Không nên dùng cụm từ: “Dùng nguồn lực Nhà nước để xử lý nợ xấu”

Không nên dùng cụm từ: “Dùng nguồn lực Nhà nước để xử lý nợ xấu”

(ĐTCK) Qua quá trình tái cơ cấu, hoạt động của hệ thống ngân hàng Việt Nam đã được cải thiện, với tín hiệu tích cực về thanh khoản và tăng trưởng tín dụng. Tuy nhiên, theo một số chuyên gia, đây mới chỉ là biểu hiện bề ngoài, bởi nền kinh tế vẫn chưa được thúc đẩy bởi một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh.

Những tồn tại trong tái cơ cấu hệ thống ngân hàng

Chia sẻ với Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong thời gian qua, về cơ bản, ngành ngân hàng đã thực hiện theo đúng mục tiêu, định hướng đặt ra tại Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) giai đoạn 2011-2015” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Kết quả cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015 đặt nền móng quan trọng cho sự phát triển bền vững hơn của hệ thống ngân hàng ở giai đoạn tiếp theo.

Năm 2016, NHNN tiếp tục chủ động triển khai các giải pháp cơ cấu lại các TCTD, xử lý nợ xấu gắn với việc triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; đẩy mạnh xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường; thực hiện phân loại các khoản nợ đã mua từ TCTD để có biện pháp xử lý nợ xấu một cách hiệu quả.

Thừa nhận qua quá trình tái cơ cấu, sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, nhưng trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright cho rằng, sự cải thiện đó chủ yếu được thể hiện thông qua sự ổn định về thanh khoản và tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên, vấn đề là nền kinh tế vẫn chưa được thúc đẩy bởi một hệ thống ngân hàng khỏe mạnh. Tỷ suất lợi nhuận của hệ thống ngân hàng vẫn thấp. Theo thống kê, tỷ suất sinh lợi trên tổng tài sản của toàn hệ thống ngân hàng chỉ khoảng 0,5% - mức thấp nhất trong khu vực.

Ông Thành phân tích thêm, con số tín dụng tăng trưởng cao, nhưng thực tế, DN vừa và nhỏ gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng. Các ngân hàng có nợ xấu cao, nhưng chưa thất bại hoàn toàn, sẽ không muốn đầu tư rủi ro cao thêm mà xu hướng là cho vay rất thận trọng, chỉ cho vay những DN lớn, an toàn. Do đó, tuy con số tăng trưởng tín dụng cao, nhưng nguồn vốn cung cấp cho những DN vừa và nhỏ, DN có kế hoạch kinh doanh tốt là không nhiều.

“Bên cạnh đó, còn có câu chuyện DN vay 100 đồng phải trả lãi 7 đồng. Ngân hàng cho DN vay thêm 7 đồng để trả lãi, như vậy, dư nợ từ 100 lên 107 đồng, “tiện cả đôi đường” bởi DN không phải báo nợ xấu, dư nợ tín dụng tăng lên đạt chỉ tiêu. Tình trạng này vẫn tồn tại trong hệ thống ngân hàng”, ông Thành nói. 

Dùng nguồn lực Nhà nước để tái cơ cấu triệt để

TS. Nguyễn Xuân Thành cho rằng, trong thời gian tới, khả năng các ngân hàng tự dùng lợi nhuận để xử lý được nợ xấu là không có và nếu có thì thời gian cũng rất dài. Nên bài toán đặt ra là phải dùng nguồn lực nhà nước và nguồn lực này đến từ việc cổ phần hóa và thoái vốn các DN Nhà nước.

“Cần sử dụng nguồn lực nhà nước để tái cơ cấu hệ thống một cách triệt để, nhưng không nên dùng cụm từ “dùng nguồn lực nhà nước để xử lý nợ xấu”, bởi đây không phải hành động dùng nguồn lực nhà nước để xóa nợ xấu, cứu người vay”, ông Thành nhấn mạnh.

Trong khi đó, GS. TS. Trần Thọ Đạt, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, để tăng cường xử lý nợ xấu cần chú trọng đến vấn đề chất lượng tài sản, đặc biệt là các tài sản ngoại bảng và tín dụng - hai khoản mục có tiềm năng phát sinh nợ xấu lớn. Với các khoản mục ngoại bảng, việc phát triển các công cụ phái sinh cần phải được giám sát chặt chẽ. Tín dụng tiếp tục tăng trưởng mạnh trong những năm tới để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, nên việc đảm bảo chất lượng của các khoản nợ mới là điều vô cùng quan trọng. Đối với nhóm giải pháp xử lý nợ xấu, cần phối hợp thực hiện nhiều biện pháp từ các bên liên quan.

Cần sử dụng nguồn lực nhà nước để tái cơ cấu hệ thống một cách triệt để, nhưng không nên dùng cụm từ “dùng nguồn lực nhà nước để xử lý nợ xấu”, bởi đây không phải hành động dùng nguồn lực nhà nước để xóa nợ xấu, cứu người vay.

Thứ nhất, đánh giá quy mô và cơ cấu của nợ xấu sát với thực tế hiện nay, xử lý nghiêm hành vi che giấu nợ xấu. Thứ hai, thực hiện cập nhật, giám sát chặt chẽ tình trạng nợ xấu phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi trong xử lý nợ xấu hiện tại của các ngân hàng thương mại một cách minh bạch, tiến dần tới áp dụng các nguyên tắc và thông lệ quốc tế trong quản lý nợ xấu.

Thứ ba, phối kết hợp với các cơ quan liên quan để hoàn thiện quy trình xử lý tài sản đảm bảo, phát mại, thủ tục đấu giá, giảm thiểu tình trạng khách hàng dây dưa không bàn giao tài sản hoặc không hợp tác trong quá trình đấu giá, khởi kiện kéo dài thời gian thi hành án.

Thứ tư, phối hợp các cơ quan liên quan để hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về mua, bán, xử lý nợ xấu, tài sản đảm bảo và cơ chế hoạt động của VAMC, trao quyền chủ động hơn, hỗ trợ và bổ sung nguồn lực cũng như tạo cơ chế cho VAMC triển khai thành công phương thức mua bán nợ xấu theo tín hiệu của cơ chế thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ thứ cấp.                 

Tin bài liên quan