Internet banking, mobile banking là những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tài chính toàn diện

Internet banking, mobile banking là những giải pháp hữu hiệu thúc đẩy tài chính toàn diện

Khoảng trống của ngân hàng Việt

(ĐTCK) Tại Việt Nam, số lượng người trưởng thành có tài khoản tại các tổ chức tài chính chính thức đã gia tăng đáng kể nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực. Trong bối cảnh đó, ngân hàng số được kỳ vọng sẽ sớm lấp đầy “khoảng trống” này.

Tài chính toàn diện: Nhìn từ Việt Nam…

Tài chính toàn diện là việc cung cấp dịch vụ tài chính phù hợp và thuận tiện, đặc biệt đối với người có thu nhập thấp và dễ bị tổn thương nhằm tăng cường cơ hội tiếp cận tài chính, góp phần tạo cơ hội sinh kế, luân chuyển dòng vốn đầu tư và tiết kiệm trong xã hội, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Xét theo tỷ lệ tiền gửi/GDP và tín dụng/GDP cho thấy Việt Nam hiện đạt ở mức khá cao về quy mô của hệ thống tài chính (so với GDP). Cụ thể, tính đến 31/12/2016, tổng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và tiền gửi dân cư trong hệ thống ngân hàng đã đạt 5.998 nghìn tỷ đồng (tương đương với 134% GDP), tổng dư nợ tín dụng cho nền kinh tế đạt 5.505 nghìn tỷ đồng (tương đương với 123% GDP). Tốc độ tăng trưởng tiền gửi và dư nợ tín dụng cho nền kinh tế thường duy trì ở mức trên 10% cho đến 17 - 18%/năm.

Tuy nhiên, kết quả điều tra của Ngân hàng thế giới (WB) năm 2014 (Findex 2014) cho thấy, tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng ở Việt Nam là 31%. Còn theo tính toán của Vụ Thanh toán (Ngân hàng Nhà nước), chỉ số này đến năm 2016 là 39,8%.

Khoảng trống của ngân hàng Việt ảnh 1

 Banking Việt Nam năm nay sẽ có chủ đề chính về tài chính toàn diện

Bà Nguyễn Thị Hòa, Phó Viện trưởng, Viện Chiến lược ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) cho rằng, mặc dù có tăng lên, song tỷ lệ người dân trưởng thành có tài khoản ngân hàng tại Việt Nam hiện nay nhìn chung còn ở mức thấp so với các nước trong khu vực. Năm 2014, chỉ số này tại Trung Quốc đã đạt 78,3%, Malaysia là 80,7%, Thái Lan là 78,1%, Ấn Độ là 52,8%...

“Tính về tỷ lệ người dân trưởng thành có khoản vay và người dân trưởng thành có tiền gửi tiết kiệm tại các tổ chức tài chính được cấp phép thì lại cho thấy có sự khác biệt. Nếu như tỷ lệ người dân có tiền gửi tiết kiệm của Việt Nam thấp hơn khá nhiều so với các nước thì tỷ lệ người dân có khoản vay lại cao hơn”, bà Hòa nói.

Nguyên nhân của vấn đề này, theo các chuyên gia, một phần cũng bởi thu nhập của một bộ phận không nhỏ người dân vẫn còn thấp nên khả năng tích lũy không cao.

Bên cạnh đó, mức độ “phủ” của mạng lưới ngân hàng tại khu vực nông nghiệp - nông thôn còn khá mỏng, đặc biệt là tại các vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn. Trong khi đó, khu vực này hiện chiếm tới trên 70% dân số của Việt Nam.

Cho đến nay, Agrribank và hệ thống quỹ tĩn dụng nhân dân vẫn đóng vai trò chủ đạo trong việc cung ứng các dịch vụ tài chính cho khu vực nông nghiệp, nông thôn. Trong khi không ít các ngân hàng thương mại cổ phần khác vẫn còn e ngại phát triển hệ thống đến các khu vực này. Tổng dư nợ cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khu vực nông nghiệp, nông thôn chưa đạt đến 25%.

…sang Ấn Độ

Bà Tô Thị Diệu Loan đến từ LienVietPostBank chia sẻ ví dụ cụ thể từ Ấn Độ, quốc gia có 60% dân cư sống tại khu vực nông thôn. Theo báo cáo của WB 2006, tỷ lệ người sống dưới chuẩn nghèo quốc tế tại Ấn Độ là 42% - tỷ lệ lớn nhất thế giới.

Đây cũng là đất nước có nền kinh tế ngầm (bao gồm tham nhũng, buôn lậu, tín dụng đen, trốn thuế...) đóng góp tới 19% GDP (báo cáo WB 2010). Tỷ lệ mù chữ tại Ấn Độ rất cao, năm 2011 ở mức  25,96%, trong đó tỷ lệ mù chữ đối với nữ giới là 34,54% và nam giới là 17,86%. Với những đặc điểm kinh tế trên, tài chính toàn diện luôn là ưu tiên phát triển tại Ấn Độ.

Theo đó, Ngân hàng Trung ương Ấn Độ (RBI) đã có một loạt các chính sách thúc đẩy sự phát triển của cơ sở hạ tầng công nghệ, tạo môi trường cho sự phát triển của hệ sinh thái các dịch vụ thanh toán.

Khoảng trống của ngân hàng Việt ảnh 2

Cụ thể như, chính sách Mobile banking chính thức được ban hành vào tháng 10/2008 và các quy định về tiền điện tử được ban hành vào năm 2009 là tiền đề pháp lý quan trọng. Hay như các công ty viễn thông (MNOs) có thể trở thành đại lý kinh doanh của  ngân hàng và cung ứng dịch vụ thanh toán trả trước (PPIs).

Vào năm 2014, RBI được kỳ vọng sẽ cấp phép cho “ngân hàng thanh toán” là hình thức nâng cấp của PPIs, điều này sẽ làm tăng hạn chế liên quan đến trách nhiệm pháp lý và thanh toán của ngân hàng.

Kết quả là, số lượng tài khoản ngân hàng tại Ấn Độ đã tăng lên con số khoảng 100 triệu trong giai đoạn 2011 - 2013. Tính đến năm 2014, hơn 50% người lớn tại Ấn Độ có tài khoản của một tổ chức tài chính (so với gần 70% người lớn tại các nền kinh tế BRICS khác).

Đối với chương trình ID cá nhân điện tử Aadhaar, tính đến hết quý I/2014, có 650 triệu người tham gia, trung bình có 1 triệu người tham gia/ngày, phần đông trong đó là người có thu nhập thấp, trẻ em đường phố...

“Đặc biệt, từ 2010 - 2012, số người dùng dịch vụ mobile banking tại đây tăng 277,68% (từ 5,96 triệu lên đến 22,51 triệu người dùng) và giá trị giao dịch tăng trưởng đột phá ở mức 875,6% (từ 6,14 tỷ Rupi lên đến 59,9 tỷ Rupi). Tuy vậy, đến năm 2014, tỷ lệ khách hàng sử dụng dịch vụ mobile banking vẫn còn thấp (chỉ có 22 triệu khách hàng trên 350 - 500 triệu khách hàng có thuê bao di động)”, bà Loan thông tin thêm. 

Những trụ cột thúc đẩy tài chính toàn diện

Theo bà Hòa, cần thiết phải mở rộng hệ thống kênh cung cấp dịch vụ theo hướng đa dạng, đặc biệt là chú trọng các kênh mới, có tính hiệu quả cao như internet banking, mobile banking.

Sự xuất hiện của các mô hình cung cấp dịch vụ mới như là ngân hàng kết hợp với công ty viễn thông, công ty công nghệ tài chính, hay mô hình ngân hàng đại lý cho thấy rất nhiều hướng phát triển tiềm năng về kênh cung cấp dịch vụ.

Bên cạnh đó, cần phát triển phong phú các sản phẩm dịch vụ tài chính, phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng. Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các tổ chức tín dụng chính là động lực quan trọng nhất cho sự sáng tạo và phát triển hệ thống sản phẩm định hướng khách hàng. Vì vậy, hệ thống quy định pháp luật, các biện pháp quản lý cần được hoàn thiện để có thể thúc đẩy sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường.

Khoảng trống của ngân hàng Việt ảnh 3

Cùng với việc tạo ra một không gian sáng tạo và cạnh tranh, cũng cần chú trọng các biện pháp bảo vệ người tiêu dùng thích hợp và có các quy định để đảm bảo trách nhiệm của nhà cung cấp dịch vụ tài chính. Tuy nhiên, từ phía người dùng, để nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ, cần dựa trên việc nâng cao hiểu biết cũng như kỹ năng tài chính của người dân, thông qua đó họ mới có thể hiểu và sử dụng các dịch vụ được cung cấp.

Một yếu tố quan trọng được bà Hòa đề cập đến đó là hạ tầng tài chính (nhất là hạ tầng thanh toán) và hạ tầng thông tin viễn thông. Các tổ chức cung cấp dịch vụ chỉ có thể cung cấp dịch vụ đến khách hàng một cách nhanh chóng, thông suốt và an toàn trên cơ sở các yếu tố hạ tầng được đảm bảo vận hành an toàn, thông suốt. Do vậy, việc hoàn thiện hạ tầng tài chính và hạ tầng thông tin viễn thông cần phải được chú trọng và đầu tư với nguồn lực phù hợp.

“Việc cung cấp dịch vụ tài chính, nhất là các sản phẩm dịch vụ tài chính hiện đại chỉ có thể diễn ra trên cơ sở có được một hệ thống khuôn khổ pháp lý rõ ràng, minh bạch, quy định rõ ràng cách thức vận hành, quyền lợi và nghĩa vụ của các bên tham gia.

Do đó, bắt buộc phải từng bước hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với việc cung cấp các dịch vụ tài chính, có chính sách quản lý phù hợp với các tổ chức cung ứng dịch vụ cũng như xây dựng khuôn khổ pháp lý bảo vệ được các quyền lợi chính đáng của khách hàng sử dụng dịch vụ tài chính.

Năng lực quản lý giám sát của các cơ quan quản lý trực tiếp như Ngân hàng Nhà nước (đối với dịch vụ ngân hàng), Bộ Tài chính (đối với dịch vụ bảo hiểm) cũng cần được cải thiện”, bà Hòa nhấn mạnh.

Tin bài liên quan