Luật sư Trần Minh Hải

Luật sư Trần Minh Hải

Không cần thiết duy trì lãi suất cơ bản

(ĐTCK) Với nhiều năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực ngân hàng, Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO đã có những chia sẻ với ĐTCK về câu chuyện lãi suất cơ bản và điểm chốt lại là không cần thiết duy trì lãi suất này. 

Ông có thể khái quát về lãi suất cơ bản và vai trò của nó?

Lãi suất cơ bản về nguyên tắc là một loại lãi suất được ngân hàng trung ương của một quốc gia xác định nhằm phản ánh thực tế lãi suất kinh doanh (huy động, cho vay) trên thị trường ngân hàng. Trên cơ sở đó, điều tiết lãi suất này bằng các công cụ của ngân hàng trung ương nhằm tác động vào cung, cầu tiền tệ thị trường.

Tại Việt Nam, theo quy định của Luật Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất cơ bản do NHNN công bố cùng các lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ và chống cho vay nặng lãi. Hiện lãi suất cơ bản NHNN công bố là 9%/năm. Lãi suất cơ bản của NHNN cũng được tham chiếu trong một số quy định của Bộ luật Dân sự, như Điều 476 Bộ luật Dân sự quy định, đối với hợp đồng vay tài sản, các bên tự thỏa thuận lãi suất nhưng không vượt quá 150% lãi suất cơ bản do NHNN công bố.

Ngoài ra, cũng có những trường hợp chịu sự tác động của lãi suất cơ bản như trách nhiệm của người chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự: kể từ ngày bên được thi hành án có đơn yêu cầu cho đến ngày thực nhận được tiền thi hành án, bên có nghĩa vụ thi hành án còn phải thanh toán thêm khoản tiền chậm thi hành án tính bằng lãi suất cơ bản của NHNN. Điều này được đưa vào hầu hết các bản án liên quan đến nghĩa vụ thi hành án.

Hiện lãi suất cơ bản NHNN công bố là 9%/năm 

Thực tế hiện nay vai trò của lãi suất cơ bản là rất mờ nhạt và thời gian qua, NHNN cũng không “đả động” gì đến công cụ này, thưa ông?

NHTM thực ra là một tổ chức kinh doanh trung gian, đứng ra huy động và cho vay với tư cách là một tổ chức có tiềm lực tài chính, có tiềm lực kết nối, góp phần hiệu quả cung cấp vốn đi khắp nơi trong nền kinh tế, từ chỗ người thừa đến chỗ người cần, nhất là các DN. Do vậy, bản chất hoạt động kinh doanh ngân hàng là hoạt động dân sự, mang bản chất dân sự và cơ chế thị trường điều tiết.

Tùy thuộc vào biến động của nền kinh tế tác động lên những thị trường giao dịch của ngân hàng như thị trường dân cư, tổ chức kinh tế, thị trường liên ngân hàng, mà lãi suất kinh doanh có thể tăng, giảm như số đo nhiệt kế sức khỏe cho nền kinh tế.

Trong điều kiện bình thường, các ngân hàng huy động vốn trên thị trường 1 (ví dụ khoảng 8 - 9%/năm), sau đó quẳng vốn nhàn rỗi sang thị trường 2 (thị trường liên ngân hàng với lãi suất khoảng 4 - 5%/năm), khi DN cần vốn, ngân hàng lấy lãi suất từ thị trường 2, sự phối hợp nhịp nhàng giữa thị trường 1 và thị trường 2 cứ đều đặn như vậy giúp cho nền kinh tế ổn định. Nhưng khi có một vấn đề trục trặc, chẳng hạn nợ xấu tăng, lạm phát, thì khả năng huy động vốn trên thị trường 1 khó.

Các ngân hàng sẽ rút vốn trên thị trường 2 về phòng thủ thanh khoản, có nghĩa lãi suất trên thị trường 2 sẽ bị đẩy lên, sau đó lãi suất thị trường 1 càng cao, thì lãi suất thị trường 2 cũng cao theo. Trong trường hợp này, giữa lãi suất cơ bản do NHNN công bố với lãi suất của thị trường có một khoảng cách khác biệt.

Lãi suất cơ bản hầu như không phản ánh được thuộc tính thị trường và trở thành một rào cản khống chế bản chất thực của lãi suất kinh doanh theo thị trường, nên gần như chỉ là một biện pháp hành chính.

Theo ông, đâu là điểm tích cực và không tích cực của công cụ này?

Nếu như khai thác thuộc tính của lãi suất cơ bản như chỉ số mục tiêu sát thực với thị trường và vận dụng các công cụ lãi suất điều hành khác để tác động khiến cho lãi suất cơ bản phản ánh đúng lãi suất kinh doanh trên thị trường thì sẽ hợp lý, nhưng ở Việt Nam, thực tế lại coi lãi suất này như một công cụ thiết lập các giới hạn, nên không hợp lý.

Thời gian qua, để kiềm chế lạm phát, NHNN sử dụng công cụ lãi suất để nén các ngân hàng xuống và đã đạt được hiệu ứng rất tích cực. Có thể thấy, trong một giai đoạn nhất định, sự tập trung tối đa của NHNN vào việc vận dụng công cụ này là có hiệu quả. Nhưng ngược lại, trong những giai đoạn nước sôi lửa bỏng như năm 2008, 2010 đã có nhiều trường hợp lãi suất cơ bản hoàn toàn không phù hợp với cơ chế thị trường, gây khó khăn cho các giao dịch dân sự. 

Vậy hệ lụy từ những điểm không tích cực là gì?

Lấy ví dụ năm 2010, khi lãi suất huy động vốn từ thị trường 1 lên tới 21 - 22%/năm, lãi suất cho vay 24 -27%/năm, thì lãi suất cơ bản vẫn ở mức 8%/năm. Con số lệch nhau quá lớn, trong khi lại vướng giới hạn bởi quy định về lãi suất không vượt quá 150% lãi suất cơ bản của Bộ luật Dân sự, nhiều ngân hàng khi đó lách luật bằng cách in trong sổ tiết kiệm lãi suất huy động là 11%/năm, nhưng ghi tay vào góc sổ +7%/năm. Đây là một hành vi không giống bất kỳ một hoạt động ngân hàng nào trên thế giới và có thể nhìn nhận như một hệ lụy của lãi suất cơ bản.

Một hệ lụy khác khác nữa đó là sự tác động bất hợp lý vào các giao dịch dân sự thông thường. Theo logic kinh doanh, ngân hàng là nơi vay vốn rẻ nhất thị trường, điều đó có nghĩa, trong các hợp đồng vay dân sự, lãi suất có thể cao hơn. Nhưng với việc tham chiếu lãi suất cơ bản quy định trong Bộ luật Dân sự, các bên có thể thỏa thuận lãi suất bên ngoài mà không ghi vào hợp đồng, khi bên vay muốn trốn tránh trách nhiệm có thể khởi kiện ra tòa, trong trường hợp này, nhiều khả năng tòa án sẽ không cần xét đến thực tế lãi suất thị trường tại thời điểm giao dịch mà bác toàn bộ phần lãi chênh vượt quá 150% lãi suất cơ bản công bố tại thời điểm đó.

Theo ông, nên thay lãi suất cơ bản bằng loại lãi suất nào để sát với thị trường hơn?

Hoàn toàn có những cơ chế tham khảo khác chính xác hơn lãi suất cơ bản, như lãi suất thị trường liên ngân hàng chẳng hạn, bởi lãi suất này về lý thuyết là cơ sở xác định lãi suất cơ bản. Các đạo luật liên quan tham chiếu đến lãi suất cơ bản, khi mà lãi suất này không được cập nhật chính xác, phù hợp với thuộc tính thị trường, thì là sự tham khảo là máy móc, không có căn cứ.

Trong một thời gian dài đến trước khi khủng hoảng vào năm 2008, sự quan tâm của mọi người đến lãi suất cơ bản là rất ít, hầu hết ngân hàng mặc nhiên niêm yết công khai lãi suất kinh doanh vượt quá 150% lãi suất cơ bản mà không chủ đích, không quan tâm, thậm chí lãi suất tái cấp vốn của NHNN dành cho các ngân hàng có thời điểm cũng vượt quá 150% lãi suất cơ bản. Do đó, lãi suất cơ bản không cần thiết duy trì.

Có thông tin cho rằng, để bỏ lãi suất cơ bản không dễ dàng, bởi quy định này nằm trong Bộ luật Dân sự, quan điểm của ông?

Bỏ lãi suất cơ bản, ngoài việc sửa đổi Luật NHNN, còn liên quan đến ít nhất 3 điều luật của Bộ luật Dân sự có tham chiếu đến lãi suất cơ bản. Sự tham chiếu lãi suất cơ bản còn nằm trong quy định của ít nhất 4 đạo luật khác gồm: Luật Thuế thu nhập DN; Luật Trưng mua, trưng dụng tài sản; Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước; Luật Bảo hiểm y tế. Do vậy, đây là vấn đề vượt xa thẩm quyền của NHNN, thuộc thẩm quyền của Quốc hội.

Tin bài liên quan