Khi ngân hàng gặp... cướp

Khi ngân hàng gặp... cướp

(ĐTCK) Chỉ cần nói đến câu chuyện ngân hàng bị cướp là người dân nghĩ đến phương thức “truyền thống” là những tên cướp đeo mặt nạ, tay lăm lăm súng, dao xông vào phòng giao dịch uy hiếp, đe dọa để lấy tiền... Quả là có chuyện đó. Nhưng thực tế, còn những câu chuyện khác liên quan đến việc ngân hàng bị cướp mà ít người biết.

“Đúng là rất sợ khi tên cướp bịt kín mặt, trong tay lăm lăm khẩu súng sẵn sàng nhả đạn”, nhân viên một ngân hàng TMCP chia sẻ cảm giác của mình khi đối diện cướp, “bây giờ, khi đứng đây thì mới nói được chứ ngay tại thời điểm đó, có thể nói là chết lặng”.

Tuy vậy, nhân viên ngân hàng này cho biết, thời điểm cướp xông vào khi không còn khách hàng giao dịch tại chi nhánh và mọi việc diễn ra quá nhanh. Các thao tác của tên cướp chỉ vào khoảng 12-15 giây rồi trốn thoát. Do vậy, nhân viên cũng gần như không kịp có bất kỳ phản ứng nào.

Chia sẻ với Đặc san Ngân hàng, tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nhận định, câu chuyện tại ngân hàng trên do thời gian diễn ra quá nhanh khiến nhân viên ngân hàng chưa kịp trấn tĩnh lại để “hợp tác” thì mọi việc “đã xong”.

Hỏi lại vị tổng giám đốc: “Dùng từ 'hợp tác' có lẽ là hơi quá chăng?”.  Vị này đáp lại, ở Việt Nam, việc cướp ngân hàng đến thời điểm này đếm được trên đầu ngón tay so với các nước trên thế giới và tất cả các trường hợp xảy ra đều bắt được tội phạm. Tuy nhiên, việc tập huấn, đào tạo cán bộ, nhân viên các kỹ năng trong việc phòng chống cướp và đặc biệt là xử lý những tình huống giả định đều đã được đặt ra, trong đó “hợp tác” là yêu cầu số 1, vì sự an toàn tính mạng của khách hàng, nhân viên là trên hết.

“Theo đó, nhân viên không được có bất kỳ một hành động gì khiến cướp thấy bất an. Bất kỳ yêu cầu nào của cướp đặt ra đều phải được thực hiện để tránh sự manh động của tên cướp. Cùng với đó, nhân viên cũng có thời gian để trấn tĩnh, đánh giá tình hình và có thể đưa ra những hành động tiếp theo như bật hệ thống báo động và phát tín hiệu cướp…”, vị tổng giám đốc trên nhấn mạnh.

Khi ngân hàng gặp... cướp ảnh 1

Thực tế, kỹ năng xử lý tình huống nằm lòng này đã từng được nhân viên một ngân hàng áp dụng khi cướp xông vào. Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, khi tên cướp lên tầng 2 của chi nhánh đe dọa để lấy tiền, các nhân viên đã “hợp tác” đưa tiền rồi tìm cách kéo dài thời gian và báo động với bộ phận an ninh.

Hỏi lại vị tổng giám đốc: “Mất tiền, không tiếc sao?”. Vị này cho biết: “Cướp vào ngân hàng cướp tiền, chúng tôi không quá lo lắng vì tất cả đều đã mua bảo hiểm. Hàng năm, ngân hàng  phải trả rất nhiều tiền cho việc mua bảo hiểm. Do đó, về cơ bản, mất một xu, ngân hàng cũng được hoàn trả một xu nên vấn đề tiền không phải là điều quan trọng, mà tính mạng của nhân viên và khách hàng là trên hết”.

Tuy nhiên, câu chuyện ngân hàng bị cướp thời điểm này không còn là vấn đề “an ninh trật tự”. Cụ thể, hồi tháng 2/2016, giới tài chính chấn động trước vụ cướp lớn nhất trong lịch sử 81 triệu USD của Ngân hàng Trung ương Bangladesh, bởi tội phạm đã lợi dụng kỹ thuật số để “cách mạng hóa” việc cướp ngân hàng.

Theo đó, tội phạm mạng (hacker) đã truy cập mạng máy tính Ngân hàng Trung ương Bangladesh gửi các tin nhắn giả cho Ngân hàng Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ ở New York, ra lệnh chuyển trực tuyến 81 triệu USD từ tài khoản Ngân hàng Trung ương Bangladesh đến các tài khoản cá nhân tại chi nhánh Ngân hàng ở Philippines và Sri Lanka.

Tiếp đó, quý IV/2016, một ngân hàng tại Việt Nam được cho là cũng bị tấn công mạng, trong đó, nhóm hacker đã sử dụng những thủ thuật tương tự như vụ “cướp” Ngân hàng Trung ương Bangladesh. Ngân hàng này đã phát hiện ra những tin nhắn lừa đảo thông qua hệ thống SWIFT, yêu cầu ngân hàng chuyển đi hơn 1 triệu euro (tương đương 1,1 triệu USD) từ các quỹ.

Ngân hàng này cũng cho biết đã nhanh chóng phát hiện ra lỗi, chặn đứng việc chuyển tiền đến nhóm tội phạm và ngay lập tức liên lạc với các bên liên quan, do vậy không gây nên bất cứ thiệt hại nào và cũng không ảnh hưởng đến hệ thống SWIFT nói riêng và hệ thống giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng.

Trao đổi với người viết, ông Mai Hồng Việt, Giám đốc Ban Dịch vụ khách hàng môi giới, Tổng công ty cổ phần Bảo hiểm Bảo Long cho biết, hiện trên thị trường bảo hiểm đã có sản phẩm bảo hiểm toàn diện ngân hàng. Cụ thể là bảo hiểm gian lận và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, hay đơn giản hơn là bảo hiểm 2 hành vi tội phạm truyền thống và tội phạm tinh vi.

Đối với hành vi tôi phạm truyền thống là người ngoài ngân hàng có hành động ác ý, đe dọa, cướp tiền ngân hàng và biển thủ, thâm thụt công quỹ, gia mạo giấy tờ từ người trong ngân hàng. Đối với hành vi tội phạm tinh vi là gian lận, tội phạm liên quan tới hệ thống phần mềm của ngân hàng, chẳng hạn thâm nhập phi pháp hệ thống mạng của ngân hàng để tạo ra những lệnh chuyển tiền giả mạo, gây ra thiệt hại tài chính cho ngân hàng.

“Nếu có thiệt hại tài chính cho ngân hàng, công ty bảo hiểm sẽ đứng ra gánh vác thiệt hại, bởi ngân hàng đã chuyển giao phần rủi ro cho công ty bảo hiểm thông qua việc tham gia đơn bảo hiểm toàn diện ngân hàng”, ông Việt nói.

Tin bài liên quan