Mất quyền thì buồn thôi!
Việc được điều động sang DongA Bank có là điều bất ngờ? Ông có cảm thấy bối rối?
Được đưa về lại NHTM là một bất ngờ đối với cá nhân tôi và đưa về DongA Bank càng là một bất ngờ lớn vì trước đó, NHNN dùng những NHTM Nhà nước để hỗ trợ các NHTM cổ phần gặp khó khăn trong quá trình tái cơ cấu.
Còn với DongA Bank, như chúng ta đều biết, ban đầu NHNN cũng dự kiến đưa người của một NHTM Nhà nước vào giúp DongA Bank, tuy nhiên sau đó, NHNN quyết định đưa người của NHNN vào. Tôi cho rằng, có lẽ do quá trình công tác của mình trước đây tại NHTM nên Ban lãnh đạo NHNN đã có quyết định điều động.
Tôi bất ngờ về việc chuyển đổi, nhưng công việc thì không bất ngờ vì đã có thời gian ở NHTM khá lâu. Do đó, tôi không một chút bối rối, dù cũng không có nhiều hiểu biết về mức độ khó khăn của DongA Bank. Đặc biệt, với cá nhân tôi đã từng đảm nhiệm công tác củng cố hoạt động của một chi nhánh ngân hàng lớn, thì việc củng cố hoạt động của một ngân hàng có quy mô vừa là không có gì quá băn khoăn. Tôi nhận lệnh điều động mà không cảm thấy bối rối.
Ngày đầu sang DongA Bank chỉ có một mình, ông có gặp phiền phức liên quan đến câu chuyện “người mới, người cũ”?
Khi mình về làm lãnh đạo, quản lý điều hành một DN sẽ không tránh khỏi việc có người suy nghĩ về người mới, người cũ. Nhưng một nhà quản trị chuyên nghiệp sẽ biết cách làm dịu mâu thuẫn (nếu có) về người cũ, người mới cho tới lúc họ hội nhập được vào môi trường văn hóa của DN. Tất nhiên, môi trường văn hóa của DN lúc đấy sẽ được gây dựng lại theo định hướng của nhà quản trị mới.
Tôi đang thực hiện nhiệm vụ được giao là củng cố, mà muốn củng cố ở đâu đó thì phải cải tổ, cách tân, đổi mới…, như vậy làm sao hài lòng được tất cả! Những ai phù hợp, cho thấy nhiệt huyết, nỗ lực, đi với DongA Bank trong giai đoạn khó khăn này thì mình mong và tạo mọi điều kiện. Còn người quay lưng, sau một thời gian thuyết phục thì cũng đành chịu. Cán bộ bỏ đi nếu phần lớn là cán bộ tốt thì mình phải xem lại cách quản trị, chính sách đãi ngộ, nhưng tôi thấy may mắn là điều này chưa xảy ra dù đã qua giai đoạn căng thẳng nhất.
Những người làm mình buồn lòng nhiều là những người cảm thấy mất đi quyền hạn, quyền lợi khi lệnh kiểm soát đặc biệt đến, nên người ta không hài lòng với những người thực hiện cái lệnh này, trong đó có tôi. Nhưng đó là cái lệnh không thể khác, buộc phải đưa ra của NHNN. Do đó, mâu thuẫn nếu có ở đây là mâu thuẫn của những cá nhân gây ra sai phạm và những người quản lý mới, chứ không phải là mâu thuẫn của đại đa số cán bộ nhân viên của DongA Bank với người quản lý mới.
Ông Võ Minh Tuấn
Nhưng tôi biết, có những người trong đội ngũ lãnh đạo cũ hiểu những việc đang được triển khai tại DongA Bank là đúng, là cần phải làm, nhưng vì những tình cảm nhất định nên họ tạm thời im lặng. Tôi tôn trọng những tình cảm đó và vẫn chờ đợi.
Có khi nào ông thấy mình cô đơn?
Tôi không cảm nhận được cô đơn, dù biết trước mắt là thách thức, nhưng tôi cũng biết đứng sau mình là sự ủng hộ của Ban lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức của NHNN vì việc đưa DongA Bank vào diện kiểm soát đặc biệt là để giúp ngân hàng này. Bên cạnh đó, khi làm việc thì bằng tâm, trí, lực, trách nhiệm, thì quả thực, tôi chưa có thời gian để thấy cô đơn.
Nhưng có câu nói “nước xa không cứu được lửa gần”?
Đội ngũ cán bộ nhân viên của DongA Bank không phải là “lửa”. Tại thời điểm tháng 8 năm ngoái khi tôi sang, nếu có thêm hiểu biết về cán bộ nhân viên DongA Bank, tôi sẽ yên tâm hơn. Còn hiện tại, tôi đã có những hiểu biết thực trạng DongA Bank, hiểu được văn hóa, giá trị cốt lõi của Ngân hàng cũng như những ứng xử của cán bộ nhân viên DongA Bank. Tôi tin, DongA Bank sẽ tiếp tục tồn tại, củng cố và phát triển nếu có được những người điều hành đúng.
Người điều hành đúng - câu chuyện có lẽ không riêng của DongA Bank mà còn của rất nhiều ngân hàng khác đang vướng phải và vẫn chưa giải quyết được. Có vẻ như tiến trình phát triển của DongA Bank sẽ bị chậm lại?
Không phải là tôi quá lạc quan, nhưng tôi cho rằng, thực hiện điều này không khó. Bởi điều hành đúng là trước hết làm đúng những quy luật của pháp luật cho phép và hệ thống văn bản chính sách của NHNN về quản lý hoạt động ngân hàng ngày càng rõ ràng, ngày càng tạo quyền tự chủ cho các NHTM.
Lãnh đạo ngân hàng điều hành, tuân thủ trong hành lang pháp lý đó, đừng chạy theo lợi ích riêng, chỉ tiêu hào nhoáng vượt ra ngoài khả năng của Ngân hàng. Đồng thời, theo đuổi những giá trị bền vững, những giới hạn mà NHNN đặt ra về cho vay, kinh doanh, đầu tư thì Ngân hàng sẽ phát triển ổn định và các cổ đông sẽ vẫn gặt hái được cổ tức bền vững.
Khi chính thức bắt tay vào công việc, điều gì ông thấy khó khăn nhất để giải quyết?
DongA Bank đang trong giai đoạn kiểm soát đặc biệt, tôi được NHNN cử về đóng vai trò người của NHNN để củng cố DongA Bank, duy trì ngân hàng này trong giai đoạn hiện tại. Sau này, khi đã trả lời được câu hỏi, chủ sở hữu thực sự là ai, lúc đó tôi sẽ chuyển giao vai trò quản lý, điều hành với tư cách Chủ tịch HĐQT sang cho người chủ sở hữu thực sự.
Khi bắt tay vào làm việc, tôi thấy mức độ khó khăn, thách thức lớn hơn các trường hợp tôi đã trải qua trước đây. Câu chuyện ở đây không phức tạp về nghiệp vụ ngân hàng, mà phức tạp trong ứng xử giải quyết các vấn đề để làm sao hài hòa mục tiêu quản lý của NHNN đối với một ngân hàng đang bị khó khăn, mà không đụng chạm quá nhiều tới quyền lợi của những cổ đông lớn của DongA Bank trong khi chờ đợi phương án cuối cùng đưa ra từ NHNN.
Và không có “chiếc đũa thần” hay “phép lạ” nào để giải quyết việc này. Tất cả chỉ là sự tận tụy, trách nhiệm và quyết tâm trong việc thực hiện nhiệm vụ được giao. Bây giờ còn rất rất sớm để nói về việc củng cố DongA Bank có thành công hay không. Nhưng tôi có niềm tin là DongA Bank có cơ hội thành công khi được điều hành bởi những người có tâm, tầm, trách nhiệm, phương pháp và bước đi đúng đắn.
Nếu đề cập đến một giải pháp cụ thể hơn nhằm giải quyết vấn đề này, ông sẽ nói gì?
Vấn đề sở hữu nói lên tất cả, nên cần phải giải quyết vấn đề sở hữu trước, còn các giải pháp đưa ra sẽ ở phía sau. Ví dụ, với một ngân hàng khó khăn lớn như hiện nay, phải để những người chủ sở hữu thực sự đưa ra con đường, hướng đi, triển khai và chịu trách nhiệm.
Những giải pháp mà HĐQT, Ban lãnh đạo bây giờ đưa ra là những giải pháp do HĐQT suy nghĩ phù hợp tại thời điểm hiện tại, nhưng nếu mai này DongA Bank mời được cổ đông chiến lược bỏ vốn, thì HĐQT mới sẽ phải quyết định việc đi tiếp phương án của HĐQT bây giờ xây dựng hay sẽ có phương án mới. Điều này sẽ do chủ sở hữu mới quyết định.
Vậy tiến trình tìm cổ đông chiến lược của DongA Bank đến đâu?
Ngân hàng vẫn đang tìm đối tác chiến lược, nhưng tình hình kinh tế Việt Nam cho thấy, để tìm một đối tác chiến lược trong nước khá là khó khăn nên có hướng tìm đối tác chiến lược nước ngoài. Việc này được giao cho HĐQT tìm kiếm, nếu không có đối tác chiến lược nước ngoài, việc kéo dài tình trạng hiện nay của DongA Bank là không thể, phải có quyết định dứt khoát.
Cho đến thời điểm hiện tại, HĐQT vẫn chưa tìm được đối tác nào khả dĩ để trở thành đối tác chiến lược của DongA Bank, nên có lẽ NHNN sẽ đưa ra quyết định của mình khi trình Chính phủ phương án tái cơ cấu DongA Bank.
Ông có lo lắng về tương lai của DongA Bank?
Khi đến các đơn vị kinh doanh, chi nhánh, tôi luôn nói rõ: DongA Bank sẽ tồn tại, củng cố, phát triển, hoạt động sẽ hiệu quả dần lên. Lãi hay lỗ cuối cùng sẽ do người chủ sở hữu hưởng hay chịu, còn người làm công ăn lương sẽ phải được đãi ngộ, trả công một cách đầy đủ, tiệm cận với thị trường.
Quan điểm của tôi là để củng cố DongA Bank, cần nguồn lực là con người, hiền tài và nhân tài. Hiền tài ở DongA Bank không thiếu. Còn nhân tài, với chế độ, chính sách thỏa đáng sẽ đón được. Đón vào được mà giúp một thời gian, hòa quyện vào văn hóa DongA Bank sẽ trở thành hiền tài.
Có 3 lý do mà tôi tin vào sự phục hồi của DongA Bank: Con người: Thân thiện, chia sẻ. Điều này không phải do cảm nhận mà là tôi “nhặt” được khi nói chuyện với khách hàng, cơ quan quản lý, các cán bộ của NHNN. Khách hàng: Không có một ngân hàng trong diện kiểm soát đặc biệt nào mà chỉ trong vòng 3 tháng nguồn tiền gửi dương trở lại. Ở đâu đó có sự biểu hiện của giá trị thương hiệu ở đây.
Lý do cuối cùng là sự hỗ trợ của NHNN: Không có một ngân hàng nào mà sau mới 2 tháng kiểm soát đặc biệt được cho phép cho vay trở lại, cung cấp những sản phẩm đầy đủ trên thị trường 1, sau tháng thứ 3 lại được tiếp tục giao dịch trên thị trường 2 và đến thời điểm hiện tại thì đang hoạt động kinh doanh rất bình thường, không có kiểm soát đặc biệt. Kiểm soát có chăng là kiểm soát về chi phí, đầu tư vì vẫn còn đó những nỗi lo cho sự phục hồi, nên cơ quan quản lý phải thận trọng.
Về chiến lược phát triển của DongA Bank trong thời gian tới, ông sẽ chia sẻ điều gì?
Thế mạnh của DongA Bank là hoạt động ngân hàng bán lẻ. Chúng tôi có hàng triệu khách hàng thường xuyên sử dụng các dịch vụ tiền gửi, thanh toán, vay tiêu dùng và sản xuất kinh doanh quy mô trung bình…
Theo đó, chiến lược phát triển của DongA Bank trong thời gian tới là ngày càng hoàn thiện chất lượng sản phẩm dịch vụ và chất lượng phục vụ để đáp ứng sự tin yêu của hàng triệu khách hàng đã, đang và sẽ dành cho DongA Bank.