“Khai phóng” tiềm năng nữ lãnh đạo, ngân hàng vào cuộc

“Khai phóng” tiềm năng nữ lãnh đạo, ngân hàng vào cuộc

(ĐTCK) Nhu cầu được ngân hàng tài trợ vốn của các chủ doanh nghiệp (DN) nữ là rất lớn và hiện chưa được đáp ứng.

Nhu cầu chưa được đáp ứng

Báo cáo của Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) “DN do phụ nữ làm chủ tại Việt Nam: Nhận thức và tiềm năng” cho biết, phụ nữ sở hữu 95.906 DN, chiếm hơn 21% tổng số DN chính thức tại Việt Nam. Phần lớn các DN do phụ nữ làm chủ (57%) có quy mô siêu nhỏ với doanh thu dưới 100.000 USD một năm; 42% là DN nhỏ và vừa (SME) - doanh thu hàng năm từ 100.000 USD đến 15 triệu USD và 1% là các DN lớn với doanh thu hàng năm trên 15 triệu USD.

Điểm đáng chú ý, theo Báo cáo, nhu cầu được ngân hàng tài trợ vốn của các chủ DN nữ là rất lớn và hiện chưa được đáp ứng. Chỉ có hơn 30% DN do phụ nữ làm chủ đang sử dụng các khoản vay ngân hàng, trong khi Báo cáo ước tính, tỷ lệ này có thể lên đến 60% nếu các ngân hàng đáp ứng tốt hơn các nhu cầu của phụ nữ; có chiến lược và dịch vụ xác định nhóm khách hàng này là một phân khúc quan trọng.

Cụ thể hơn, IFC công bố, trên 60% DN do phụ nữ làm chủ và 72% DN do nam giới làm chủ đã từng vay vốn kinh doanh từ nhiều nguồn khác nhau. Tỷ lệ phụ nữ vay vốn từ các ngân hàng thương mại thấp hơn so với nam giới (54% và 60%). Dư nợ trung bình của các chủ DN nam cao hơn so với chủ DN nữ. Các SME do phụ nữ làm chủ có dư nợ trung bình là 2,54 tỷ đồng (khoảng 111.500 USD) so với 2,89 tỷ đồng đối với nam giới (khoảng 127.000 USD).

Ông Gaku Echizenya, CEO Navigos Group Việt Nam nhận định: “Với rất nhiều nỗ lực, phụ nữ Việt Nam vẫn đang gặp những rào cản, đến từ DN, gia đình và thậm chí là từ chính bản thân họ trong con đường phát triển cá nhân để thành công. Có những rào cản vô hình nhưng lại rất mạnh mẽ cản trở họ vươn lên”.

Đồng quan điểm, bà Dương Thị Tâm, Giám đốc Công ty TNHH Thực phẩm và nước uống Hàn Việt cho biết: “Tôi kì vọng sẽ có một công cụ về tài chính linh hoạt, giúp có ngay tiền khi cần, đồng thời tôn thêm uy tín cho nữ chủ DN”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Bích Hằng, Giám đốc Công ty TNHH Truyền thông Hằng Nguyễn chia sẻ: “Nữ chủ DN không chỉ cần tiếp sức về tài chính mà còn cần tạo điều kiện để tiếp cận các giá trị phi tài chính như: Đào tạo chuyên môn, xúc tiến thương mại, kết nối cộng đồng doanh nhân nữ…”.

Tìm kiếm giải pháp

Theo IFC, không có đủ tài sản thế chấp là lý do phổ biến nhất đối với các đơn xin vay vốn không thành công, ảnh hưởng đến khoảng 30% chủ DN nữ.

“Các ngân hàng cần phải suy nghĩ khác và vượt ra ngoài các phương pháp ngân hàng truyền thống để thúc đẩy tiềm năng tăng trưởng này. Đưa ra các giải pháp thay thế để giúp phụ nữ đáp ứng yêu cầu về thế chấp trong trường hợp tài sản thế chấp bất động sản được đăng ký bằng tên của một nam giới là một cách thức”, ông Vivek Pathak, Giám đốc IFC khu vực Đông Á và Thái Bình Dương nêu quan điểm.

Theo đó, IFC cũng khuyến nghị các ngân hàng xác định DN nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ như một phân khúc khách hàng chiến lược; đồng thời, đầu tư vào đào tạo nhân viên về khía cạnh giới trong lĩnh vực ngân hàng. Tăng cường hỗ trợ phát triển kinh doanh cho các DN do phụ nữ làm chủ và theo dõi dữ liệu phân tách theo giới về tình hình hoạt động của nhóm SME.

Nhằm hỗ trợ các nữ chủ DN, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán tại buổi Tọa đàm “Khai phóng tiềm năng nữ lãnh đạo” do VPBank tổ chức, ông Đào Gia Hưng, Phó Giám đốc khối SME VPBank cho biết, Ngân hàng đã tổ chức các buổi tọa đàm là cơ hội để nữ doanh nhân bồi đắp kỹ năng chuyên môn, được tư vấn để tìm ra hướng đi phù hợp; được đào tạo về nghệ thuật quản trị trong kinh doanh thông qua quá trình tương tác sâu với các diễn giả tên tuổi; đồng thời, tạo điều kiện tối đa để các nữ doanh nhân mở rộng mạng lưới đối tác”.

Hiện tại, VPBank đang xây dựng một ứng dụng online tạo không gian riêng để các nữ doanh nhân tìm kiếm thông tin, nâng cao kiến thức quản lý kinh doanh, kết nối giao thương và tạo dựng mạng lưới các mối quan hệ chắc chắn với các nữ lãnh đạo khác, từ đó tìm kiếm và mở rộng các cơ hội kinh doanh cho DN mình. Ứng dụng này dự kiến sẽ ra mắt vào đầu năm 2019.

“Thông qua chuỗi hoạt động này, VPBank mong muốn là đơn vị tiếp sức để xây dựng một cộng đồng nữ chủ DN với mạng lưới ngày càng tỏa rộng, một bệ phóng hiệu quả giúp các nữ CEO nâng cao hơn nữa tầm vóc trên thương trường”, ông Hưng nói.

Song song với các giá trị phi tài chính, VPBank cũng mang tới cơ hội mới về nguồn vốn như giúp nữ CEO dễ dàng tiếp cận nguồn vốn không cần tài sản đảm bảo với lãi suất ưu đãi, giảm đến 1,5%/năm so với mức lãi suất thông thường và có hạn mức đến 5 tỷ đồng.  

Tin bài liên quan