Không hiếm “đại gia”, “thiếu gia” vay tiền ngân hàng sắm siêu xe, biệt thự

Ngày 12/6/2017, Quốc hội tiếp tục thảo luận về Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD). Ông Nguyễn Ngọc Phương, Ủy viên Ủy ban về Các vấn đề xã hội của Quốc hội hy vọng Quốc hội sẽ tìm ra phương án xử lý tối ưu để giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng.

Vì sao ông ủng hộ việc Quốc hội ban hành Nghị quyết về xử lý nợ xấu của các TCTD?

Tôi không những đồng tình, mà đồng tình rất cao với việc ban hành một văn bản quy phạm pháp luật tương đương với luật để xử lý nợ xấu. Trong khi chưa xây dựng được luật hoặc pháp lệnh về xử lý nợ xấu, thì trước mắt, Quốc hội phải ban hành nghị quyết.

Không hiếm “đại gia”, “thiếu gia” vay tiền ngân hàng sắm siêu xe, biệt thự ảnh 1

Ông Nguyễn Ngọc Phương 

Vì sao phải ban hành một văn bản pháp luật tương đương với luật để xử lý nợ xấu? Vì từ năm 2012 đến nay, hệ thống ngân hàng rất tích cực xử lý nợ xấu.

Tính đến ngày 31/12/2016, đã xử lý được khoảng 606.000 tỷ đồng, nhưng thực tế chỉ tự xử lý được 55,4%, còn lại là bán cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Như vậy, thực ra là “đánh bùn sang ao”, nên nợ xấu nếu tính đúng, tính đủ thì rất cao. Chính vì vậy, cần phải có một văn bản luật chuyên ngành để xử lý nợ xấu triệt để, góp phần lưu thông tiền tệ và phát triển kinh tế.

Ý ông muốn nói là, một trong những nguyên nhân khiến xử lý nợ xấu vừa qua chưa thực sự hiệu quả là chưa có văn bản pháp luật về xử lý vấn đề này?

Nợ xấu chưa đạt hiệu quả có nguyên nhân chính là chưa có hệ thống văn bản pháp luật để xử lý. Thực ra, Chính phủ chỉ mới ban hành Nghị định 61/2017/NĐ-CP (có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2017) về vấn đề này, nhưng cũng chỉ quy định chi tiết khoản 4, Điều 65, Luật Đấu giá tài sản liên quan đến thẩm định giá khởi điểm của khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu và thành lập hội đồng đấu giá đối với khoản nợ xấu, tài sản bảo đảm có giá trị lớn. Nghị định này mới điều chỉnh đối với tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD (cụ thể ở đây là VAMC); doanh nghiệp thẩm định giá; hội đồng đấu giá nợ xấu, tài sản bảo đảm; TCTD có nợ xấu bán cho tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của TCTD.

Chính vì vậy, Quốc hội phải ban hành một nghị quyết về xử lý nợ xấu. Trên cơ sở đó, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước và các bộ, ngành hữu quan xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để xử lý nợ xấu.

Tôi cho rằng, đây là giải pháp tốt nhất để thực hiện chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong việc xử lý nợ xấu, không những đưa nợ xấu vào lưu thông, tạo nguồn lực phát triển kinh tế, giảm lãi suất, tăng trưởng tín dụng, mà còn góp phần ổn định lòng dân, tạo niềm tin của người vào hệ thống ngân hàng.

Ông kỳ vọng gì ở Nghị quyết về xử lý nợ xấu dự kiến được Quốc hội thông qua vào cuối Kỳ họp này?

Thực tế cho thấy, xử lý nợ xấu gặp vướng mắc nhất ở khâu thu giữ tài sản bảo đảm và bán nợ xấu, tài sản bảo đảm. Hiện tại, TCTD thu giữ tài sản và bán tài sản bảo đảm rất phiền phức, mất rất nhiều thời gian, chi phí.

Không hiếm “đại gia”, “thiếu gia” vay tiền ngân hàng sắm siêu xe, biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng rồi lại sử dụng chính siêu xe, biệt thự làm tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng khác. Khi vỡ nợ, ngân hàng không dễ thu hồi được tài sản bảo đảm vì hệ thống pháp luật hiện nay chưa bảo vệ được quyền hợp pháp của các TCTD.

Dự thảo Nghị quyết về xử lý nợ xấu cho phép TCTD được quyền bán nợ xấu, tài sản bảo đảm theo giá trị thị trường; được bán nợ xấu cho cả pháp nhân, cá nhân không có chức năng kinh doanh mua, bán nợ; được quyền quyền thu giữ tài sản bảo đảm khi khách nợ không trả được nợ.

Không hiếm “đại gia”, “thiếu gia” vay tiền ngân hàng sắm siêu xe, biệt thự trị giá hàng chục tỷ đồng rồi lại sử dụng chính siêu xe, biệt thự làm tài sản bảo đảm vay vốn ngân hàng khác.   

Với những quy định như vậy, tôi tin rằng, nợ xấu sẽ giảm, các “đại gia”, “thiếu gia” cũng chùn tay khi vay tiền nhà băng sắm siêu xe, biệt thự vì không trả được nợ sẽ bị thu giữ tài sản và bán theo giá thị trường, chứ không chỉ bị niêm phong và thực hiện hàng loạt thủ tục, mất rất nhiều thời gian mới xử lý được như hiện nay.

Nợ xấu phát sinh còn do cơ chế, chính sách như cho vay đối với mía đường, đánh bắt xa bờ... trước đây, hay cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP. Thưa ông, Nghị quyết về xử lý nợ xấu không quy định gì về vấn đề này, nên hiệu quả khó có thể cao được?

Thực hiện Chương trình 1 triệu tấn đường, đánh bắt xa bờ, địa phương nào có điều kiện, cấp ủy, chính quyền địa phương đều ra nghị quyết gần như ép buộc ngân hàng phải cho vay. Khi nợ xấu phát sinh chỉ có ngân hàng chịu trách nhiệm xử lý bằng cách khoanh nợ, giãn nợ và cuối cùng phải xóa nợ, mà không thấy lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương nào nhận trách nhiệm. Bài học cay đắng này cần phải rút kinh nghiệm khi cho vay theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, chủ tàu đóng mới tàu có công suất từ 400 CV trở lên được vay vốn ngân hàng từ 70 đến 95% tổng giá trị tài sản với lãi suất 7%/năm, nhưng chỉ phải trả lãi 1% - 3%, phần lãi suất còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ với thời hạn vay 11 năm.

Hiện tại đã có một số phát sinh khi thực hiện chính sách ưu đãi tín dụng theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP, tiềm ẩn nợ xấu gia tăng, cần phải có giải pháp xử lý. Tuy nhiên, Nghị quyết về xử lý nợ xấu chỉ xử lý khoản nợ xấu phát sinh đến ngày 31/12/2016, nên không điều chỉnh đối với trường hợp cho vay để thực hiện các chủ trương, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước.

Tin bài liên quan