Không tài sản, đừng mơ vay vốn

Lo ngại rủi ro, đa số ngân hàng thương mại không mặn mà với cho vay tín chấp, dù Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có văn bản đẩy mạnh hình thức cho vay này.
Không tài sản, đừng mơ vay vốn

Siết chặt cho vay do khó đòi nợ, sợ bị lừa

Vừa qua, nhiều ngân hàng tại Hà Nội đã nhận được văn bản cảnh báo về việc khách hàng giả mạo giấy tờ để vay vốn của Phòng An ninh tài chính - tiền tệ - đầu tư (PA84, thuộc Công an TP. Hà Nội). Lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, thời gian gần đây, cán bộ ngân hàng không chỉ đau đầu đối phó với nạn thẻ tín dụng giả, mà giấy tờ vay giả mạo cũng ngày càng tinh vi, khiến nguy cơ cán bộ tín dụng mắc bẫy rất cao.

“Nhiều người kiến nghị, trong bối cảnh tín dụng tăng chậm, ngân hàng phải cởi bỏ thủ tục, nới điều kiện vay thông thoáng để giải ngân. Song thực tế, kinh tế càng khó khăn, ngân hàng càng phải ‘soi’ kỹ hồ sơ vay, bởi các thủ đoạn lừa đảo ngày càng tinh vi”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cổ phần khẳng định.

Không chỉ đứng trước nguy cơ bị làm hồ sơ vay giả, các ngân hàng cũng đang trong cảnh gian nan đòi nợ…

Phát biểu tại Hội nghị Sơ kết ngành ngân hàng Hà Nội 6 tháng đầu năm, đại diện nhiều ngân hàng như Vietcombank, SHB, Maritime Bank… cho biết, thu hồi nợ là một trong những khó khăn lớn nhất của ngân hàng hiện nay. “Việc phát mại tài sản khó do nền kinh tế đang gặp khó khăn, hành lang pháp lý để xử lý tài sản đảm bảo còn thiếu. Tỷ lệ thi hành án thành công rất thấp”, đại diện Vietcombank Chi nhánh Hà Nội lo lắng.

Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội cũng khẳng định, tín dụng tăng thấp một phần do ngành ngân hàng không nhận được sự hợp tác của khách hàng trong giải quyết dứt điểm nợ xấu.

Trên thực tế, tín dụng đã khởi sắc trở lại vài tháng gần đây, song vốn rót chủ yếu vào các tập đoàn, doanh nghiệp nhà nước, các dự án đầu tư công, trong khi khối doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn trong tình trạng đói vốn do thiếu tài sản đảm bảo, nợ xấu cao.

Ông Hoàng Việt Trung, Phó giám đốc NHNN Chi nhánh Hà Nội cho biết, tính đến ngày 30/6, dư nợ của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa là 288.000 tỷ đồng. Trong đó, có tới 19.000 tỷ đồng là nợ xấu, chiếm 6,6% tổng dư nợ. 

Rõ ràng là sự thận trọng của ngân hàng đang khiến cánh cổng tiếp cận vốn của doanh nghiệp ngày càng khép chặt hơn. Bà Lưu Thị Tuyết, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Công ty TNHH An Lộc Sơn, doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu chè nổi tiếng ở Thái Nguyên cho biết, dù hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên, song Công ty vẫn đang phải vay vốn của VietinBank, MB, SeABank với lãi suất ngắn hạn khoảng 10%/năm. Và việc vay vốn cũng không dễ.

Ngân hàng lắc đầu với doanh nghiệp “tay không bắt vốn”

Trong bối cảnh tín dụng có nguy cơ “vỡ chỉ tiêu” đặt ra, NHNN vừa có văn bản thúc giục ngân hàng thương mại cho vay tín chấp, dựa trên cơ sở thông tin tín dụng về doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong bối cảnh

đòi nợ khó, các ngân hàng vẫn lắc đầu với những doanh nghiệp “tay không bắt vốn”.

Bà Trần Thị Miền, Giám đốc Công ty cổ phần Thương mại Phương Mai (Thái Nguyên), hoạt động trong nhiều lĩnh vực cho biết, hiện nhiều ngân hàng trên địa bàn Thái Nguyên tha thiết mời doanh nghiệp này vay vốn, song lại không cho vay tín chấp, lãi suất vay lại khá cao, nên doanh nghiệp không muốn vay, dù vẫn có nhu cầu.

Tương tự, ông Trần Xuân Mỹ, chủ trang trại nuôi heo quy mô hơn 1.000 con tại Phú Thọ cho biết, dù hoạt động trong lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp), lại được tỉnh đánh giá cao, song doanh nghiệp này vẫn không thể vay vốn tín chấp.

 Liên quan đến vấn đề trên, ông Trần Đạo Vũ, Phó tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Đông Á thừa nhận: “Với ngân hàng, chúng tôi xác định vay tín chấp là một quá trình giao dịch, chứ không thể gặp nhau lần đầu có thể cho vay tín chấp ngay được. Hiện tại, chúng tôi đã cho vay tín chấp đối với một số doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp cung cấp dịch vụ cho Nhà nước và các doanh nghiệp mà chúng tôi quản lý được dòng tiền”.

Ông Vũ cũng khuyến cáo, doanh nghiệp phải minh bạch trong hoạt động và báo cáo tài chính, đảm bảo ngân hàng có thể quản lý được dòng tiền, thì mới có khả năng vay tín chấp.

Tin bài liên quan