Không thể an toàn về nợ công

Không thể an toàn về nợ công

Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng cho biết, tính đến ngày 31/12/2013, nợ công bằng 53,5% GDP, nợ chính phủ tương đương 41,7% GDP, nợ nước ngoài tương đương 37,2% GDP. Các con số này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào cuối tháng này.

 “Các mức nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài trên vẫn trong giới hạn đảm bảo an ninh tài chính quốc gia”, ông Dũng khẳng định.

So với 3 năm gần đây, nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài năm 2013 đang dần được kiểm soát (xem bảng), tuy nhiên, nhiều chuyên gia kinh tế và đại biểu Quốc hội vẫn lo lắng rằng, “nợ nần” ngày một nguy hiểm đến an ninh tài chính của đất nước.

Theo TS. Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, việc nợ công rơi vào nguy cơ mất ổn định không nằm ở các con số được công bố, cũng không thể so sánh theo kiểu số học với khuyến cáo về giới hạn an toàn của Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) hay các định chế tài chính khác (nợ công tối đa là 65% GDP, nợ nước ngoài tối đa là 50% GDP), mà nguy cơ mất ổn định phải căn cứ vào tốc độ tăng nợ công về số tuyệt đối hàng năm lớn; nợ ngắn hạn quá lớn dẫn đến áp lực trả nợ hàng năm gia tăng; thu ngân sách tăng chậm (do thực hiện miễn, giảm thuế thuế nội địa và nguồn thu từ hoạt động xuất - nhập khẩu); cách tính nợ công chưa chuẩn nên con số nợ công không chính xác; chi tiêu cho bộ máy hành chính ngày càng lớn khiến số tiền tích lũy để trả nợ bị “mất phần”…

Nợ công giai đoạn 2010-2013 (%GDP)
Chỉ tiêu
Năm 2010
Năm 2011
Năm 2012
Năm 2013
 Nợ công
56,3
54,9 55,7
53,5
 Nợ nước ngoài
42,2 41,5 41,4 37,2
 Nợ chính phủ
44,6 43,2
43,3 41,7

“Năm 2013, việc ngân sách phải huy động gần 300.000 tỷ đồng, tăng 100.000 tỷ đồng so với năm 2012 sẽ khiến áp lực trả nợ đè nặng lên chính sách tài khóa năm 2014 và các năm tiếp theo. Trước mắt, năm nay có khoảng 122.742 tỷ đồng trái phiếu chính phủ huy động các năm trước đến hạn phải thanh toán, trong khi ngân sách năm 2014 dự toán thấp hơn năm 2013, buộc ngân sách phải gia tăng vay nợ (phát hành trái phiếu chính phủ) không chỉ khiến nợ công gia tăng, mà còn gây áp lực lên thị trường tiền tệ và ảnh hưởng đến việc tiếp cận vốn của khu vực doanh nghiệp”, ông Thiên lo ngại và cho rằng, nếu lấy khuyến cáo của các tổ chức quốc tế làm thước đo, thì nợ công của Việt Nam vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, nhưng nếu tính theo đúng thông lệ quốc tế, thì nợ công của Việt Nam đã rơi vào báo động đỏ.

“Theo thông lệ quốc tế, nghĩa vụ trả nợ hàng năm của Chính phủ tối đa chỉ bằng 25% thu ngân sách, trong khi đó, năm 2013, con số này đã lên tới 26,7% thu ngân sách. Vậy thì không thể an tâm về nợ công được”, ông Thiên lý giải.

Mặc dù tỷ lệ nợ công/GDP vẫn nằm trong ngưỡng an toàn, song

TS. Vũ Nhữ Thăng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính (Bộ Tài chính) lại lo ngại về nợ công ở khía cạnh số tiền lãi phải trả hàng năm cho số tiền đã vay nợ ngày một tăng. Cụ thể, nếu như năm 2010, ngân sách phải trả nợ 1.323,65 triệu USD và gần 24.503 tỷ đồng (cả lãi và phí), thì đến năm 2012, phải trả 2.673,75 triệu USD và hơn 50.520 tỷ đồng (cả lãi và phí). Còn trong quý I/2014, tình hình trả nợ cả gốc lẫn lãi vẫn tiếp tục căng thẳng, khi số tiền chi ra để trả nợ đã chiếm 12,8% tổng chi ngân sách nhà nước và chiếm 14,8% tổng thu ngân sách nhà nước, với số tuyệt đối là 29.155 tỷ đồng.

Theo ông Thăng, áp lực trả nợ ngày càng căng thẳng hơn, do chi thường xuyên cho bộ máy hành chính đang tăng dần so với tổng chi, từ mức 50,4% năm 2005 lên 61,7% năm 2012, trong đó các khoản chi cho lương, phụ cấp và các khoản chi theo lương đã chiếm 50% tổng chi thường xuyên (tương đương 30% tổng chi ngân sách). Còn trong 3 tháng đầu năm 2014, ngân sách đã phải dành ra 145.468 tỷ đồng để chi thường xuyên, chiếm tới 62,66% tổng chi ngân sách (232.160 tỷ đồng).

Không bình luận các con số về nợ công, nhưng ông Huỳnh Văn Tiếp (đại biểu Quốc hội tỉnh Cần Thơ) và Trịnh Thế Khiết (đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội) lại có nỗi lo trước tình trạng đầu tư công dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả sẽ khiến nợ công ngày càng trở nên khó kiểm soát.

Lấy dẫn chứng Dự án Đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình đội vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng, gấp hơn 1,3 lần tổng mức đầu tư ban đầu (là 3.734 tỷ đồng) và Dự án Đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn 339 triệu USD, ông Huỳnh Văn Tiếp nhận định, Việt Nam là quốc gia quá lãng phí trong đầu tư công, quá dễ dãi trong việc cho điều chỉnh tổng mức đầu tư.

“Ai phải chịu trách nhiệm về việc để các công trình đầu tư bằng tiền đi vay đội vốn?”, ông Tiếp đặt câu hỏi và cho rằng, nếu không kịp thời chấn chỉnh, thì nợ công sẽ ngày một phình to, không thể kiểm soát được, vì công trình, dự án đầu tư bằng nguồn vốn đi vay phải điều chỉnh tổng mức đầu tư, nên ngân sách cứ phải “cố” huy động đủ tiền cho các dự án này.        

Tin bài liên quan