Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 25-30% trong năm nay

Nhiều ngân hàng đặt mục tiêu lợi nhuận tăng trưởng 25-30% trong năm nay

Kế hoạch lợi nhuận, có ngân hàng phải tính thêm rủi ro nợ xấu

(ĐTCK) Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng sẽ diễn ra rầm rộ trong quý tới và đây cũng là lúc các nhà băng hé lộ mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng năm 2018. So với năm 2017, nhiều nhà băng đưa ra kế hoạch lợi nhuận cao, song tính khả thi là điều cần cân nhắc.

Mùa Đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngân hàng sẽ diễn ra rầm rộ trong quý tới và đây cũng là lúc các nhà băng hé lộ mục tiêu lợi nhuận kỳ vọng năm 2018. So với năm 2017, nhiều nhà băng đưa ra kế hoạch lợi nhuận cao, song tính khả thi là điều cần cân nhắc.

Techcombank mở đầu mùa ĐHCĐ ngành ngân hàng trong năm 2018 bằng việc lên kế hoạch lợi nhuận 10.000 tỷ đồng, tăng so với con số 8.000 tỷ đồng đạt được trong 2017 và là con số "lịch sử" đối với một ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân từ trước đến nay.

Theo tài liệu chuẩn bị cho ĐHCĐ sắp tới, VPBank đã xác định chỉ tiêu kế hoạch lợi nhuận năm nay là 10.800 tỷ đồng trước thuế cho năm 2018. Năm qua, nhà băng này cũng thu về 8.100 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế.

Đa phần ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận dao động từ 25-30%, chứ hiếm nhà băng đặt tham vọng tăng trưởng tới 60% như HDBank

Tại Vietcombank, Chủ tịch HĐQT Nghiêm Xuân Thành cho biết, theo kế hoạch ban đầu, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế 2018 dự kiến là 12.000 tỷ đồng, sau đó đã được nâng lên 13.000 tỷ đồng để đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn.

Năm 2017, HDBank đạt lợi nhuận trước thuế hợp nhất 2.420 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế riêng lẻ 2.040 tỷ đồng, gấp 2,1 lần năm 2016. HDBank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 tăng 65,3% lên 3.921 tỷ đồng, tăng trưởng dư nợ tín dụng dự kiến đạt 34,99%, nâng dư nợ cho vay khách hàng lên 148.510 tỷ đồng…

Đến tháng 4/2017, hầu hết các ngân hàng thương mại sẽ chính thức bước vào mùa đại hội. Tại đây, các chỉ tiêu kinh doanh trong năm 2018, bao gồm cả lợi nhuận, sẽ được hé lộ.

Theo tìm hiểu của Báo Đầu tư Chứng khoán, đa phần ngân hàng đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận dao động từ 25-30%, chứ hiếm nhà băng đặt tham vọng tăng trưởng tới 60% như HDBank.

Cần tính thêm rủi ro nợ xấu

Bên cạnh các mục tiêu tăng trưởng cao, cũng không ít ngân hàng tỏ ra thận trọng với kế hoạch kinh doanh 2018, mà nguyên nhân chính xuất phát từ nợ xấu.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết, năm qua Sacombank đạt hơn 1.488 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, gấp 9,5 lần so với năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu đầu năm 2017 là 6,68% tổng dư nợ, cuối năm 2017 đã giảm xuống còn 4,28% và dự kiến sẽ giảm về 3% trong năm 2018. Kế hoạch lợi nhuận đề ra cho năm 2018 của Sacombank ở mức 1.640 tỷ đồng trước thuế.

"Mục tiêu quan trọng nhất trong năm nay của Sacombank là đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu theo Đề án được phê duyệt, ưu tiên công tác xử lý nợ xấu để nâng cao chất lượng tài sản", ông Minh cho biết.

Tổng giám đốc Eximbank Lê Văn Quyết cho biết, Eximbank đạt hơn 1.000 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế trong năm 2017, gấp hơn 2,5 lần năm 2016 và đạt trên 169% kế hoạch đặt ra. Nhờ đó, Eximbank đã xóa được tình trạng lỗ lũy kế và kỳ vọng đưa cổ phiếu EIB khỏi kiểm soát đặc biệt trong suốt 2 năm qua.

"Bước sang năm 2018, bên cạnh những kết quả đạt được năm 2017, Eximbank tiếp tục tập trung giải quyết những thách thức, tồn đọng từ những năm trước để lành mạnh hóa hoạt động… Về chỉ tiêu lợi nhuận 2018, HĐQT và Ban điều hành Ngân hàng sẽ cân nhắc để đưa ra mức phù hợp với tình hình năm nay", ông Quyết nói.

BIDV cũng vừa báo lãi trước thuế hơn 8.800 tỷ đồng trong năm 2017, nhưng tính về con số tuyệt đối, đây vẫn là ngân hàng đang có số nợ xấu lớn, đạt 13.950 tỷ đồng, chiếm 1,61%/tổng dư nợ tính đến cuối năm 2017, khiến BIDV phải trích lập dự phòng gần 15.000 tỷ đồng.

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính-ngân hàng, năm 2018, các tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ phải tiếp tục thực hiện trích lập 20% giá trị trái phiếu đặc biệt sau khi bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Theo đó, những TCTD nào có số dư trái phiếu đặc biệt lớn sẽ tiếp tục chịu ảnh hưởng tiêu cực từ chi phí dự phòng, trong khi số ít TCTD khác đã xử lý xong sẽ có một năm kinh doanh nhẹ nhàng hơn. Vì thế, dù ngân hàng đưa ra mục tiêu lợi nhuận cao cho năm nay vẫn chưa tránh khỏi áp lực dự phòng rủi ro trong 2018.

Đánh giá được đưa ra từ TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính-ngân hàng, lợi nhuận ngân hàng được các nhà băng kỳ vọng cải thiện trong năm nay nhờ tín dụng tăng, cũng vì thế mà cạnh tranh trong việc giữ và mở rộng thị phần tín dụng cũng ngày càng gay gắt. Lãi suất cho vay đang nỗ lực giảm dần, trong khi chi phí huy động vốn khó giảm bởi lãi suất đầu vào tăng, nên các nhà băng cần thận trọng khi xây dựng chỉ tiêu.               

Tin bài liên quan