa phương và phiên họp thường kỳ tháng 6/2018 vừa ban hành, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước(NHNN) xây dựng kịch bản điều hành tỷ giá hạn chế tác động tiêu cực từ tài chính thế giới.

Xây dựng kịch bản điều hành tỷ giá

Tỷ giá tại ngân hàng khá bình lặng trong phiên giao dịch sáng ngày 13/7, nhưng đến chiều lại rục rịch tăng và đến sáng ngày 14/7, tại Vietcombank, giá mua vào là 23.010 VND/USD và bán ra 23.080 VND/USD, tăng 5 đồng so với cuối phiên giao dịch ngày trước đó.

Tỷ giá tại Vietcombank đã tăng 15 đồng so với đầu tuần. VietinBank niêm yết ở mức 23.009 - 23.089 VND/USD, tăng 4 đồng so với ngày 12/7. Sacombank là ngân hàng mua bán USD với mức giá cao nhất trong các ngân hàng thương mại, với 23.011 đồng/USD mua vào và bán ra ở mức 23.104 đồng/USD

Trên thị trường tự do, giá bán USD tăng thêm 40 đồng, lên mức 23.230 đồng/USD; giá mua đã lên 23.180 VND/USD. Tính từ đầu tuần đến cuối tuần qua, giá bán USD trên thị trường tự do đã tăng khoảng 80 đồng; chênh lệch mua - bán nới rộng lên mức 50 đồng.

Trong khi đó, tỷ giá trung tâm ngày 14/7 được NHNN công bố ở mức 22.648 đồng/USD, giảm 4 đồng so với mức công bố sáng 12/7. Đây là phiên giảm đầu tiên sau 4 phiên gần đây của tỷ giá này. Với biên độ +/-3% đang được áp dụng, tỷ giá trần mà các ngân hàng được áp dụng ngày 13/7 là 23.327 VND/USD, tỷ giá sàn 21.969 VND/USD.

Nguyên nhân tỷ giá tăng trong thời gian gần đây chủ yếu liên quan đến chiến tranh thương mại Trung - Mỹ khiến nhân dân tệ giảm giá, việc bán ròng của nhà đầu tư nước ngoài, dấu hiệu lạm phát tăng nhẹ.

Ông Bùi Quốc Dũng, Trợ lý Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho rằng, tỷ giá mới tăng 1,4% từ đầu năm đến nay, thay đổi không nhiều, nhưng tâm lý nhiều người có vẻ hoang mang khi tỷ giá vượt ngưỡng 23.000 đồng/USD. Theo ông Dũng việc tỷ giá tăng như vậy là bình thường. Chính phủ vừa yêu cầu NHNN xây dựng kịch bản điều hành tỷ giá hạn chế tác động tiêu cực từ tài chính thế giới.

Trước diễn biến của tỷ giá gần đây, NHNN đã chính thức phát đi thông điệp can thiệp vào biến động tỷ giá. NHNN đã điều chỉnh giảm 1% giá bán USD cho các thành viên tham gia thị trường... Sau sự can thiệp của NHNN, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại có phần hạ nhiệt về dưới 23.100 đồng/USD vào những ngày đầu tháng 7, nhưng nay lại tăng.

Trước đó, ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) cho biết, NHNN sẽ lưu tâm đến các động thái của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) về lãi suất cũng như tác động của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung. Nếu cần thiết, NHNN sẽ bán ngoại tệ với tỷ giá thấp hơn tỷ giá bán niêm yết hiện nay để bình ổn thị trường.

Ổn định lãi suất để ghìm cương tỷ giá

Sự can thiệp của NHNN bằng cách hạ giá bán USD đã được thực hiện nhiều lần trong quá khứ mỗi khi tỷ giá căng thẳng. Còn khi tỷ giá bình lặng, nguồn cung dồi dào, cơ quan này lại mua vào nhằm gia tăng dự trữ ngoại hối.

Sự biến động trên thị trường tài chính quốc tế đang có những tác động nhất định đến thị trường tiền tệ Việt Nam. TS. Võ Trí Thành, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia nhấn mạnh, để ổn định giá trị đồng nội tệ, ghìm cương tỷ giá, việc duy trì lãi suất ở mức hợp lý có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Lãi suất cần phải điều hành nhuần nhuyễn, đảm bảo giữ được mục tiêu lớn là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, nhưng vẫn hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Theo TS. Thành, lãi suất được coi là một trong những công cụ góp phần kiềm chế lạm phát, gắn với nhiệm vụ bảo vệ giá trị đồng tiền. Việc điều chỉnh lãi suất phù hợp với diễn biến lạm phát,  bám sát biến động tỷ giá để đảm bảo nguyên tắc giữ tiền đồng có lợi hơn USD. “Tỷ giá năm nay được một số chuyên gia dự báo tăng 3%, nhưng theo tôi, tỷ giá chỉ tăng khoảng 2%, lạm phát khoảng 4%”, TS. Thành nói.

Trong khi đó, dự báo về tỷ giá, các chuyên gia của Công ty cổ phần Chứng khoán MB (MBS) cho rằng, NHNN sẽ chỉ tăng nhẹ tỷ giá VND/USD thêm từ 1 - 1,5% trong nửa cuối năm 2018, nhằm cân đối 2 mục tiêu là ổn định vĩ mô và hỗ trợ xuất khẩu.

Theo các chuyên gia, quá trình bình thường hóa chính sách tiền tệ của Fed tiếp tục diễn ra theo lộ trình sẽ tiếp tục hỗ trợ đà tăng của USD, song không đáng ngại do thông tin trên đã được thị trường phản ánh từ trước. Năm 2018, NHNN đã lường trước được biến động tăng giá của USD, nên hoàn toàn chủ động trong việc điều hành tỷ giá linh hoạt trong biên độ an toàn. NHNN vẫn quy định mức lãi suất 0% đối với tiền gửi USD. Mức chênh lệch lãi suất tiền gửi USD và VND ở mức khá cao.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: “NHNN luôn chủ động các phương án để điều hành tỷ giá và sẵn sàng can thiệp thị trường ngoại tệ khi cung - cầu thị trường ngoại hối có vấn đề, nhằm đảm bảo thị trường ngoại tệ được thông suốt”.

TS. Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) cho rằng, Việt Nam có đủ lực để điều hành tỷ giá giảm trong mức dự kiến. “Theo dự báo, năm nay, việc cổ phần hóa sẽ tạo nguồn thu  40 - 50 tỷ USD, trong khi vốn đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán, bất động sản cũng là nguồn ngoại hối vô cùng quan trọng”, ông Tín nói.

Tin bài liên quan