Dù lãi suất đầu vào khó giảm, nhưng để “giữ chân” khách hàng, các nhà băng phải gia tăng khuyến mãi­­

Dù lãi suất đầu vào khó giảm, nhưng để “giữ chân” khách hàng, các nhà băng phải gia tăng khuyến mãi­­

Kêu khó giảm, nhà băng vẫn mạnh tay “khuyến mại” lãi suất cho vay

(ĐTCK) Mặc dù áp lực chi phí huy động vốn chưa thể giảm trước một số kênh đầu tư đang “hút” tiền nhàn rỗi, cùng với đó là cân đối lại nguồn vốn huy động dài hạn nhằm đáp ứng yêu cầu tại Dự thảo sửa đổi Thông tư 36/2014/TT-NHNN, song để có thể kích thích được cầu tín dụng, các nhà băng phải tiếp tục nỗ lực giảm lãi suất cho vay.

Dù được đề cập nhiều tới từ “khó” khi nói về khả năng giảm mặt bằng lãi suất cho vay, nhưng gần đây, các nhà băng tiếp tục đẩy mạnh các gói tín dụng lãi suất ưu đãi ra thị trường nhằm kích cầu tín dụng.

Cuối tháng 4/2016, khi Thủ tướng Chính phủ và Thống đốc NHNN chỉ đạo các ngân hàng giảm lãi suất cho vay đồng hành cùng DN, VIB đã có công văn gửi NHNN đăng ký tham gia hỗ trợ lãi suất cho DN như: gói 3.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất tài trợ vốn lưu động cho nhóm DN sản xuất, xuất nhập khẩu hàng dệt may; gói 1.000 tỷ đồng lãi suất ưu đãi cho DN mua ôtô phục vụ hoạt động kinh doanh.

SCB áp lãi suất cho vay từ 4,98%/năm cho cá nhân và hộ kinh doanh khi có nhu cầu vay vốn cho các mục đích: bổ sung vốn lưu động, đầu tư tài sản cố định, mua ôtô, nhà, đất ở, mua nhà dự án, xây dựng mới hoặc cải tạo nhà ở, tiêu dùng, khám chữa bệnh, du học... Lãi suất ưu đãi cố định từ 4,98%/năm trong 3 tháng đầu, 6,98%/năm trong 6 tháng đầu và 7,98%/năm trong 12 tháng đầu. Sau đó, lãi suất cho vay áp dụng sẽ là lãi suất tiền gửi thông thường lĩnh lãi cuối kỳ, kỳ hạn 13 tháng cộng biên độ.

Lãnh đạo SCB cho rằng, sự hấp thụ vốn của nền kinh tế trong năm nay sẽ tốt hơn năm trước. Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng ngành mà NHNN đưa ra ở mức 18-20% cho năm nay là phù hợp. Bởi với một nền kinh tế đang hồi phục, nếu đặt mục tiêu tăng trưởng thấp quá sẽ mất đi động lực, nhưng cao quá cũng sẽ có những rủi ro.

Thực tế cho thấy, dù lãi suất đầu vào khó giảm, nhưng để “giữ chân” nguồn tiền nhàn rỗi trước bối cảnh áp lực tỷ giá trong năm 2016 và lạm phát có nguy cơ trở lại, các ngân hàng buộc phải gia tăng khuyến mãi. Một số nhà băng thậm chí còn tăng nhẹ lãi suất tiết kiệm, cộng biên độ 0,2%/năm cho khách hàng gửi tiền có độ tuổi từ 45 trở lên. Mức lãi suất đầu vào cao nhất hiện nay khoảng 8%/năm cho kỳ hạn dài được một số nhà băng nhỏ áp dụng.

Tuy nhiên, do nguồn thu đóng góp chính vào lợi nhuận của các ngân hàng là từ tín dụng, nên buộc phải thu hẹp biên lợi nhuận để giảm lãi vay, kích cầu tín dụng. Hiện các NHTM đang mạnh tay “rót” vốn cho phân khúc khách hàng cá nhân có nhu cầu về nhà ở thực sự, đặc biệt trước dự báo phân khúc căn hộ có giá phù hợp sẽ “ấm” dần lên và lãi suất cho vay đang từng bước giảm dần.

Chẳng hạn, người mua căn hộ Chung cư Aqua Spring và Oriental Westlake được hưởng lãi suất từ 0%/năm trong năm đầu tại SeABank. HDBank có gói tín dụng 6.000 tỷ đồng, lãi suất 7%/năm trong 3 tháng đầu, 8%/năm trong 6 tháng đầu, 8,5%/năm trong 9 tháng đầu, hoặc 10,5%/năm trong 12 tháng đầu cho nhu cầu vay vốn sản xuất - kinh doanh, vay mua bất động sản và mua xe ôtô của khách hàng cá nhân, hộ kinh doanh và DN siêu nhỏ.

Trước đó, ACB dành 14.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi để hỗ trợ tài chính cho DN vừa và nhỏ, với mức lãi suất cho vay từ 7,5 - 7,8%/năm. Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, năm 2016, ACB đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 18 - 20%, tương đương toàn ngành. Trong đó, tín dụng cá nhân tăng 25%, DN vừa và nhỏ tăng 15%, DN lớn (chọn lọc và cơ cấu lại) tăng 5%. ACB đang từng bước nỗ lực giảm lãi vay để kích cầu tín dụng.

Chủ tịch BIDV, ông Trần Bắc Hà cho hay, lãi suất cho vay có thể giảm từ 0,5-1%/năm. Theo ông Hà, hiện nay, lãi suất cho vay tại Việt Nam đang ở mức 7-11%/năm (bình quân 8,5%/năm) là mức lãi suất tốt nhất trong nhiều năm qua, trong khi giá vốn đang ở mức 7,8%/năm. Tuy nhiên, ông Hà cũng cho rằng, mức chênh lệch ròng của các NHTM hiện rất thấp, chỉ khoảng 0,7%/năm, trong khi tại các nước trong khu vực, chênh lệch ròng ở mức 2,2-2,5%/năm.

Lãi suất đầu vào được các chuyên gia kinh tế - tài chính nhận định khó giảm trong năm nay, khi áp lực tỷ giá và lạm phát có dấu hiệu tăng, nhưng lãi suất cho vay cũng khó tăng.

Trả lời ĐTCK, ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam cho biết, lãi suất huy động nhiều khả năng tăng nhẹ trong thời gian tới, song lãi suất cho vay vốn trung - dài hạn sẽ giảm cho các DN có chất lượng tín dụng tốt do tính cạnh tranh. Hiện mặt bằng lãi suất vay ngắn hạn của các DN là 7 - 9%/năm, trung - dài hạn có thể cao hơn.

Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn cho rằng, nếu lãi suất cho vay tăng, DN sẽ chùn bước trong việc mở rộng sản xuất - kinh doanh, vì thực tế, lãi suất của Việt Nam hiện vẫn cao hơn so với các nước trong khu vực, khiến sức cạnh tranh của hàng hóa Việt suy giảm. 

Tin bài liên quan